06/11/2017 15:32 GMT+7

Bí mật nước mắt: Mỗi năm tạo 113 lít, nước giàu khóc nhiều hơn

TRỌNG NHÂN (Nguồn: Healthguidance.org, Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ)
TRỌNG NHÂN (Nguồn: Healthguidance.org, Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ)

TTO - Nước mắt là một phần không thể thiếu với cơ thể mỗi người, đồng thời là một điểm nhấn trong bức tranh cảm xúc của loài người.

Bí mật nước mắt: Mỗi năm tạo 113 lít, nước giàu khóc nhiều hơn - Ảnh 1.

Nước mắt đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống mỗi người - Ảnh: Getty Images

Dù quen thuộc nhưng chắc chắn chúng ta còn nhiều điều chưa biết về những giọt nước thú vị này.

113 lít mỗi năm

Khóc là cơ chế tiết lệ từ khóe mắt do não bộ điều khiển hoặc do phản ứng tự nhiên trước kích thích bên ngoài. Nước mắt còn là dung dịch dùng lau sạch những bụi bẩn bám ở con ngươi, do bụi bay vào mắt, nước bẩn tiếp xúc với mắt, hơi cay làm khô mắt.

Tuyến lệ là "nhà máy sản xuất nước mắt" của cơ thể, nằm trên và dưới mỗi mắt trong khoang mắt. Tuyến lệ hình tròn dẹt, nhỏ bằng hạt đậu có hệ thống dẫn nước mắt vào mắt giữ cho giác mạc và kết mạc lúc nào cũng ướt.

Nước mắt được tạo ra rất nhiều, khoảng 300ml mỗi ngày, trung bình khoảng 113 lít mỗi năm. Khi ngủ, tuyến lệ gần như ngưng làm việc.

Nhiều loại nước mắt

Bí mật nước mắt: Mỗi năm tạo 113 lít, nước giàu khóc nhiều hơn - Ảnh 2.

Cấu tạo của phim nước mắt tạo nên bởi nước mắt nền - Ảnh: hoopesvision.com

Nước mắt có nhiều dạng, tuy nhiên có thể chia thành 3 loại chính dựa trên công dụng của nó: nước mắt nền, nước mắt phản xạ và nước mắt để giải tỏa cảm xúc.

Cụ thể, nước mắt nền tạo nên một tấm "phim nước mắt" 3 lớp: ngay cạnh con ngươi là lớp nhầy giúp phim gắn chặt vào giác mạc, kế đến là một lớp nước giữ cho con ngươi lúc nào cũng ướt và loại bỏ vi khuẩn gây hại, bảo vệ giác mạc khỏi bị tổn thương, và ngoài cùng là lớp lipit giúp cho bề mặt luôn trơn láng giúp con người có thể nhìn xuyên qua và ngăn các lớp bên trong bay hơi.

"Khi mắt bị tác động bởi gió, bụi, hay côn trùng, nước mắt phản xạ sẽ được sản sinh nhằm bảo vệ mắt", bác sĩ Michael Roizen, Mỹ cho biết.

Cuối cùng, nước mắt để giải tỏa cảm xúc xuất hiện khi con người có những xúc cảm mãnh liệt, nhất là khi buồn. 

"Nước mắt có thể kích thích việc giải phóng các hóa chất ở não như hormone oxytocin và opioid nội sinh giúp chúng ta cảm thấy thư giãn và nhẹ nhõm sau khi khóc", Vingerhoets giáo sư Đại học Tilburg, Hà Lan đồng thời cũng là chuyên gia nghiên cứu nước mắt cho biết.

Vì sao nước mắt lại mặn?

Muối có mặt trong mọi tế bào trong cơ thể. Cụ thể, cơ thể người lớn có 250g muối và có vai trò quan trọng giúp duy trì cân bằng môi trường lỏng bên trong cơ thể. Môi trường này đảm nhiệm việc vận chuyển thức ăn và oxy đến khắp các các cơ quan.

Nước mắt cũng có muối, trong một lít nước mắt có dưới 6g muối. Lượng muối này lại thu được từ máu khi trong một lít máu có 9g muối. Nước mắt có muối nên còn có tác dụng hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong mắt, bên cạnh việc giữ cho mắt luôn ướt không bị khô rát.

Vì sao ngáp, cười lại chảy nước mắt?

Theo Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ, cơ thể người thật đặc biệt khi nước mắt vừa có bộ phận sản xuất lại có bộ phận tiêu thụ. Ở góc trong mỗi con mắt đều có các lỗ nhỏ thu nhận nước mắt, thông xuống mũi, từ đó hòa cùng với nước mũi sẽ chảy ra ngoài. Đây cũng là một lý do khiến mỗi khi khóc mũi chúng ta đều sụt sùi.

Ngoài ra, khi ngáp, khi cười "quá trớn", khi hắt hơi, ho, nôn, chúng ta đều có thể chảy nước mắt. Lý do là khi thực hiện những hành động này, một áp lực sinh ra trong trong miệng ảnh hưởng đến khoang mũi khiến tạm thời ngăn đường thoát của nước mắt. Vì thế, nước mắt không xuống được mũi nên tràn lại vào mắt và buộc phải thoát ra ngoài.

Vì sao nữ khóc nhiều hơn nam?

Bí mật nước mắt: Mỗi năm tạo 113 lít, nước giàu khóc nhiều hơn - Ảnh 3.

Ở những quốc gia có văn hóa tự do biểu đạt cảm xúc, nam giới khóc nhiều hơn - Ảnh: Maud Fernhout

Trong thập niên 1980, nhà sinh hóa học William H. Frey nhận thấy rằng phụ nữ khóc trung bình khoảng 5,3 lần 1 tháng, trong khi nam khóc trung bình khoảng 1,3 lần một tháng. 

Hơn 30 năm sau, những con số này gần như không thay đổi dựa trên những nghiên cứu gần đây, trong đó nổi tiếng nhất là công trình của Lauren Bylsma, từ Đại học Pittsburgh, Mỹ năm 2011.

Về mặt sinh học, lý do khiến phụ nữ khóc nhiều hơn nam giới là do hormone testosterone có nhiều trong nam giới có thể có tác động làm hạn chế cảm giác muốn khóc, trong khi hormone prolactin nhiều ở phụ nữ dường như thúc đẩy hiện tượng này.

Tuy nhiên, khóc nhiều hay ít không phải là hẳn quá trình tự nhiên. Một nghiên cứu trên 35 quốc gia cho thấy mức độ thường xuyên khóc giữa nam và nữ khác ở các quốc gia. 

Cụ thể, theo nghiên cứu văn hóa toàn cầu năm 2011, mức độ khóc cân bằng giữa nam và nữ ở những quốc gia người dân có xu hướng tự do thể hiện cảm xúc như Chile, Thụy Điển, hay Mỹ… Ngược lại, Ghana, Nigeria hay Nepal… mức độ khóc ở phụ nữ chênh lệch khá lớn so với nam giới.

Đồng thời, người dân ở những nước giàu có thường khóc nhiều hơn. Điều này nghe có vẻ hơi nghịch lý, tuy nhiên nguyên nhân do họ sống trong môi trường văn hóa cho phép họ khóc một cách tự nhiên. 

Ngược lại, những nước nghèo lẽ ra phải khóc nhiều hơn lại không như thế, bởi vì những chuẩn mực văn hóa ở các quốc gia này khá "nghiêm khắc" với việc khóc lóc, nhất là ở nam giới.

TRỌNG NHÂN (Nguồn: Healthguidance.org, Viện Nhãn khoa Hoa Kỳ)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp