Chàng thợ khảm, thợ mộc tài hoa Nguyễn Hữu Tài - Ảnh: TRẦN MAI
Nghề này giờ rất thịnh, nhưng kiếm được người học thì quá khó. Hiếm ai chịu ngồi cả ngày để cắp, ghép vài chi tiết cực kỳ nhỏ. Thường sẽ nản khi sắp hoàn thành, lỡ mạnh tay là phải bỏ làm lại từ đầu.
Anh NGUYỄN HỮU TÀI
Sống lại nghề tinh xảo
Ý tưởng phục chế lại những cổ vật đặc biệt đó nảy ra trong đầu ông Bách. Ông bắt đầu đi tìm kiếm thợ thủ công tinh xảo còn giữ nghề chế đồ xưa ở Huế. Thế nhưng ông tìm mãi chẳng có người thợ nào đủ giỏi.
May sao có người giới thiệu xưởng mộc nhỏ ở làng Nam Phổ của anh Nguyễn Hữu Tài, học trò cụ Võ Quế - một nghệ nhân khảm trai nổi tiếng từng được mời tu sửa cung vua.
Làng Nam Phổ yên bình cạnh sông Hương thơ mộng. Khu xưởng mộc của anh Tài nằm ngay ngã ba đường. Ở đây, bốn người thợ đang tỉ mỉ phục chế chiếc bàn cũ, tủ xưa, những sản phẩm tuổi đời cả trăm năm, hư hỏng khá nhiều.
Khảm chi tiết xà cừ nhỏ xíu mà tinh tế lên gỗ - Ảnh: NHẬT LINH
Hư hỏng khó xử lý nhất là khảm xà cừ. "Người thợ xưa rất giỏi, nét khảm rất mảnh, có chi tiết như râu rồng hay lông chim nhỏ như sợi tóc. Để cưa được miếng ốc xà cừ nhỏ như vậy cũng lắm công phu. Ở Huế bây giờ không còn mấy người làm được", anh Tài nói.
Ông Khang Đường (một người thợ khảm trong khu xưởng) kéo sát chiếc đèn xuống bàn làm việc. Ở cái tuổi 56, đôi mắt của người thợ khảm xà cừ cần trợ giúp của đèn và đôi kính dày cộm để cưa nét khảm để tránh không bị lệch.
Để phục chế tác phẩm khảm xà cừ lên bàn ghế và tủ gỗ tuyệt đẹp, người thợ phải có đôi tay tài hoa và sử dụng một chiếc cưa tay hình cây cung cưa vỏ ốc xà cừ không lệch, không dư, không thiếu. Từng chi tiết là sự công phu của người thợ để khớp nối hàng ngàn chi tiết xà cừ rồi khảm thành tác phẩm cuối cùng.
Ông Đường là người lớn tuổi nhất trong số bốn nghệ nhân làm việc tại xưởng mộc anh Tài. Trong giới khảm xà cừ đất cố đô, để khảm đạt đẳng cấp như ông chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.
Ở xưởng anh Tài có rất nhiều sản phẩm tinh xảo được phục chế. Có những chiếc bàn mà giới sưu tầm đồ xưa định giá tiền tỉ. Như chiếc bàn gỗ uống trà tuyệt đẹp nằm gọn ở một góc nhà chỉ dài chừng 1m, rộng khoảng 50cm. Trên mặt bàn là một bức tranh sinh động với chim muông, hoa lá được khảm xà cừ tinh xảo, đẹp vô cùng.
"Riêng cái bàn đó nhà báo đừng chụp hình nghe, đó hàng xưa nay hiếm. Chủ nhân rất kín tiếng. Dù khách không yêu cầu nhưng tui cũng phải giữ bảo mật cho khách khi chưa bàn giao. Chiếc bàn đó nếu đúng nhà sưu tầm hiểu biết đồ ngự dụng hoàng triều thì giá tiền tỉ cũng mua", anh Tài nói.
Từ ngày theo đuổi nghề phục chế quá khứ, anh Tài đã giữ lại những người thợ giỏi nhất ở Huế. Với anh Tài, tinh hoa còn lại chút này, không giữ sẽ thất truyền. Anh Tài là học trò của nghệ nhân Võ Quế - một trong "tứ đại danh khảm" của 30 năm trước.
Ông Quế từng được mời vào Đại Nội để tu sửa hoàng cung. Anh Tài được truyền nghề từ danh sư này. Cũng nhờ giỏi nghề mà anh có cơ duyên gặp nhà nghiên cứu Trịnh Bách và cùng ông phục chế lại cơ số đồ thờ, ngự dụng ở hoàng cung, lăng tẩm vua chúa đang trên đà rụng rời, hư hại.
Năm 2006, giới yêu cổ ngoạn xứ Huế bất ngờ trước bộ sưu tập đồ Huế phục chế là đồ ngự dụng, thờ cúng hoàng cung của nhà nghiên cứu Trịnh Bách trưng bày ngay điện Thái Hòa. Tất cả đều có đôi tay tài hoa của anh Tài tham gia phục chế.
Người thợ khảm xà cừ tinh tế cưa nhỏ từng mảnh vỏ ốc xà cừ - Ảnh: NHẬT LINH
Giữ lại nhà rường xứ Huế
Hiện nay, xưởng mộc làm nghề khảm xà cừ của anh Tài đang kinh doanh thuận lợi. Đơn hàng gửi về xưởng nhờ phục chế, khảm xà cừ cứ tăng dần lên giúp đời sống của những người thợ khảm cũng cơ bản khấm khá.
Ngoài tài năng khảm xưa nay hiếm, anh Tài còn nổi tiếng với nghề phục dựng nhà rường xưa. Trong những lần đi khắp xứ Huế nhận đồ gỗ về khảm, anh Tài đau lòng khi chứng kiến những mái nhà rường xưa là một phần di sản của Huế rơi vào tình trạng rệu rã, sắp sập.
Thế là anh Tài về nhà bàn với người anh ruột là Nguyễn Hữu Nghĩa (55 tuổi), cũng là người thợ mộc nổi danh xứ Huế, tìm cách dựng lại mái nhà rường xưa. Hai anh em dò la khắp nơi, tìm đến tận cổng gõ cửa từng nhà những chủ nhân có nhà rường sắp sập để "động viên" dựng lại.
Anh Nguyễn Hữu Nghĩa dựng nhà rừng Huế - Ảnh: TRẦN MAI
Căn nhà của cô Lê Thị Bạch Kim (65 tuổi, phường Phú Thượng, TP Huế) là một điển hình. Mở cửa mời chúng tôi vào ngôi nhà rường ba gian khang trang nằm trong khu vườn nhỏ rợp bóng cây xanh, cô Kim nói rằng chẳng bao giờ cô dám nghĩ căn nhà này sẽ tồn tại đến ngày hôm nay.
Căn nhà rường do cha ông để lại xuống cấp trầm trọng theo thời gian. Gia đình họp lại mấy lần tính tháo dỡ vì chẳng biết sập lúc nào.
Nhưng mỗi lần con cái nêu ra việc dỡ nhà, cô Kim cứ chần chừ không quyết vì tiếc cho cả một bầu trời thương nhớ, nơi gắn liền hình bóng của những người thân quá cố của cô.
Thế rồi chuyện đến tai anh em Tài, Nghĩa. Hai người thợ đi quanh một vòng ngắm nghía ngôi nhà cổ rồi lôi giấy bút ra tính toán. "Cô tin con, con dựng lại được căn nhà cho cô với chi phí không quá nhiều", nói rồi anh Tài chìa tờ giấy tính toán công trình ra cho cô Kim và được cô gật đầu cái rụp.
Tháo dỡ căn nhà cũ, anh Tài cùng đội thợ tận dụng lại những cấu kiện bằng gỗ còn sử dụng được để dựng lại công trình nhằm tiết kiệm tối đa chi phí. Bằng đôi tay tài hoa và sự tận tâm của đội thợ mộc, căn nhà rường cổ của cô Kim được dựng lại sau ba tháng.
"Ngày "khai trương", bạn bè, người thân của tôi ai cũng ngỡ ngàng trước một căn nhà rường tuyệt đẹp được dựng lại. Khỏi phải nói tôi vui cỡ nào. Giờ cứ trưa hè, tôi lại ra căn nhà rường này ngủ trưa. Ngoài trời nắng cỡ nào thì bên trong cũng rất mát, chẳng cần máy điều hòa", cô Kim hào hứng khoe.
Hiện nay ngoài xưởng khảm xà cừ, anh Tài và anh Nghĩa còn làm chủ một xưởng mộc lớn chuyên nhận làm đồ kỹ nghệ và dựng lại nhà rường xưa với hơn 20 thợ giỏi nghề.
Không chỉ nhận dựng nhà rường ở Huế, anh Tài còn đem quân của mình đi khắp nơi để dựng nhà rường xứ Huế theo nhu cầu của khách.
"Công trình lớn nhất có thể kể đến là một căn nhà rường có cổng to như Ngọ Môn ở tận Bình Dương mà chúng tôi tốn cả năm trời ròng rã mới dựng xong. Còn nhà rường trăm triệu thì đầy ra, đếm không xuể.
Cốt là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng, nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt nhà rường xứ Huế. Giữ nghề, giữ nghệ và chúng tôi cũng giữ cuộc sống của mình", anh Tài tâm tình.
----------------------
Cung An Định trưa hè đổ lửa, nhóm nghệ sĩ trẻ vã mồ hôi chỉnh lại những bức tranh được lấy ý tưởng từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.
Kỳ tới: Hồi sinh pháp lam cố đô Huế
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận