04/09/2019 10:31 GMT+7

'Bí mật' các di sản của Quảng Nam - Đà Nẵng - Kỳ 3: 'Bí mật' của Thành Điện Hải

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - Thành Điện Hải - di tích lịch sử quốc gia đặc biệt ở Đà Nẵng - đang hiện hữu với thành, hào nước, khuôn viên, hình dáng theo lối kiến trúc thành quách đã được cha ông kiến tạo, xây dựng từ xưa kia.

Bí mật các di sản của Quảng Nam - Đà Nẵng - Kỳ 3: Bí mật của Thành Điện Hải - Ảnh 1.

Đoàn công tác của ngành văn hóa Đà Nẵng tìm kiếm tư liệu về Thành Điện Hải trên đất Pháp - Ảnh: QUỐC THIỆN

Đà Nẵng đã phạm những sai lầm lớn mà đến nay không thể khắc phục được như Công viên phần mềm, Trung tâm hành chính TP và bản thân Bảo tàng Đà Nẵng nằm ở trung tâm của Thành Điện Hải. Đừng để phạm thêm sai lầm nữa.

Ông HUỲNH VĂN HÙNG

Tới đây, Đà Nẵng sẽ tiếp tục "sửa sai" bằng việc di dời công trình đang nằm giữa "tim" thành ra ngoài và tiến hành trùng tu giai đoạn 2. Cuộc giải cứu Thành Điện Hải vẫn còn những bí ẩn đang được gợi mở.

Giữ đất cho thành

Đứng trong Thành Điện Hải nhìn về phía bắc có thể dễ dàng nhìn thấy một khu công viên công cộng xanh mướt cây. Để lấy lại phần đất này cho Thành Điện Hải là cả một câu chuyện không phải ngày một ngày hai...

Ông Huỳnh Đình Quốc Thiện - giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng - cho biết Thành Điện Hải từ những năm sau 1975 cơ bản bị xâm phạm và "thất thủ". Phía tây, phía bắc và một phần phía đông bị các hộ dân lấn chiếm để xây dựng nhà cửa. Đặc biệt nghiêm trọng là sự xâm phạm của 80 hộ dân ở phía tây thành. Tiếp đó là những công trình bắt đầu mọc lên xung quanh, "bóng đè" lên thành.

Năm 2016 khi ông Huỳnh Văn Hùng từ giám đốc Đài phát thanh truyền hình Đà Nẵng làm giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng thì đây được xem là cơ duyên để viết lại câu chuyện di sản Đà Nẵng. Chuyến đi thực tế đầu tiên của ông Hùng chính là Thành Điện Hải và làm việc với "anh em" ngành văn hóa để nghe báo cáo tổng quan việc thành bị xâm phạm nghiêm trọng. Sau đó, ngành văn hóa - thể thao đã có buổi làm việc của lãnh đạo UBND TP và Thành Điện Hải được đưa lên bàn nghị sự.

"TP phải quan tâm đến di tích này, phải sửa sai, trong một quá trình chúng ta đã xâm phạm với nó. Ngay bản thân việc đưa Bảo tàng Đà Nẵng vào Thành Điện Hải năm 2005 cũng là đã quá sai" - ông Thiện nhớ lại. UBND TP Đà Nẵng đã giao Sở VH-TT chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện "cuộc giải vây" cho thành bằng đề án quy hoạch khu di tích Thành Điện Hải.

Ông Huỳnh Văn Hùng chia sẻ thêm có 80 hộ dân và hai cơ quan: Trung tâm thể thao người cao tuổi và CLB Thái Phiên xâm lấn ngay vùng lõi của di tích. Không chỉ vậy, Trung tâm hành chính TP, Công viên phần mềm hiện hữu cũng xâm phạm ranh giới của di tích.

Trước tình hình rất bức xúc đó, ông Hùng đã đề nghị lãnh đạo TP xem xét lại giá trị di tích Thành Điện Hải và khẩn trương có động thái giải cứu. Việc làm ngay là ngăn không cho xây Trung tâm lưu trữ - phía bắc Thành Điện Hải. Khi thành phố cho giải tỏa CLB Thái Phiên và Trung tâm thể thao người cao tuổi, ông Hùng đinh ninh là đất đó sẽ trả lại cho Thành Điện Hải. Nhưng không, cơ quan chức năng chuẩn bị khởi công xây dựng Trung tâm lưu trữ TP và mọi thủ tục đã xong, chỉ còn một tuần nữa là khởi công xây dựng.

Ông Hùng đề nghị lãnh đạo TP dừng ngay việc khởi công. Ông Hùng nói đất Đà Nẵng không thiếu đến nỗi lấy đất di tích làm bãi đỗ xe... Theo ông Hùng, Đà Nẵng đã phạm những sai lầm lớn mà đến nay không thể khắc phục được như Công viên phần mềm, Trung tâm hành chính TP và bản thân Bảo tàng Đà Nẵng nằm ở trung tâm của Thành Điện Hải. Đừng để phạm thêm sai lầm nữa.

Cuối năm 2017 cuộc di dân khỏi Thành Điện Hải mới kết thúc, đất được trả lại cho thành.

Bí mật các di sản của Quảng Nam - Đà Nẵng - Kỳ 3: Bí mật của Thành Điện Hải - Ảnh 3.

Phía tây Thành Điện Hải sau khi di dời dân và phục hồi, tôn tạo lại - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Cơ duyên trên đất Pháp

Giai đoạn 2 trùng tu Thành Điện Hải là một bài toán vô cùng hóc búa vì toàn bộ công trình bên trong như nhà trú sở của quan chỉ huy, trại lính, kho lương, kỳ đài... đều không có tư liệu hình ảnh bản vẽ chi tiết mà chủ yếu nằm trong tư liệu thành văn của nhà Nguyễn. Để đánh giá về mặt khoa học và trùng tu là vô cùng khó khăn. Theo ông Thiện, ngay câu chuyện Thành Điện Hải có bao nhiêu cổng cũng là một bí ẩn suốt mấy chục năm trời.

Một nhiệm vụ mà Sở VH-TT được giao phó là phải sang Pháp tìm kiếm các tư liệu liên quan đến Thành Điện Hải để phục vụ việc trùng tu, tôn tạo và nghiên cứu, trưng bày sau này... "Vô cùng áp lực, nếu tốn tiền mà đi về tay không thì thật khó chấp nhận" - ông Thiện chia sẻ.

Ngày 25-9-2018, đoàn công tác gồm ba người do giám đốc Sở VH-TT Đà Nẵng dẫn đầu đã lên đường đi Pháp. Gần một tuần, đoàn công tác đã tới nhiều nơi như Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp, Trung tâm lưu trữ quốc gia, Thư viện quốc gia Pháp... và đã thu thập được một số tài liệu nhưng vẫn chưa phải là "chìa khóa" giải mã những bí ẩn của Thành Điện Hải.

Khi chỉ còn vài ngày nữa đoàn sẽ về thì người hướng dẫn viên tên Tuấn, làm công chức tại Phòng quy hoạch ở Paris, đã "tiết lộ" một địa điểm ngoài danh sách. Anh Tuấn vốn là sinh viên Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng nhận học bổng du học tại Pháp và ở lại đây làm việc. Khi nghe anh Tuấn nói vậy, ba người trong đoàn công tác càng háo hức hơn. Và Văn khố quân đội Pháp là nơi mà anh Tuấn đưa mọi người tới.

Tại đây, cả đoàn ồ lên xuýt xoa bởi những tư liệu độc nhất vô nhị về Thành Điện Hải. Toàn bộ những báo cáo quân sự về mặt trận Đà Nẵng 1858-1860 qua tường thuật của phía Pháp, những hình ảnh đầu tiên của quân Pháp tại Đà Nẵng, những tờ tạp chí bấy giờ còn đầy đủ y nguyên. "Đứng trước những tài liệu vô giá đó, mọi người như chết lặng. Hàng ngàn trang đó hình như chưa từng mở ra cho đến khi đoàn của mình tới đây" - ông Thiện xúc động nói.

Tài liệu vô giá

Cầm những bản chụp tài liệu từ Văn khố quân đội Pháp, ông Thiện run run cho biết: Đây, công binh pháp đã vẽ toàn bộ các hệ thống sơ đồ phòng thủ và các hạng mục, vị trí bên trong. Những bức vẽ chú thích rõ ràng và thể hiện rõ Thành Điện Hải có ba cổng... Vậy là những bí ẩn của Thành Điện Hải 160 năm qua đã có lời giải.

"Với những tài liệu này, công tác trùng tu đã trở nên dễ dàng hơn rất nhiều" - ông Thiện chia sẻ.

Mất bốn ngày, đoàn Đà Nẵng mới sao chụp hết số tài liệu về Thành Điện Hải và các tư liệu liên quan đến Đà Nẵng.

"Sự đặc biệt của Thành Điện Hải là để bảo vệ một di sản đã có sự đồng hành của ba phía: lãnh đạo TP, người dân và báo chí" - ông Thiện tâm sự.

_____________________________

Kỳ tới: Bắt tay cứu Hải Vân Quan

'Bí mật' các di sản của Quảng Nam - Đà Nẵng - Kỳ 2: Di sản Mỹ Sơn suýt 'chết chìm'

TTO - Năm 2019 này là kỷ niệm tròn 20 năm Khu đền tháp Mỹ Sơn (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Nhưng có lẽ ít người biết rằng di sản Mỹ Sơn đã suýt chìm trong nước để làm hồ thủy lợi.


ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp