Nghề cá VN cần nhiều thay đổi để đáp ứng các yêu cẩu của EU về IUU. Ảnh: TRẦN MẠNH
Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngày 25-10 đã ra thông cáo báo chí về chuyện EU cảnh báo thẻ vàng IUU, coi đó cũng là một cơ hội để hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá ở Việt Nam.
Theo VASEP, việc EU phạt thẻ vàng là một thách thức lớn cho ngành khai thác và chế biến xuất khẩu hải sản Việt Nam vì có thể sẽ làm ảnh hưởng uy tín và thương hiệu của hải sản Việt Nam và khiến xuất khẩu sang thị trường EU bị sụt giảm.
Chưa dừng lại ở đó, chiếc thẻ vàng ở EU cũng gây tác động xấu đến việc xuất khẩu sang các thị trường khác như Mỹ, vốn là quốc gia đang chuẩn bị áp dụng hệ thống kiểm soát thủy sản nhằm chống khai thác IUU từ 1-1-2018.
Trong thời gian bị thẻ vàng 100% lô hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ bị giữ lại để kiểm tra nguồn gốc khai thác làm mất thời gian và chi phí cho doanh nghiệp...
Việt Nam có 6 tháng để khắc phục thiếu sót, nếu không có cải thiện theo đánh giá của EU, sẽ bị chuyển sang cảnh báo thẻ đỏ, đồng nghĩa với việc vị cấm xuất khẩu các mặt hàng hải sản sang EU.
Cảnh báo thẻ vàng của EU là sẽ gây ra nhiều khó khăn cho xuất khẩu hải sản của các doanh nghiệp VN nhưng cũng là cơ hội để tái cơ cấu lại lĩnh vực quản lý khai thác hải sản theo chuẩn mực quốc tế. Ảnh: TRẦN MẠNH
Tuy nhiên, việc EU rút thẻ vàng lần này, theo VASEP, cũng là cơ hội để ngành khai thác hải sản đánh giá lại thực trạng, tổ chức lại sản xuất, hoàn thiện hệ thống quản lý nghề cá để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Theo đó, tổ chức này cho rằng không còn cách nào khác ngoài việc phải tuân thủ luật chơi, cụ thể là các quy định IUU của EU.
Theo VASEP, trong thời gian qua, hiệp hội này và các doanh nghiệp đã thống nhất và quyết tâm thực hiện chương trình hành động chống khai thác IUU với sự tham gia cam kết của 73 nhà máy chế biến và xuất khẩu hải sản (tính đến ngày 23-10-207).
Theo thông cáo báo chí của VASEP, các doanh nghiệp Việt Nam có 6 tháng để thay đổi nếu không sẽ bị 'thẻ đỏ" đồng nghĩa với việc thị trường này đóng cửa, ngừng nhập hải sản từ Việt Nam.
Vì thế, các doanh nghiệp Việt Nam phải thực hiện nghiêm việc thu mua và nhập khẩu nguyên liệu hải sản khai thác hợp pháp, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Điều này cũng có nghĩa là doanh nghiệp phải "nói không" với hải sản bị cấm đánh bắt và hoàn thiện các phương thức quản lý và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường EU…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận