Ngày Tết uống rượu thiếu kiểm soát sẽ hại sức khỏe - Ảnh: D.PHAN
Chính vì vậy, phải có cách sử dụng rượu, bia với liều lượng hợp lý để vừa được giao lưu với nhau trong những ngày vui, dịp lễ, Tết mà vẫn không gây hại đến sức khỏe.
Bác sĩ Bùi Thị Yến Nhi - Bệnh viện Đại học Y dược, cơ sở 3 TP.HCM - cho biết có ba con đường chuyển hóa rượu ở trong cơ thể người là tại gan, qua tuyến mồ hôi trên da, và thông qua hệ hô hấp. Trong đó, khoảng 90% là chuyển hóa thông qua hệ thống men của gan.
Độ dung nạp khác nhau
Khi uống rượu quá nhiều, quá nhanh vượt khả năng phân hủy của men hay thiếu hụt một phần hay hoàn toàn men chuyển hóa sẽ rơi vào tình trạng say rượu.
"Thuốc giải rượu" thực chất là để tăng cường chức năng hoạt động của hệ thống men gan, từ đó tăng phân hủy rượu, giúp mau tỉnh táo, loại bỏ cảm giác nôn nao kéo dài sau khi uống rượu. Song khả năng của gan có hạn, nó chỉ sản sinh lượng enzyme nhất định mỗi giờ, ứng với lượng cồn nhất định được chuyển hóa, vì vậy nếu uống quá nhiều gan sẽ không kịp sản xuất.
Một người có say hay không say phụ thuộc vào nồng độ ethanol trong máu. Khi nồng độ ethanol trong máu từ 0,05 - 0,1% thì bắt đầu xỉn nhẹ, khi đạt 0,3% sẽ có dáng đi loạng choạng, nói năng không kiểm soát (trạng thái say rượu), và khi đạt trên 0,5% thì nguy cơ cao sẽ chết. Khả năng dung nạp ethanol ở mỗi người cũng không giống nhau.
Giải rượu an toàn
Một số dược liệu an toàn có thể hỗ trợ việc giải rượu như sau:
* Sắn dây: Đây là một loại thuốc được ứng dụng nhiều nhất để giải rượu. Sắn dây có thể cải thiện các rối loạn chuyển hóa, trao đổi chất do rượu gây ra. Sau khi say rượu có thể sử dụng 10 - 20g sắn dây để giải rượu.
* Đậu xanh + cam thảo: Nấu 50g đậu xanh, 10g cam thảo, bỏ lượng đường, nước vừa đủ. Tác dụng giảm nôn, bảo vệ gan, làm cho mau tỉnh sau say rượu. Cũng có thể dùng chỉ nước sắc đậu xanh cũng đạt được hiệu quả tương tự.
* Nước mật ong: Thành phần chủ yếu là đường fructose, có khả năng thúc đẩy phân hủy và hạn chế hấp thu cồn hiệu quả, từ đó làm giảm nồng độ cồn trong máu, giúp tinh thần nhanh tỉnh táo, loại bỏ đau đầu, chóng mặt, cảm giác nôn nao sau khi uống rượu.
* Dưa hấu: Uống 10 - 15g nước ép vỏ dưa hấu sau khi uống rượu làm giảm nôn nao, chóng mặt, đau đầu, nôn ra nước chua sau uống, lợi tiểu tiện, đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu.
Làm sao để không say rượu?
Bác sĩ Nhi cho biết hãy uống rượu đúng cách thay vì đi tìm kiếm thuốc giải rượu để "tăng đô". Hạn chế uống các loại rượu mạnh, nên lựa chọn các loại rượu trái cây hoặc rượu vang, không nên cố gắng uống quá nhiều. Nếu không thể tránh được rượu bia, thì trước khi dùng rượu bia cần chú ý vài điểm sau để không bị say rượu:
Trước khi uống nên ăn thức ăn, tránh để bụng trống khi uống, vì khi đói khả năng hấp thu rượu của đường ruột sẽ nhanh hơn khi có trộn lẫn thức ăn, làm người uống dễ say hơn.
Trước nửa giờ khi đi uống rượu có thể uống một bình sữa nhỏ (sữa tươi nguyên chất là tốt nhất) vừa bảo vệ niêm mạc dạ dày ngăn ngừa tình trạng viêm dạ dày do rượu, vừa có tác dụng thúc đẩy quá trình phân hủy ethanol.
Không nên uống quá nhanh, quá nhiều cùng lúc, sẽ làm tăng áp lực cho gan, khiến gan không kịp chuyển hóa rượu.
Cẩn trọng ngộ độc methanol
Bệnh viện đa khoa Xuyên Á Tây Ninh mới đây cho biết vừa tiếp nhận liên tiếp 2 trường hợp bị ngộ độc rượu công nghiệp methanol, cả 2 bệnh nhân này đều uống một loại rượu không rõ loại, nguồn gốc.
Trong năm 2021, nhiều bệnh viện tại TP.HCM đã cấp cứu cho rất nhiều trường hợp bị ngộ độc rượu công nghiệp (methanol), thậm chí có những trường hợp đã tử vong.
TS Hoàng Văn Quang - trưởng khoa hồi sức tích cực, chống độc Bệnh viện Thống Nhất - cho hay rượu nấu từ gạo, nếp, mì là rượu ethanol có giá cao hơn. Còn rượu công nghiệp chứa methanol có giá bán rẻ hơn rất nhiều. Thông thường cũng khó phân biệt 2 loại rượu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận