Phóng to |
Biếm họa đăng trên báo NRC Handelsblad, Hà Lan |
Không thể dự báo hội nghị sẽ kết thúc ra sao, nhưng Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã tuyên bố trong ngày rằng một hội nghị thất bại chính là “món hàng xa xỉ mà chúng ta không thể đủ tiền mua. Đây là nhiệm vụ. Chúng ta không có lựa chọn nào khác” và EU không có cơ hội lần 2.
Hội nghị được đánh giá là có tính quyết định đối với số phận của đồng euro, nhưng không khí bi quan đang bao trùm hội nghị. Các nước châu Âu vẫn còn bất đồng về những nội dung gai góc: sửa đổi hiệp ước, vai trò của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc khoanh vùng khủng hoảng lây lan, quyền can thiệp sâu hơn của EU vào dự thảo ngân sách quốc gia của các nước thành viên... Sự bất đồng đang cản trở châu Âu tiến đến một giải pháp chung. Trong khi đó, thời gian càng trở nên cấp bách. Hãng xếp hạng mức tín nhiệm Standard & Poor’s lại vừa hạ thấp triển vọng của toàn EU khiến tình hình càng trở nên nghiêm trọng hơn và khiến Mỹ lo lắng.
Đi tắt hay đi thẳng?
Theo báo New York Times, Đức quyết liệt muốn có một sự thay đổi triệt để. Berlin thể hiện quan điểm cứng rắn nhất, bởi coi đây là cơ hội để thay đổi triệt để và lâu dài cách quản lý, vận hành đồng euro. Thủ tướng Angela Merkel muốn sửa đổi Hiệp ước Lisbon và trừng phạt nghiêm khắc những nước vi phạm các quy định tài chính EU.
Tuy nhiên, giới quan sát nhận định sẽ phải mất hai năm để thực hiện những thay đổi này, do các nước sẽ phải trưng cầu ý dân để thông qua việc sửa đổi Hiệp ước Lisbon. Do đó, các quan chức EU cho rằng cần tìm giải pháp khác nhanh chóng hơn khi các nước thành viên EU đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ đối với kế hoạch Đức - Pháp. Thủ tướng Cộng hòa Czech tuyên bố việc các nước phải gửi dự thảo ngân sách cho Brussels duyệt là chuyện “không thể chấp nhận được”.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Herman Van Rompuy đề xuất “đường tắt” để các nước nhanh chóng tạo được liên minh tài chính mà không cần thay đổi toàn bộ hiệp ước châu Âu. Ông Rompuy cho rằng lãnh đạo các nước chỉ cần tham vấn với ECB và Nghị viện châu Âu. Các quan chức châu Âu cũng cho rằng những biện pháp ít tham vọng hơn nhưng nhanh chóng tăng sức mạnh cho khối đồng euro có thể khiến các nhà đầu tư và ECB thêm niềm tin vẫn tốt hơn tham vọng cải cách sâu rộng mà phải mất tới hai năm mới có thể thực hiện. Tuy nhiên, một quan chức Đức giấu tên nhận định “thang thuốc chữa bệnh khẩn cấp này là một lá bùa lừa đảo điển hình của Brussels” và là một “sự thỏa hiệp vô giá trị”.
Bi quan hơn
Các quan chức Đức tỏ ra rất bi quan về việc hội nghị có thể đạt được cam kết tổng thể, và cho rằng nhiều nhà lãnh đạo EU vẫn chưa hiểu tình hình đã nghiêm trọng tới mức nào. Bộ trưởng tài chính Mỹ Timothy F. Geithner đang gây áp lực theo cách mềm mỏng hơn nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được kết quả mới vào cuối tuần này.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama tin rằng khủng hoảng đồng euro đang kéo tụt nền kinh tế toàn cầu và nền kinh tế Mỹ, cũng như khủng hoảng ngân hàng lớn không còn quá xa vời. Theo Reuters, hiện Đức và Pháp đang vận động hành lang để các nhà lãnh đạo châu Âu thông qua kế hoạch của Thủ tướng Merkel và Tổng thống Sarkozy. Theo Thủ tướng Áo Werner Faymann, điều có thể đạt được ở hội nghị lần này là sự tăng cường hợp tác một cách tình nguyện giữa các nước, trong đó có các quy định về ngân sách chặt chẽ hơn, và trừng phạt nước nào để thâm hụt ngân sách quá lớn.
Các quan chức Pháp cảnh báo nếu hội nghị không thành công, “khối đồng euro sẽ nổ tung và châu Âu tan vỡ”. “Đó sẽ là thảm họa không chỉ với châu Âu mà với cả thế giới” - Reuters dẫn lời quan chức Pháp Jean Leonetti cảnh báo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận