Không mấy người biết YouTube hôm nay từng được ra đời từ một dự án thất bại mang tên Tune In Hook Up vốn dành cho hò hẹn online - Ảnh: Amazonaws
Thay đổi để thích ứng
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp điêu đứng trước các thách thức phi tiền lệ do dịch COVID-19, phải chăng một lần nữa chúng ta nên ngẫm lại câu nói này khi lật giở những trang tư liệu ghi lại hành trình vượt khó, vượt khủng hoảng của rất nhiều thương hiệu, nhãn hàng lớn.
Khi nghĩ về các doanh nghiệp xuất sắc nhất, nhiều người cho rằng họ đã may mắn hơn. Nhưng thực tế không hẳn vậy. Thay vì chờ may mắn, những doanh nhân thành công luôn cẩn trọng quan sát xung quanh, nhận ra những vấn đề cần giải quyết và tìm kiếm các giải pháp khả thi họ có thể "bán" cho mọi người.
Khi bước vào bên trong một sân bay, bạn thường làm gì đầu tiên? Dù bạn đang ở Trung Quốc, Na Uy hay New Zealand, gần như chắc chắn việc đầu tiên bạn sẽ làm là tiến đến các quầy làm thủ tục. Dĩ nhiên chẳng ai muốn phải xếp hàng chờ đợi, và bạn sẽ chọn một chiếc máy tự làm thủ tục check-in và lấy thẻ lên máy bay ở đó.
Ngày nay, những quầy check-in tự động như vậy có mặt ở gần như mọi quốc gia. Nhưng bạn có biết những chiếc máy này đã từng là một biểu tượng thất bại?
Người phát minh ra các quầy check-in tự động ở sân bay đó thoạt tiên không hề có ý tưởng làm ra một thứ để phục vụ ngành công nghiệp hàng không. Ban đầu, ông tính làm một cái máy bán... vé số tự động. Nhưng ý tưởng đó hoàn toàn thất bại.
Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn nhất của ông với nhiều người khác khi ở cùng cảnh ngộ là ông không coi đó là thất bại u ám mà tự hỏi: liệu còn lĩnh vực nào khác có thể ứng dụng cái máy của ông không. Và sau đó ông bỏ ý định ban đầu để chuyển sang ý tưởng áp dụng cho ngành công nghiệp hàng không, đi lại.
Vị doanh nhân, nhà phát minh đó là ông Jay Samit. Câu chuyện của ông là minh chứng sinh động cho một câu người ta thường nói: các doanh nhân là những người hiểu rằng chỉ có chút ít khác biệt giữa trở ngại và cơ hội.
Tới nay ông Jay Samit đã trở thành một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng kinh doanh. Ông đã có nhiều hợp tác về đào tạo, giảng dạy cho các công ty trong nhóm Fortune 500 - danh sách công bố hằng năm của tạp chí Fortune bao gồm 500 công ty lớn nhất của Mỹ được xếp hạng theo tổng doanh thu cho các năm tài chính tương ứng của họ.
Tìm con đường riêng
Vào đầu những năm 1990, máy tính vẫn còn là những thứ gì đó rất mới mẻ với mọi người, ngay cả ở Mỹ. Có vô số doanh nhân khi đó dồn lực vào cuộc đua tranh giành lợi thế thương mại trong triển khai các tiến bộ công nghệ.
Trong bối cảnh đó, sự thành công rực rỡ của một công ty có thể khiến nhiều người "té ngửa" vì các sản phẩm của họ chẳng hề "công nghệ" tí nào.
Công ty startup đầu tiên ở Mỹ vào những năm 1990 được bán với giá 100 triệu USD không phải một hãng phần mềm hay phần cứng, cũng không phải do một chuyên gia lập trình sáng lập. Thậm chí ông Billy Myers - nhà sáng lập startup đó - còn không biết dùng máy tính vì thực sự ông cũng... không cần thật.
Là một doanh nhân bẩm sinh, ông Billy có lối tư duy hoàn toàn độc đáo. Trong lúc mọi người say sưa cạnh tranh về tốc độ con chip hay dung lượng bộ nhớ thiết bị, ông chú ý tới một "ngách" khác của đời sống. Ông nhận thấy mọi người đang bỏ ra tới 2.000 USD để mua một chiếc máy tính cá nhân, nhưng lại chẳng có gì để bảo vệ khoản đầu tư rất lớn đó.
Quyết tâm thay đổi điều này, ông Billy bắt đầu sản xuất các phụ kiện che bụi cho màn hình máy tính, bộ xử lý trung tâm (CPU), bàn phím và các phụ kiện liên quan khác. Hẳn là mỗi chúng ta đều đã từng dùng một tấm lót rê chuột hay một hộp đựng đĩa mềm ngày xưa. Bạn cũng sẽ phải cảm ơn Billy vì những phát minh đơn giản đó.
Đáng nói hơn khi doanh nhân này không phải đầu tư quá nhiều để sản xuất. Trong một kỷ nguyên của các doanh nghiệp công nghệ cao, những vật dụng đó thậm chí còn có vẻ bị xem là hơi "ngốc nghếch".
Tuy nhiên điều đáng nói ở đây, Billy đã là người đầu tiên nhận ra một nhu cầu mới manh nha ở thời điểm đó. Và trong khi tất cả dường như đang cùng nhìn về một hướng thì ông ấy nhìn sang hướng khác, một lối đi khác của riêng mình. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp phụ kiện hôm nay là một minh chứng thuyết phục cho tư duy sáng tạo của Billy.
Ứng dụng bản đồ số thông minh của Hãng phần mềm GPS Waze được sử dụng trên một chiếc xe hơi - Ảnh: Lechodalgerie-dz
Dám từ bỏ khi không ổn
"Ngày xửa ngày xưa" có một trang web tên là Tune In Hook Up. Có lẽ rất nhiều người chưa từng nghe thấy nó, và chắc cũng sẽ chẳng bao giờ cần biết đó là gì. Nhưng hẳn bạn sẽ bất ngờ khi biết nó có liên quan rất gần tới những gì bạn đang trải nghiệm mỗi ngày hiện nay.
Trang web đó được lập ra ban đầu với ý định trở thành một hiện tượng đột phá trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ hò hẹn online. Trong khi hầu hết các trang web cùng loại đều chọn cách hiển thị hình ảnh của người dùng để giúp các cặp đôi tìm ra nhau trong thế giới mạng, trang Tune In Hook Up muốn chọn cách hiển thị video.
Các nhà sáng lập website Tune In Hook Up tin rằng ý tưởng của họ sẽ mang lại hàng triệu USD lợi nhuận. Nhưng họ đã sai. Hóa ra người dùng không quan tâm tới việc dùng các video trong hò hẹn. Tuy nhiên những người làm ra Tune In Hook Up nhận thấy người dùng rất thích xem video, chỉ là họ không thích xem video trong hò hẹn mà thôi.
Thế là họ quyết định "xoay trục", bỏ ý tưởng ban đầu xây dựng Tune In Hook Up thành trang web hẹn hò để khởi động một nền tảng chia sẻ video trực tuyến miễn phí. Tên của nó là gì thì hẳn bạn đã biết lâu rồi.
Chính là YouTube! Chỉ sau một năm đi vào hoạt động, YouTube đã được Google mua lại với giá hơn 1,5 tỉ USD và cuộc đời của các nhà phát triển nền tảng này đã mãi mãi thay đổi từ đó.
Có thể ai đó sẽ bảo chuyện này quá hi hữu, phải chăng đó chỉ là tình huống kiểu như triệu người có một? Nhưng thực sự những thất bại được đảo ngược phổ biến hơn bạn nghĩ. Các doanh nhân thành công là những bậc thầy về cải cách, thay đổi, họ sẽ không chịu bỏ cuộc cho tới khi tìm ra được một cái gì khách hàng thực sự cần.
Câu chuyện của mạng xã hội Instagram là một ví dụ. Năm 2010, Instagram được đưa vào sử dụng với chức năng một ứng dụng check-in, tức xác nhận việc một ai đó có mặt tại đâu.
Nhưng không lâu sau đó, các dữ liệu cho thấy người dùng đặc biệt "ám ảnh" với một tính năng của app: chia sẻ hình ảnh. Nhận ra điều này, các nhà sáng lập ứng dụng bỏ luôn ý tưởng ban đầu để tạo ra một app chia sẻ hình ảnh trị giá tỉ USD như mọi người đều đã biết hôm nay.
Rõ ràng, các doanh nhân thành công là người những người dám từ bỏ và bỏ rất nhanh các ý tưởng kinh doanh tồi ngay khi nhận ra điều đó. Điều này không đơn giản bởi nhiều người quá "đắm đuối" với ý tưởng ban đầu tới mức phớt lờ luôn cả những chỉ dấu cảnh báo "đỏ".
Những người thành công luôn dành cho dữ liệu thống kê một "ghế" thường trực trong hội đồng quản trị của họ, và khi "ghế" đó lên tiếng, họ sẽ lắng nghe.
(Tham khảo tư liệu cuốn Disrupt của Jay Samit)
Doanh nghiệp thành công bán giải pháp, không bán sản phẩm
Khi bạn mua một chiếc điện thoại di động mới, bạn không mua một miếng kim loại mới có kích thước nhỏ như bàn tay mà đang mua một cách kết nối với mọi người. Bạn không mua một món đồ vật lý, mà mua những khả năng vật đó sẽ mở ra cho mình.
Bạn đang mua công cụ để gọi điện cho bạn bè, người thân bất cứ lúc nào. Bạn đang đầu tư vào liên lạc, cộng đồng và sự thoải mái - những giá trị lớn hơn rất nhiều lần so với một vật làm từ nhựa và kim loại.
Vậy đó, các doanh nghiệp thành công không bán sản phẩm, họ bán các giải pháp. Hãng phần mềm GPS Waze trị giá 1 tỉ USD không chỉ cung cấp cho các tài xế những bản đồ số thông minh. Họ tặng các tài xế thời gian, nhiều phút hoặc thậm chí nhiều giờ tiết kiệm được bằng cách chọn các tuyến đường ngắn nhất có thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận