Không còn HLV Koeman (trái), trọng trách gánh vác tuyển Hà Lan giờ đây đặt lên vai những cầu thủ dày dạn kinh nghiệm như Van Dijk - Ảnh: REUTERS
Nền bóng đá nào cũng phải trải qua những giai đoạn tăm tối, và với CĐV "cơn lốc da cam", họ tin rằng giai đoạn đó tuyển Hà Lan đã khép lại vào năm 2018.
Qua thời khủng hoảng tài năng
Trước đó, bóng đá Hà Lan rơi vào vòng xoáy khủng hoảng khi kết thúc World Cup 2014. Tuy giành hạng ba chung cuộc ở World Cup 2014 nhưng đây cũng là giải đấu đánh dấu sự kết thúc của một thế hệ thành công.
Hà Lan rơi vào khủng hoảng tài năng khi những Wesley Sneijder, Arjen Robben, Robin Van Persie, Van Der Vaart đã qua tuổi 30, và "đỏ mắt" cũng không tìm ra cái tên đáng chú ý nào trong thế hệ kế cận.
Những năm sau đó phản ánh cuộc khủng hoảng của Hà Lan, khi họ liên tiếp thất bại trong việc giành vé đến Euro 2016 và World Cup 2018. Nhưng chỉ sau vài năm, bóng đá Hà Lan sớm trình làng trở lại những siêu sao.
Thế hệ đi đầu chỉ kém lứa của Sneijder, Robben vài tuổi, nhưng có bước tiến thần tốc nhờ việc chơi bóng trong những môi trường phù hợp.
Đó là Van Dijk, Georginio Wijnaldum (ở Liverpool), Memphis Depay (Lyon), Marten De Roon, Hans Hateboer (Atalanta)... Kế đến là lứa sao trẻ của Ajax với De Ligt, Frenkie De Jong, Van De Beek hay của PSV như Denzel Dumfries, Steven Bergwijn...
Và rồi Ronald Koeman là sự lựa chọn "đúng người, đúng thời điểm". Cựu danh thủ 57 tuổi quá giàu kinh nghiệm với các cầu thủ Hà Lan khi từng dẫn dắt qua cả 3 CLB giàu truyền thống là Ajax, PSV và Feyenoord.
Ông cũng trải qua môi trường tranh đấu khắc nghiệt ở Giải ngoại hạng Anh (từng dẫn dắt Southampton và Everton) để đủ kinh nghiệm với bóng đá đỉnh cao thời hiện đại. Quan trọng nhất, cái tên Koeman đủ để khiến mọi thế hệ hậu bối "cơn lốc da cam" phải phục tùng.
Sẽ ra sao khi không còn Koeman?
Từ khi Koeman lên nắm quyền, tuyển Hà Lan trình diễn một bộ mặt khác hẳn. Sau 20 trận, họ đạt điểm số trung bình 1,9 điểm/trận, cao hơn hẳn con số 1,41 dưới thời HLV Danny Blind (2015-2017) và 1,3 dưới thời Guus Hiddink (2014-2015).
Hà Lan lên ngôi á quân UEFA Nations League ngay trong lần đầu tiên giải được tổ chức, và dễ dàng giành vé dự VCK Euro 2020. Và trong 2 năm qua Hà Lan lần lượt đánh bại nhiều đối thủ mạnh như Bồ Đào Nha, Đức, Pháp.
Nếu VCK Euro 2020 diễn ra bình thường, HLV Koeman hoàn toàn có thể rời đi trong vinh quang và để lại một tập thể mạnh mẽ đang trên đà phát triển cho người kế nhiệm. Nhưng giờ đây, bóng đá Hà Lan không khỏi một phen "thất vọng" - như đội trưởng Van Dijk phát biểu.
Sự ra đi đột ngột của HLV Koeman mùa hè này (đến Barca) khiến cuộc cải tổ của tuyển Hà Lan trở nên dang dở. Thật khó nói Hà Lan sẽ ra sao sau sự ra đi của Koeman.
Người tạm thay thế ông - Dwight Lodeweges tuy lớn tuổi nhưng hầu như chỉ gắn bó với công việc trợ lý suốt sự nghiệp. Do đó, điểm tựa của Hà Lan lúc này là những ngôi sao dày dạn kinh nghiệm như Van Dijk, Wijnaldum, Ryan Babel, Depay.
Đối thủ của họ ở trận ra quân là Ba Lan. Ngoài lợi thế sân nhà, Hà Lan còn trội hơn hẳn về lực lượng khi Ba Lan vắng mặt chân sút Robert Lewandowski, người được cho nghỉ ngơi sau khi vô địch Champions League cùng Bayern Munich.
Tuyển Ý sẽ kéo dài mạch thắng không tưởng?
Trong khi Hà Lan dang dở với sự ra đi của HLV Koeman thì tuyển Ý vẫn đang trong guồng quay chiến thắng cùng HLV Roberto Mancini (được bổ nhiệm năm 2018).
Trải qua vài tháng đầu tiên không suôn sẻ (chỉ thắng 2 trong 8 trận), tuyển Ý chơi thăng hoa từ cuối năm 2018 và lập được thành tích cực kỳ đáng nể với 11 trận toàn thắng, trong đó có 10 trận phủ kín năm 2019. Toàn thắng suốt một năm là điều chưa từng tồn tại trong lịch sử bóng đá Ý.
Đối thủ của tuyển Ý rạng sáng 5-9 là Bosnia. Ở vòng loại Euro 2020, tuyển Ý từng hai lần đánh bại Bosnia nên không có lý do gì để họ phải lo sợ việc bị đứt mạch chiến thắng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận