17/03/2024 10:32 GMT+7

Bí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế - Kỳ 5: Kẻ lo sợ, người hốt bạc

Khi nhà đầu tư mạo hiểm John Ramey mở cốp xe trước mặt Aaron Batalion - người đồng sáng lập Công ty thương mại điện tử LivingSocial, ông vô tình bật mí một bí mật đáng xấu hổ: Ông là người chuẩn bị cho ngày tận thế.

Ông Lincoln Miles - chủ cửa hàng Preppers Shop UK ở Anh - Ảnh: The Guardian

Ông Lincoln Miles - chủ cửa hàng Preppers Shop UK ở Anh - Ảnh: The Guardian

Trong cốp xe có ba lô sinh tồn đựng hộp sơ cứu, radio, bản đồ, la bàn và các khẩu phần ăn giàu calo, những vật dụng cần thiết nếu thảm họa ngày tận thế xảy ra. Kẻ thì lo sợ, nhưng nhiều người đã phì cười cho rằng điều này chỉ có thể xảy ra sau... hàng trăm hay hàng ngàn năm nữa.

Tôi nhận thấy người trẻ đang lo lắng một sự kiện kiểu đại dịch COVID-19 lặp lại và các kiểu gây rối loạn cuộc sống hằng ngày.



CHAD HUDDLESTON (giáo sư nhân chủng học tại Đại học Nam Illinois)

Thực phẩm, nước uống và giấy vệ sinh

Lúc bấy giờ là năm 2010 và rất nhiều người dè bỉu: Làm thế nào một người duy lý trí như Ramey - người từng làm cố vấn sáng tạo cho Nhà Trắng và Lầu Năm Góc dưới thời chính quyền Obama lại có thể sống như một gã cánh hữu theo thuyết âm mưu chuẩn bị cho ngày tận thế?

Hơn 10 năm sau, đã không còn ai dè bỉu như trước nữa vì những người như Ramey nhiều vô kể, từ bà mẹ bỉm sữa tới tỉ phú công nghệ đều dự trữ đồ hộp và giấy vệ sinh.

Từ điển Collins (Anh) đã chọn từ "permacrisis" là "từ của năm 2022" với định nghĩa "permacrisis" là thời kỳ bất ổn và bất an kéo dài, đặc biệt sau nhiều sự kiện thảm khốc.

Cơ quan Quản lý tình trạng khẩn cấp liên bang (FEMA) ghi nhận năm 2020 đã có hơn 20 triệu người Mỹ (gần 7% số hộ gia đình) tích cực chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp. Theo khảo sát của Công ty dịch vụ tài chính Finder được công bố vào tháng 4-2023, trong 12 tháng trước đó đã có khoảng 1/3 (29%) người trưởng thành ở Mỹ chi tổng cộng 11 tỉ USD chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp (năm 2020 chỉ 20%).

Tỉ lệ người trẻ tuổi còn cao hơn với 39% thế hệ Y và 40% thế hệ Z. Các mặt hàng sinh tồn được mua phổ biến nhất là thực phẩm và nước uống (21% số người được hỏi), giấy vệ sinh (15%) và vật tư y tế (14%).

Mặc dù khả năng thiên thạch hủy diệt loài người hay chiến tranh thế giới dẫn đến mùa đông hạt nhân dường như khó xảy ra, điều chắc chắn là những người chuẩn bị cho ngày tận thế sẵn sàng móc hầu bao trả tiền cho các sản phẩm có thể bảo vệ họ sống sót. Chính vì thế chuẩn bị cho ngày tận thế đã trở thành thị trường kinh doanh đáng kể.

Todd Stump - người sáng lập Công ty USA Bunker ở Akron (bang Ohio) - phát biểu trên kênh truyền hình Fox News: "Khách hàng chính của chúng tôi là những người từ tầng lớp trung lưu đến những người khá giàu. Thật ra họ cũng là những người bình thường thuộc tầng lớp lao động". USA Bunker chuyên lắp đặt hầm ngầm với giá khởi điểm 21.000 USD. Ông Stump lưu ý: "Hầm đắt nhất chúng tôi thực hiện đến nay có giá vài trăm ngàn USD. Còn trung bình từ 90.000 - 120.000 USD".

Ông nhận thấy nhu cầu về hầm ngầm trú ẩn đã gia tăng vài năm gần đây. Trong số khách hàng của USA Bunker có một số quan chức chính phủ và Nhà Trắng, những người đã mất niềm tin vào cấu trúc nhà nước hay người muốn tránh thiên tai, song 95% là những người lo ngại chiến tranh hạt nhân và chiến tranh thế giới thứ ba bùng nổ.

Đại dịch COVID-19 đã mở rộng thêm thị trường cho ngành công nghiệp chuẩn bị cho ngày tận thế. TS đại tá không quân về hưu Drew Miller - giám đốc điều hành Công ty Fortitude Collapse Preparedness và Công ty Fortitude Ranch - nhận xét: "Dân Mỹ từ lâu đã biết khi mất điện hoặc xảy ra đại dịch..., người ta sẽ không đi làm, không có thực phẩm và sẽ chết đói nếu không có chuẩn bị".

Ông Patrick McCall - chủ tịch Công ty McCall Risk Group - bình luận: "Số trang web bán các sản phẩm chuẩn bị cho tình huống khẩn cấp hoặc số địa điểm cung cấp các sản phẩm này trên Internet rất ít vào năm 2017. Sau đó, đại dịch đã tạo ra nhiều hình thức chuẩn bị riêng cho thảm họa với nhiều sôi nổi như tôi có thể gọi như thế".

Công ty My Patriot Supply (Mỹ) quảng bá combo thức ăn trong 4 tuần cung cấp đủ hơn 2.000 calo/ngày - Ảnh: mypatriotsupply.com

Công ty My Patriot Supply (Mỹ) quảng bá combo thức ăn trong 4 tuần cung cấp đủ hơn 2.000 calo/ngày - Ảnh: mypatriotsupply.com

Chuẩn bị sống không cần điện như thời xưa

Tạp chí Newsweek dẫn nguồn từ Công ty nghiên cứu thị trường Zion Market Research (Mỹ) dự báo thị trường công cụ sinh tồn toàn cầu dự kiến sẽ tăng lên 2,46 tỉ USD vào năm 2030 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) trên 7% từ năm 2023 - 2030 so với mức 1,16 tỉ USD vào năm 2022.

Ngành công nghiệp thực phẩm khẩn cấp đang tạo doanh thu hằng năm khoảng 500 triệu USD. Một số công ty đi đầu trên thị trường Mỹ như My Patriot Supply và Augason Farms.

Joe Rieck - phó chủ tịch bán hàng của My Patriot Supply - cho biết cuối năm 2020, doanh số bán hàng đã tăng khoảng 400%. Sau khi chiến sự Ukraine bùng nổ, doanh số tăng đột ngột 100%.

Các mặt hàng bán chạy như 64 túi đựng nước khẩn cấp (30 USD), 60 phần cà phê "100% Colombia" với date 30 năm (8,45 USD), dịch vụ cung cấp trọn gói một năm gồm 41 túi thức ăn khác nhau có thể cung cấp 4.340 suất ăn bảo đảm 2.200 calo/ngày (3.000 USD).

Thị trường ở Anh cũng tương tự. Ông Lincoln Miles khẳng định cửa hàng Preppers Shop UK của ông là cửa hàng chuẩn bị cho ngày tận thế đầu tiên ở châu Âu và là cửa hàng kinh doanh sinh tồn lớn nhất nước Anh.

Cửa hàng bán một bộ thức ăn sấy khô đủ dùng một tháng với giá 478,71 bảng, bộ dụng cụ sinh tồn hạt nhân gồm mặt nạ phòng độc giá 564,95 bảng. Sau chiến sự ở Ukraine, doanh số bán khẩu phần ăn tăng vọt.

Ông Justin Jones - chủ cửa hàng UKPreppingShop - nhận xét: "Khách mua hàng rất đa dạng, kể cả bác sĩ, y tá, bác sĩ thú y, đủ hạng người. Nhiều người rất lo ngại, đặc biệt sau những gì xảy ra ở Trung Đông (Israel tấn công Hamas)... Nhiều người còn lo lắng về nguồn nước, bởi vậy chúng tôi bán được rất nhiều sản phẩm xử lý nước".

Theo Google Trends, số lượt tìm kiếm về thực phẩm sấy khô, radio lên dây cót và bộ dụng cụ sinh tồn tăng mạnh vào mùa thu năm 2023 ở Anh. Ngoài bán hàng, cửa hàng Sgt Preppers ở Pennines sẵn sàng cung cấp dịch vụ tư vấn về lối sống không cần lưới điện. Cửa hàng The Bug Out ở Xứ Wales còn tổ chức gặp nhau cuối tuần tư vấn cho những người chuẩn bị ngày tận thế.

Sống sót sau ngày tận thế: Có đáng không?

Trên trang web The Collector (Canada), TS triết học chính trị Joseph T. F. Roberts khẳng định những người chuẩn bị cho ngày tận thế đã mắc sai lầm. Chắc chắn không ai muốn sống thời gian dài dưới hầm trú ẩn vì không gian chật chội, không có việc gì làm, sống chung đụng và ăn uống cực khổ.

Nếu thảm họa xảy ra, các thứ nâng cao chất lượng cuộc sống như nghệ thuật, thức ăn ngon, các quan hệ tiếp xúc không còn, vậy không còn gì đáng sống.

Ngoài ra, chi phí cơ hội (chi phí kinh tế) chuẩn bị cho ngày tận thế quá cao. Mọi thứ đều tốn tiền và mất thời gian nhưng không có gì bảo đảm thảm họa sẽ xảy ra.

TS Roberts truy vấn: Tại sao chúng ta lại lãng phí cuộc đời để chuẩn bị cho điều có thể không xảy ra? Phải chăng người chuẩn bị cho ngày tận thế đánh giá quá cao khả năng sống sót? Điều tệ hại nào sẽ xảy ra nếu họ quên đi các mục tiêu có giá trị trong cuộc sống hiện tại?

************

Kho hạt giống toàn cầu Svalbard ở miền bắc Na Uy là công trình xây dựng được vinh dự đón tiếp năm thủ tướng đến tham dự lễ đặt viên đá đầu tiên. Người được xem như cha đẻ của kho hạt giống là TS Cary Fowler. Ý tưởng bảo quản hạt giống cứu sống nhân loại đã ra đời như thế nào?

Kỳ tới: Những hạt giống quý

Bí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế - Kỳ 4: Người Nhật chuẩn bị cho ngày XBí mật những kế hoạch sinh tồn ngày tận thế - Kỳ 4: Người Nhật chuẩn bị cho ngày X

Cuối tháng 1-2024, báo Yomiuri Shimbun (Nhật) đưa tin chính quyền thủ đô Tokyo đã dự kiến xây dựng hầm trú ẩn đầu tiên dưới lòng đất, để người dân ẩn náu trong trường hợp bị nước ngoài tấn công bằng tên lửa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp