Anh Thạnh (phải) và anh Tuấn tính toán thiết kế điểm nối để chiếc giường dễ gấp và đảm bảo chịu tải lớn - Ảnh: TRẦN MAI
Không gian nhà xưởng rộng khoảng 10.000m2, công nhân đang tất bật với công việc, máy móc cũng hoạt động hết công suất bởi đơn hàng đang dày cộm. Thật khó hình dung tại tỉnh lẻ như Quảng Ngãi giữa mùa dịch lại có một nhà xưởng bận rộn công việc, đảm bảo thu nhập cho mọi người.
Từ gồng mình đến chuẩn bị đóng cửa
Trong vô vàn khó khăn, anh Đặng Duy Thạnh, giám đốc Công ty cổ phần sản xuất cơ khí Tân Ngọc Thịnh (TP Quảng Ngãi), đã thay đổi, thích ứng với dịch bệnh để tồn tại và sẵn sàng bước chuyển mình sau dịch.
Nói là vậy, nhưng Thạnh cũng đầy suy tư khi kể về thời điểm dịch bùng phát lần thứ tư. Lúc này, sức chịu đựng của một công ty khởi nghiệp đã đến mức "quá tải". Tiền không làm ra, nhưng chi tiêu không giảm là bao nhiêu so với trước, thậm chí còn nhiều hơn bởi vật tư đội chi phí cao hơn rất nhiều.
Thạnh chia sẻ: "Đợt dịch đầu tiên, tôi nghĩ sẽ khống chế nhanh hoạt động trở lại bình thường. Rồi đợt 2, đợt 3, đợt 4 nối nhau. Những tính toán của anh em đều sai, dịch kéo dài hơn suy nghĩ của tôi nhiều".
Cả năm trời không bán được những đơn hàng lớn, chỉ lèo tèo vài đơn nhỏ lẻ, anh Thạnh bàn nhau chia đôi công nhân và làm cách nhật. Nếu đợt dịch này không thể khống chế, tạm thời dừng hoạt động công ty cho đến khi dịch thật sự ổn.
Nhìn vào khối lượng dụng cụ thể dục thể thao ngoài trời chất đầy trong kho và phải dựng trại bỏ hàng hóa, anh Thạnh bảo: "Tôi nói thật, những công ty khởi nghiệp như chúng tôi dù có chuẩn bị phương án dự phòng tài chính cho rủi ro, nhưng con số không nhiều và cũng không thể gồng nổi trong thời gian quá dài như hai năm qua".
Thời điểm anh Thạnh ra thông báo, cả công ty ai cũng buồn. Anh Lê Văn Tuấn, giám đốc xưởng sản xuất, vẫn nhớ buổi thông báo đó, dù anh biết trước trong cuộc họp nhưng cũng rất buồn, bởi ngày nào anh cũng gắn bó với xưởng sản xuất và anh em công nhân. Anh Tuấn hiểu việc làm, tiền lương trong thời điểm dịch bệnh rất quan trọng. Làm cách nhật, hay đóng cửa nhà xưởng lúc này khiến anh em công nhân vào chỗ khó khăn hơn.
"Nhưng không đóng thì chẳng thể lo nổi chi phí khổng lồ mỗi ngày phải gánh. Lúc đó, chúng tôi đi đến quyết định phải thay đổi để thích ứng với dịch bệnh. Tại sao cứ phải làm dụng cụ thể thao, trong khi sản phẩm này đang thương mại kém lúc dịch giã" - anh Tuấn nói.
Mỗi ngày báo đài đều nói về tình hình dịch, đâu đâu cũng là thông tin dịch bệnh. Ngành cơ khí có đất sống lúc này hay không? Câu hỏi ấy đủ để những người trẻ ở công ty khởi nghiệp Tân Ngọc Thịnh thay đổi mình một cách mạnh mẽ.
Anh Thạnh liên hệ với nhiều đối tác, nhiều đơn vị mà anh có thể tìm kiếm nhu cầu và cũng là thị trường mới trong thời điểm dịch. Thế là ý tưởng làm giường xếp bằng vải dù khẩn cần trong mùa dịch hình thành.
Có ý tưởng nhưng để thay đổi công năng của máy móc gồ ghề vốn dùng cho những dụng cụ thể thao to lớn, sang làm giường xếp không hề dễ dàng như suy nghĩ ban đầu. "Nếu làm một vài cái giường xếp thì quá dễ và có thể làm bằng tay, nhưng làm những đơn hàng chục nghìn cái thì đòi hỏi máy móc phải thực hiện hết, từ đục vít, uốn thép... Chúng tôi đã phải chế tạo những mũi đục và thử nghiệm. Chỉnh sửa liên tục" - anh Thạnh chia sẻ.
Công ty từ tính toán phải tạm đóng cửa, nay đã làm không kịp bán - Ảnh: TRẦN MAI
Đến đơn hàng làm không kịp
Thế rồi hai tháng qua, dịch bệnh bùng phát, nhà xưởng Công ty Tân Ngọc Thịnh đã vui vẻ trở lại thay không khí ảm đạm trước đây. Những chiếc giường xếp làm ra không đủ cung cấp cho nhu cầu của đối tác. Hiện công ty phải tăng ca, nhưng chẳng ai thấy mệt mà cảm thấy hạnh phúc. Ai cũng biết có việc làm, thu nhập ổn định vào lúc này đã là may mắn. Chính anh Thạnh cũng trút bỏ gánh nặng đeo mang thời gian dài, đến giờ anh có thể tự tin doanh nghiệp vững vàng đi qua mùa dịch bệnh.
Ranh giới giữa tồn tại và đóng cửa của doanh nghiệp trong thời điểm này phụ thuộc hoàn toàn vào việc đứng yên hay thay đổi. Mục tiêu của Công ty Tân Ngọc Thịnh lúc này không phải lợi nhuận, chỉ cần tồn tại là được. Có lẽ vì suy nghĩ đó mà anh Thạnh luôn bán sản phẩm với giá thấp hơn so với thị trường.
Anh cân đối giữa nguyên liệu đầu vào, chi phí sản xuất, vận chuyển để bán ra. Đây không phải là phá giá vì làm sao anh có khả năng phá giá, mà chỉ đơn giản là công ty vừa tồn tại được, vừa góp phần phục vụ vật tư cho chống dịch.
"Tôi nghĩ mỗi doanh nghiệp cần có trách nhiệm với cuộc chống dịch. Những chiếc giường xếp của tôi đều bán cho các khu cách ly, chốt kiểm dịch... nên tôi muốn có giá tốt nhất" - anh Thạnh chia sẻ.
Niềm vui tiếp nối, những lận đận đã qua, những chiếc giường xếp tỏa đi khắp cả nước, nhiều đơn hàng ở TP.HCM, Đồng Nai, Tây Nguyên được ký kết. Để sản phẩm của mình sử dụng dài lâu, kỹ sư công ty tính toán và sử dụng thép có thể chịu tải hơn 100kg, bất kỳ bệnh nhân nào cũng có thể nằm được mà không bị hư hỏng.
Nhờ nâng cao chất lượng và tối ưu về giá mà đơn đặt hàng ngày một nhiều. Đại diện một khu cách ly cho công nhân ở Bình Dương chia sẻ rằng tìm kiếm giường xếp lúc này khá khó, vì hàng rất khan và giường hay xuất hiện lỗi hư hỏng do tải trọng của nhiều người nặng.
"Từ khi được một nhóm thiện nguyện tặng 50 chiếc giường sử dụng tốt, chúng tôi đã hỏi địa chỉ và đặt mua 5.000 chiếc giường từ Công ty Tân Ngọc Thịnh. Sau gần hai tháng, giường vẫn ổn định. Chúng tôi rất cảm ơn khi anh hỗ trợ chi phí vận chuyển và giá cả cũng rất tốt" - đại diện khu cách ly chia sẻ.
Cắt nhân công, đóng cửa công ty đã không còn là mối lo, trái lại, Công ty Tân Ngọc Thịnh còn tăng thêm nhân công làm thời vụ. Đó là những người dân sống gần công ty mất việc vì dịch bệnh.
Bà Lan, đã vào làm ở công ty Tân Ngọc Thịnh được 2 tháng. Công việc của bà đơn giản chỉ là xỏ vải vào khung sắt. Mỗi ngày cũng giúp bà kiếm được 250.000 đồng, số tiền đủ để bà lo cho cuộc sống của gia đình.
Trước đây, bà Lan có thu nhập nhờ bán quán ăn và làm mấy sào ruộng. Dịch đến quán đóng cửa, nguồn thu nhập mất đi. Đang trong khó khăn, bà được nhận vào làm việc. Bà Lan bảo: "Rất may mắn khi có việc vào lúc này, cảm ơn cháu Thạnh và các cháu trong công ty rất nhiều. Chị em ở xóm được nhận vào làm việc rất biết ơn".
Vượt qua khó khăn, anh Thạnh đang tính toán sẽ tăng thêm nhân công và phân riêng việc làm giường cho "lính mới". Những công nhân lành nghề, gắn bó lâu năm với công ty sẽ trở lại làm dụng cụ thể thao ngoài trời. Đó là bước chuẩn bị để khi dịch ổn, những đơn hàng "đứng bánh" vì dịch ở Bắc Giang, Quảng Nam, Trà Vinh... sẽ phục hồi trở lại.
Và hơn hết, việc đưa sản phẩm ra ngoài biên giới Việt Nam để xâm nhập sâu vào thị trường Lào, Campuchia đã được chuẩn bị sẵn sàng...
Hợp tác để tồn tại
Trong nguy có cơ. Không chỉ thay đổi, Công ty Tân Ngọc Thịnh còn hợp tác với Công ty TNHH Sapaga (Đà Nẵng) cùng tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường. Anh Huỳnh Đức Linh, giám đốc Sapaga, chia sẻ trong thời điểm khó khăn, các công ty khởi nghiệp cùng lĩnh vực nên hợp tác với nhau để hỗ trợ giúp các bên tìm ra giải pháp phù hợp vượt qua khó khăn.
"Chúng tôi hợp tác với Công ty Tân Ngọc Thịnh từ nhiều năm trong lĩnh vực dụng cụ thể thao, làm hồ bơi lắp ghép. Hiện thời điểm dịch, tôi cũng cố gắng tìm kiếm khách hàng và hoạt động phi lợi nhuận. Chủ yếu giúp việc sản xuất trôi chảy và đảm bảo giải quyết bài toán công việc cho nhân viên. Nhìn chung, so với các công ty khởi nghiệp khác, chúng tôi ổn định trong thời điểm này là quá thành công" - anh Linh nói.
-----------------------------
Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp điêu đứng vì COVID-19, phải chăng một lần nữa chúng ta nên cùng ngẫm lại câu nói "khi số đông nhìn phải, hãy nhìn trái" và lật giở lại những trang tư liệu đã ghi hành trình vượt khủng hoảng của nhiều doanh nghiệp lớn.
Kỳ cuối: Khi số đông nhìn phải, hãy thử nhìn trái
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận