Lãi suất cao kèm những chiêu trò, dịch vụ ăn theo khiến người túng thiếu quay cuồng trong vòng xoáy.
Lãi suất theo… uy tín và độ lì của khách
Đang ngồi nhậu, Hậu - chủ tiệm cầm đồ T. (đường Nơ Trang Long, quận Bình Thạnh) - có cuộc gọi của khách tới chuộc xe. Hơn ba tháng trước, khách này cầm chiếc Air Blade rồi không đóng lãi từ đó tới giờ. Hàng đã bị thanh lý nhưng chỗ khách quen nên Hậu cho chuộc.
Gần tiếng sau, Hậu mới chịu đứng dậy ra về. "Phải thế cho nó tởn, lần sau bỏ cái tật lằng nhằng" - Hậu lầm bầm. Gặp khách, Hậu chốt:
- Xe này em cầm 11 triệu đồng. Tiền lãi ba tháng, thêm cả tuần nữa. Đúng ra tính tròn bốn tháng, nhưng lấy ba tháng rưỡi thôi. Thêm tiền bãi, trả 15,5 triệu lấy xe.
Khách than mới leo qua mấy ngày mà cộng dữ quá, Hậu dứt khoát:
- Mấy chỗ khác phạt cả tháng đó. Có khi nó bán rồi.
Chẳng còn đường lùi, khách buồn hiu đếm tiền đưa đủ.
Người mang đồ đi cầm thường bức bí tiền bạc nên hay bị chủ tiệm áp đặt, bắt ép. Hàng không chính chủ thì khách chấp nhận lãi cao.
Tùy theo mặt hàng, chất lượng, thời gian…, những tiệm này luôn ở thế bề trên, phán sao khách chấp nhận vậy.
Đi theo khách qua các "đặc khu" cầm đồ trên đường Nơ Trang Long, Nguyễn Văn Đậu, Nguyễn Xí (quận Bình Thạnh), Lê Văn Việt, Hoàng Diệu, Nguyễn Duy Trinh, Nguyễn Thị Định (TP Thủ Đức), Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Lương Bằng (quận 7), Lê Đức Thọ, Dương Quảng Hàm (quận Gò Vấp)… chúng tôi thấy lãi suất hầu hết các tiệm này xa quá là xa so với quy định hiện hành là không quá 20%/năm, tức 1,6%/tháng.
Xe hơi không chính chủ lãi từ 6 - 9%/tháng. Còn xe máy, laptop, điện thoại… lãi 8 - 10%/tháng, có nơi chất ngất 13 - 15%/tháng hoặc hơn.
Chỗ thì tính lãi theo tháng, nơi tính ngày, thậm chí chẻ nhỏ từng khúc tính lãi. Nhìn lãi ngày thấy đỡ mệt tim, nhưng khi cộng lại thì ôi thôi, còn hơn mấy đường dây cho vay lãi khủng vừa bị triệt phá.
Tại một tiệm cầm đồ trên đường Lê Văn Việt (TP Thủ Đức), một khách nam quẹo vô cầm chiếc SH đời 2020 lấy 20 triệu đồng.
Chủ tiệm chốt lãi 6%/tháng. Tại tiệm cầm đồ trên đường Linh Trung, khách cầm xe máy 20 triệu đồng, lãi 40.000 đồng/ngày (6%/tháng). Còn ở tiệm trên đường Lê Văn Chí, anh Kiệt cầm chiếc bốn bánh 50 triệu với lãi 3.500 đồng/1 triệu/ngày (tính ra 10,5%/tháng).
Lãi suất cũng tính theo độ uy tín và "độ lì cơ bản" của khách. "Gặp khách quen, lãi đóng đều thì khỏi giấy tờ, hợp đồng.
Khách mới, hàng lỗi thì cầm thấp, lãi cao, rút ngắn hạn thanh lý… Khách đóng lãi chậm hoặc bỏ đóng lãi rồi chuộc thì quất thẳng tưng" - Tánh, chủ tiệm cầm đồ trên đường Đỗ Xuân Hợp (TP Thủ Đức), tiết lộ.
Dính bẫy liên kết, khách không đường lùi
Giới cầm đồ tuy cạnh tranh triệt để nhưng nhiều tiệm ngầm thỏa thuận với nhau mức lãi suất trần để giăng lưới bắt mồi. Khách đến tiệm này thấy lãi quá hớp bỏ đi, ghé mấy tiệm kia lãi cũng chừng đó, có khi cao hơn. Khách có chạy đằng trời.
Anh Quý Toàn (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) dính món nợ xấu ngân hàng nên không được vay tiếp. Trong tay là sổ hồng căn nhà đang ở, anh rảo một vòng các tiệm cầm đồ, mong được khoản kha khá. Tiệm đầu tiên trên đường Nơ Trang Long (quận Bình Thạnh) cầm 450 triệu đồng, lãi suất 7%/tháng.
Anh Toàn than lãi cao quay lưng bỏ đi. Kịch bản đã sẵn, chủ tiệm bấm điện thoại gọi mấy chỗ thân quen mở cửa đợi. Y như rằng tiệm nào cũng báo lãi 7 - 8%/tháng.
Có tiệm dù lâu nay không cầm giấy tờ nhà nhưng đồng thanh hét 8 - 9%/tháng. "Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt", anh Toàn chấp nhận mức lãi trần ai 7%/tháng.
Với những món đồ khách coi như sinh mạng nhưng không nói ra, hầu hết chủ tiệm đều đoán trúng phóc. Đoán xong thì cù cưa càng lâu càng lợi cho chủ tiệm. Có thể món đồ là kỷ vật của ai đó. Có khi chiếc xe mà khách lỡ cầm đang bị tranh chấp, chủ nhân đòi thưa công an…
"Với dạng khách này không cần nhắc lãi, càng cù cưa càng tốt. Đến một lúc nào đó họ phải chuộc ra, không trật đâu cả. Khi đó tiệm có quyền truy thu lãi, phạt lãi chậm, tiền bãi", Hậu tỏ vẻ thích thú. Nhiều tiệm còn nâng tiền gởi bãi để kiếm thêm. Đã vào thế, dĩ nhiên khách không có cơ hội… trả treo.
Cò ăn "lai" là biến tướng khá phổ biến. Giới cầm đồ thường liên kết với nhau như dây bện thừng. Khi có khách, họ đưa ra mức lãi khá cao, sau đó "bắn" sang tiệm khác với lãi suất thấp hơn để ăn chênh lệch.
Câu giờ là chiêu các tiệm cầm đồ hay xài để "bào" khách. Dịp Tết, chủ tiệm thường chốt sổ từ đầu tháng chạp và kéo dài ra giêng. Thời gian này không cho khách chuộc hàng. Những ngày lễ tiệm cũng báo nghỉ đôi ba ngày.
Trong khi đó khách đến cầm thì lúc nào cũng rộng cửa, có khi cầm online. Khách quen chỉ cần đưa hàng tới điểm nào đó giao, thỏa thuận mức lãi. Tiền qua tài khoản, hợp đồng tính sau.
Khó kiểm soát lãi suất?
Theo luật gia Phạm Văn Chung, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định lãi suất vay do các bên thỏa thuận và không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác.
Nếu lãi suất thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định nêu trên thì mức lãi suất vượt quá không có hiệu lực.
Trường hợp các bên có thỏa thuận về việc trả lãi, nhưng không xác định rõ lãi suất và có tranh chấp lãi suất, lãi suất được xác định bằng 50% mức lãi giới hạn quy định nêu trên tại thời điểm trả nợ.
Nếu cho vay vượt quá tỉ lệ lãi suất 20% có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với cá nhân, từ 20 - 40 triệu đồng đối với doanh nghiệp. Đồng thời bị buộc nộp lại số tiền thu lợi bất hợp pháp có được (nghị định 144 năm 2021 của Chính phủ).
Thực tế cho thấy lãi suất dịch vụ cầm đồ hiện nay đang thả nổi, khó kiểm soát. Trong quá trình tác nghiệp tại các tiệm cầm đồ, chúng tôi thấy mức lãi đưa ra luôn cao hơn quy định.
"Gần đây lực lượng chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở cầm đồ lập các hợp đồng cầm cố tài sản giả cách để đối phó cơ quan chức năng, nhất là cầm đồ với lãi suất thường cao hơn thực tế gấp nhiều lần.
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản cầm cố thông qua kiểu "xã hội đen" để đòi nợ, thu nợ... gây bất bình cho người dân", luật gia Chung cho biết.
Có kiểm soát được lãi suất trong dịch vụ cầm đồ? Theo ông Chung, nếu cơ quan chức năng quyết liệt trong việc kiểm tra, đưa ra mức chế tài đủ nghiêm mới có thể kéo mức lãi suất về ngưỡng quy định.
Dịch vụ cầm đồ là ngành kinh doanh khá nhạy cảm, phức tạp, cần phải tăng cường thanh tra kiểm tra thường xuyên. Điều này nhằm kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, hạn chế trong quá trình kinh doanh.
Ông Chung góp ý: "Trường hợp có vi phạm, đặc biệt là về mức lãi suất cắt cổ, cần kiên quyết xử lý triệt để. Nhất là thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự và ngưng hoạt động kinh doanh".
************
Xong khâu tiền bạc, chủ tiệm in một bản hợp đồng ghi mức lãi suất "nhỏ xíu anh thương" đưa khách. Oái oăm thay, còn một bản hợp đồng khác không ghi lãi suất được lưu ở tiệm. Hợp đồng thứ ba ghi đúng lãi suất hai bên thỏa thuận lưu vào kho dữ liệu bí mật.
>> Kỳ tới: Bí mật động trời: lách luật và luật ngầm
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận