Đề thi THPT quốc gia năm 2017 được vận chuyển đến Trường THPT Mường Lát (huyện vùng cao, biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) vào chiều 20-6 - Ảnh: TRẦN ANH VĂN |
Đương nhiên, đây không phải là nơi lý tưởng cho sáng tạo. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều sáng kiến thú vị đã nảy sinh từ không gian đặc biệt này.
Một chiếc máy scan bài thi trắc nghiệm tốc độ cao, phục vụ cho việc chấm thi trắc nghiệm tại Trường ĐH Kinh tế quốc dân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH |
Cân... đề
Do số lượng đề thi rất lớn, số tờ trong mỗi đề trắc nghiệm cũng nhiều hơn tự luận, nên việc sắp xếp rồi kiểm đếm số đề thi trong mỗi túi đề thi là phần rất quan trọng. Dù mỗi điểm thi đều có túi đề dự phòng, nhưng việc thiếu đề thi trong các túi chính thức so với “đơn đặt hàng” vẫn có thể gây ra những hệ lụy khó lường.
Nhiều lần sắp xếp đề vào các túi, khi nào thấy dư ra một vài đề thi là cả dây chuyền lặng đi, ái ngại nhìn nhau, và mỏi mệt nghĩ đến việc phải mở ra kiểm lại các túi đề đã đóng gói...
Có lần nhìn mọi người cặm cụi sắp xếp đề thi từ sáng sớm, nay lại có nguy cơ phải mở từng gói đề để kiểm đếm lại, TS Lê Việt Thủy - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - nảy ra sáng kiến: dùng cân điện tử có độ chính xác cao, cân từng túi đề thi. Chỉ cần lệch chuẩn là ra ngay sai số, không phải sục sạo từng túi đề.
“Với loại cân điện tử này, chỉ cần các túi đề chênh nhau 2-3 tờ giấy là khối lượng đo được đã khác nhau rồi. Chỉ một sáng kiến nhỏ mà giải phóng biết bao nhiêu sức lao động...” - TS Thủy vui vẻ kể.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn - hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội - cũng cho biết cách đây chừng 3-4 năm, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cũng đã bắt đầu dùng cân để “dò” các túi đề thừa, thiếu.
Tăng tốc độ bằng... “bao cao su”
“Trước khi in sao đề thi, giấy in đề thường được bảo quản trong điều kiện khô thoáng bằng hệ thống điều hòa chạy liên tục” - PGS.TS Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết.
Do vậy, ghép các tờ đề rời rạc vào thành một đề thi trắc nghiệm luôn là công việc chỉ cần thiếu kiên nhẫn một chút, lơ là một chút là có thể nhầm lẫn tai hại. Ai đã làm công việc này rồi sẽ càng thấm nguyên lý “trăm hay không bằng tay quen”. Bí quyết duy nhất được mọi người truyền tai nhau là thấm chút nước vào tay, để tiếp xúc với giấy dễ dàng hơn.
Tuy nhiên, cách đây ba năm, cả ban in sao đề thi đặt tại một trường ĐH lớn của Hà Nội đã “choáng” trước kỹ thuật ghép đề của một giảng viên trẻ. Anh này lần đầu vào ban in sao đề, nhưng ghép các tờ đề trắc nghiệm thoăn thoắt một cách rất điêu luyện. “Soi” kỹ thao tác, hóa ra trên ngón tay của thầy có đeo một vật giống hệt... bao cao su. Thấy vậy cả ban in sao liền xúm lại ngắm nghía, hỏi han.
Hóa ra đó là bao ngón tay bằng cao su, được bày bán ở các cửa hàng chuyên đồ Nhật. Anh giảng viên trẻ đã có sáng kiến thay bao ngón tay cao su cho việc thấm nước, vừa thao tác nhanh, vừa rất chuyên nghiệp. Sáng kiến này nhanh chóng được mọi người phổ biến. Những năm sau đó, trước khi vào khu vực cách ly, ban in sao đề thi của trường lại sắm một loạt bao ngón tay cao su để phát cho mọi người.
Tai nạn bất ngờ
Thông thường, đề thi in xong sẽ được niêm phong, cất giữ vào từng thùng tôn. Tuy nhiên, trước đây nhiều trường ĐH tận dụng các giảng đường lớn để thi, đông thí sinh nên thùng đựng đề cũng có kích cỡ to gấp 2-3 lần thùng bình thường. Cá biệt, Học viện Ngân hàng còn dùng... thùng đựng tiền của ngân hàng rất nặng để đựng đề thi, nên việc vận chuyển vô cùng vất vả.
Việc vận chuyển thùng đề có khi còn ẩn chứa cả yếu tố nguy hiểm. Như lần vận chuyển thùng đề ở Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Ban đầu mọi người đã thống nhất sẽ dùng ròng rọc, thanh tre lót dưới thùng đựng đề, rồi kéo dây cho thùng trượt theo cầu thang để giảm sức người. Nhưng cuối cùng, để an toàn hơn, các thầy vẫn phải trực tiếp bê từng thùng đề xuống 5 tầng thang bộ, giao cho các trường.
Nhưng tai nạn bất ngờ xảy ra ở những thùng đề cuối cùng, sau khi các thầy đã chuyển xuống an toàn hàng trăm thùng đề. Đang chuyển, bỗng “rầm” một tiếng làm ai nấy đều giật mình. Một thùng tôn bị rơi xuống đất. Vị cán bộ đào tạo tuổi trung niên khuỵu xuống ngay bên cạnh. “Thầy L. bị lệch cột sống, phải điều trị dài ngày” - GS Phan Công Nghĩa, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, nhớ lại.
Nhưng cũng chính từ tai nạn này, Trường ĐH Kinh tế quốc dân đã tìm phương án thay thế việc bưng bê thùng đề theo lối thủ công. Thử ròng rọc không được, cho lăn thùng trên thanh tre cũng không xong. Cuối cùng, trường đành đầu tư một chiếc thang máy cho tòa nhà 5 tầng, vốn thiết kế chỉ cần cầu thang bộ.
“Đó là chiếc thang máy đầu tiên của trường chúng tôi. Thời đó mà trường ĐH có thang máy là oách lắm rồi!” - GS Nghĩa vui vẻ kể lại.
Hết sức cẩn thận khi làm bài trắc nghiệm Theo PGS.TS Nguyễn Hội Nghĩa - phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, trong quá trình chấm thi trắc nghiệm, tình trạng thí sinh tô mờ trên phiếu trả lời khá phổ biến. Trong trường hợp này máy quét không nhận ra, cán bộ chấm thi phải lục tìm phiếu trả lời để so với ảnh đã quét. Nếu có chỉnh sửa gì thì phải lập biên bản và chấm lại chính xác cho thí sinh. “Thực tế, có không ít thí sinh tô phiếu trả lời trắc nghiệm không đúng quy định: tô mờ, lệch, tẩy không sạch... Một số trường hợp thí sinh viết mã đề, số báo danh thì đúng nhưng khi tô lại sai. Mã 203 thí sinh lại tô 213... Vì vậy, thí sinh phải hết sức cẩn thận khi làm bài trắc nghiệm. Để tránh thiệt thòi, thí sinh cần phải tô thật rõ ràng, chính xác. Khi muốn thay đổi đáp án phải tẩy thật sạch sẽ” - ông Nghĩa nhắn nhủ. |
Mang bài thi đi nhúng nước Một tình huống hi hữu khi chấm trắc nghiệm đã xảy ra tại Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM) trong năm 2016. Khi mở túi bài thi trắc nghiệm, cán bộ chấm thi phát hiện có hai phiếu trả lời trắc nghiệm (bài thi của thí sinh) bị dán dính vào nhau. Theo nhận định của ban chấm thi, việc này có thể do cán bộ coi thi khi niêm túi bài thi thì để hồ dán dính vào hai phiếu trả lời trắc nghiệm này. “Ban đầu, chúng tôi tính đến phương án khi tách hai bài thi ra có thể sẽ bị rách, với tờ trên có thể lấy tờ khác tô lại và lập biên bản, nhưng tờ dưới sẽ không thấy rõ để tô được. Sau đó, chúng tôi lấy hai tờ phiếu trả lời trắc nghiệm mẫu khác thử dán vào nhau, và thử nghiệm nhúng vào nước, rồi tách ra được. Thử nghiệm thành công rồi, ban chấm thi quyết định chọn phương án này. May quá, sau khi nhúng nước đã tách hai bài thi ra được, mà bài thi không bị hề hấn gì” - TS Lê Chí Thông, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP.HCM), kể lại. |
>>
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận