Phóng to |
Không chỉ là lực cản phát triển kinh tế địa phương, những con đường này còn tiềm ẩn bao hiểm nguy cho người, xe qua lại. Tuy nhiên, kinh phí sửa đường đang là bài toán khó cho địa phương
Tỉnh lộ và huyện lộ đều... nát
Tỉnh lộ 628, đoạn nối quốc lộ 1 từ huyện Tư Nghĩa đi huyện Nghĩa Hành có hơn 500 hố sâu lớn nhỏ. Ở tuyến đường này, đoạn qua xã Nghĩa Phương (huyện Tư Nghĩa) có hố chẳng khác một ao nước. Ông Nguyễn Ngọc Anh, xã Nghĩa Phương, có nhà ở ngay trước đoạn đường hư hỏng này không khỏi bức xúc khi nhiều lần chứng kiến người đi đường bị tai nạn vì sụp xuống hố sâu giữa đường đã hơn năm tháng nay. “Sáng, bà con chở hàng hóa, đi chợ trên tỉnh lộ 628 cứ té ngã liên tục. Chỗ này hư lâu lắm rồi nhưng không thấy sửa chữa gì cả, bà con ở đây bức xúc lắm” - ông Anh nói.
Tỉnh lộ 623, đoạn từ Sơn Hà đi huyện Sơn Tây cũng thê thảm không kém. Đoạn đường dài 25km chi chít hầm hố. Tỉnh lộ 623B, đoạn qua huyện Tư Nghĩa cũng bị các đoàn xe tải băm nát. “Đường gì mà suốt cả tuyến không thấy chỗ nào bằng phẳng, đầy ổ gà, ổ voi”. Ông Nguyễn Thế Vinh, tài xế, bức xúc nói khi đang cố sức lạng lách để chạy qua đoạn đường hư hỏng này.
Các tuyến đường liên huyện, liên xã ở Quảng Ngãi cũng nát như tương. Tuyến đường từ xã Bình Long đi xã Bình Phú (huyện Bình Sơn) dài khoảng 20km nhưng cứ vài chục mét lại có một hố sâu. Người dân qua đường này phải lách xe vào sát trong lề cỏ để vượt qua đoạn đường hư hỏng. Tuyến quốc lộ 24, quốc lộ 24B, tỉnh lộ ĐT 622, 624... cũng đang hành người tham gia giao thông từng giờ.
Kinh phí chỉ đủ sửa tạm
Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 15 tuyến tỉnh lộ với tổng chiều dài 564km, trong đó đổ nhựa và bêtông khoảng 70%. Nhưng nhiều đoạn đường nhựa, bêtông giờ đã bị hư hỏng nặng. “Đường tỉnh chưa có một tuyến nào được thảm bêtông nhựa, hầu hết chỉ làm cấp phối đá dăm láng nhựa. Đường như thế chỉ sử dụng 10 năm và sau đó hầu như hỏng nặng hết” - ông Đặng Văn Minh, giám đốc Sở Giao thông - vận tải Quảng Ngãi, thừa nhận.
Theo ông Minh, đường hư hỏng nhiều nhưng kinh phí thực hiện công tác duy tu, bảo dưỡng đường hằ̀ng năm rất thấp - chỉ được bố trí vốn khoảng 30% nhu cầu - nên không đủ để sửa chữa kiên cố. “Chỉ có thể sửa chữa tạm cho dân đi nên khi vừa sửa xong chưa được bao lâu thì đường tiếp tục hư hỏng, Chúng tôi sẽ tham mưu cho tỉnh cố gắng làm con đường nào ra con đường đó, quy mô và tiêu chuẩn bảo đảm để sử dụng công trình được lâu, được bền” - ông Minh cho biết.
Không chỉ các tuyến đường do Sở Giao thông - vận tải Quảng Ngãi quản lý đang bí kinh phí để sửa chữa một cách kiên cố, ngay ở các tuyến đường do các huyện quản lý cũng không biết nguồn tiền ở đâu để sửa chữa. Theo ông Nguyễn Duy Lâm - trưởng Phòng kinh tế hạ tầng huyện Bình Sơn, huyện Bình Sơn có 12 tuyến đường huyện thì gần như tất cả đều hư hỏng. Mỗi năm nguồn vốn duy tu đường chỉ được cấp 200 triệu đồng nên không đủ sửa chữa, chỉ để dự phòng khi có mưa bão, gây ách tắc đường thì lấy ra xử lý.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận