17/11/2018 12:22 GMT+7

Bí mật về tỉ giá hối đoái của Triều Tiên

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Làm thế nào Triều Tiên duy trì tỉ giá hối đoái và ngăn chặn siêu lạm phát trong khi bị cấm vận, căng thẳng ngoại giao và cả thương mại mất cân bằng? Giới kinh tế học đang nhức óc vì câu hỏi hóc búa này.

Bí mật về tỉ giá hối đoái của Triều Tiên - Ảnh 1.

Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tại một cơ sở nghiên cứu nông nghiệp ở Trung Quốc - Ảnh: REUTERS

Đây là những câu hỏi được đặt ra khi các nhà kinh tế học quan sát tình trạng của Triều Tiên. Hãng tin AP nhận định rằng Triều Tiên mua nhiều hơn những gì nước này bán cho Trung Quốc, và vì các lệnh trừng phạt kinh tế, nước này đang kinh doanh rất khó khăn và cũng không thể làm ăn với những nước khác.

Theo lẽ thường, không ai chấp nhận đồng tiền Triều Tiên, nên Bình Nhưỡng chỉ có thể giao dịch bằng ngoại tệ. 

Thế thì ngoại tệ ở đâu ra, trong khi diễn biến này đồng nghĩa dự trữ ngoại hối của Triều Tiên phải bị hao hụt đáng kể?

Việc hiểu được những gì đang diễn ra trong nền kinh tế Triều Tiên được xem là cần thiết, trong bối cảnh các nhà đàm phán đang cố gắng đo đếm xem liệu lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un có thể đối phó thế nào với áp lực cấm vận, và rằng cấm vận có khả năng buộc ông quyết định từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không.

Trong các thang đo đếm này, tỉ giá hối đoái đóng vai trò tham chiếu rất quan trọng. Song rõ ràng nó đang được duy trì ổn định, và đó là câu hỏi hóc búa cho giới phân tích.

Ông Ri Ki Song, một nhà kinh tế tại Viện Nghiên cứu kinh tế thuộc Học viện Khoa học xã hội (Triều Tiên), nhận định khi trả lời Hãng tin AP như sau: "Thực tế tỉ giá hối đoái đang ổn định, và có nghĩa là toàn bộ nền kinh tế của quốc gia này ổn định cũng như đang tiếp tục tăng trưởng. Nền kinh tế của chúng tôi không dựa trên xuất khẩu… Vì các lệnh trừng phạt, chúng tôi không thực hiện những giao dịch thương mại hay tài chính với các nước khác nên sẽ không có quá nhiều thay đổi trong tỉ giá hối đoái".

Theo phân tích của AP, đồng tiền Triều Tiên (cũng gọi là won giống Hàn Quốc) có hai tỉ giá. Đầu tiên là dạng tỉ giá được chính phủ quy định chuyển đổi và được sử dụng đa phần ở các cửa hàng, khách sạn vốn dĩ chỉ giao dịch bằng ngoại tệ.

Dạng thứ hai đang được quan sát kỹ càng hơn, gắn liền với các thị trường và thường là đối tượng tham chiếu chính xác hơn khi đo đếm các điều kiện kinh tế. 

Kể từ giai đoạn 2012-2013 tới nay, nó hầu như đứng yên ở mức 8.000 won đổi 1 USD.

Cánh phân tích phương Tây không quá đồng ý với ông Ri. Họ cho rằng còn nhiều thứ khác đang phản ánh nền kinh tế Triều Tiên, chứ không thể khẳng định kinh tế nước này đang ổn dưới thời ông Kim Jong Un.

Bí mật về tỉ giá hối đoái của Triều Tiên - Ảnh 2.

Một cửa hàng trên phố Ryomyong ở thủ đô Bình Nhưỡng năm 2017 - Ảnh: REUTERS

Đầu tiên là việc kinh tế Triều Tiên không phải hoàn toàn tự lập, mà dựa nhiều vào xuất khẩu than, dệt may và hải sản.

Theo đó, ông Benjamin Katzeff Silberstein, đồng biên tập trang North Korea Economy Watchf, nhận xét rằng có lý do để các mặt hàng trên bị cấm vận. 

Ông phân tích rằng ông Kim Jong Un đã cố gắng thúc đẩy sản xuất trong nước để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu và tăng cường tiêu thụ hàng nội địa. Điều này không nhất thiết cần kíp nếu Triều Tiên có thể độc lập về kinh tế.

Ông Silberstein cùng nhà nghiên cứu kinh tế Peter Ward gần đây cũng viết trên trang web 38North (một trang chuyên về diễn biến tình hình Triều Tiên): chính quyền Triều Tiên có một số công cụ để duy trì kinh tế. 

Nó bao gồm việc ban hành hạn chế đối với các thương nhân bằng việc áp một tỉ giá nhất định, hoặc giảm cho vay đối với đồng nội tệ để giữ lưu thông tiền tệ ở mức thấp.

Bộ đôi nhà kinh tế này cũng cho rằng đồng USD trong thanh khoản Triều Tiên cũng không đáng kể, vì vậy không bị tác động bởi tâm lý của những người dân bình thường. Hoặc cũng có thể chính phủ đang vận dụng quyền hành để giữ ổn định giữa lúc cấm vận bao trùm.

Trong khi đó ông Bill Brown, một cựu nhân viên Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), hiện là trợ lý giáo sư tại trường đào tạo đối ngoại Georgetown, cho rằng những nhận xét của ông Ri phía trên không phải không đáng tham khảo.

Tuy nhiên ông Brown vẫn thắc mắc rằng để duy trì ổn định như vậy thì cái giá phải trả là bao nhiêu. Khả năng mà vị trợ lý giáo sư này nghiêng tới là việc Triều Tiên có thể bán tháo tài sản theo cách Trung Quốc đã làm 40 năm nay.

Theo nhận định này, toàn bộ nguồn vốn nhà nước của Triều Tiên trong ngắn hạn có thể tự bảo trợ cho mình, và bảo vệ tỉ giá bằng cách bán tài sản hoặc tư nhân hóa một phần tài sản.

"Đồng tiền bền vững là điều cần thiết khi xây dựng một nền kinh tế thị trường mới, thúc đẩy các hoạt động sản xuất của khối tư nhân và tăng trưởng, cũng như cho phép công dân tiết kiệm và tự đầu tư bằng tiền ủa mình. Tôi cho rằng ông Kim biết rõ, hoặc ít nhất hiểu về mối quan hệ với Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như nước Mỹ là cần thiết cho niềm tin vào đồng won, và ông Kim đang hành xử phù hợp. Vì vậy ở thời điểm này, không có tên lửa đạn đạo liên lục địa hay thử nghiệm vũ khí nào cả, và thay vào đó là những cuộc đàm phán vui vẻ", ông Brown bình luận.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp