11/09/2020 05:55 GMT+7

Bị Kiểm toán kết luận vụ 'tích lũy 29.000 tỉ đồng', Tổng liên đoàn Lao động nói gì?

ĐỨC BÌNH - HỒNG QUÂN thực hiện
ĐỨC BÌNH - HỒNG QUÂN thực hiện

TTO - Ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) Việt Nam - trao đổi cùng Tuổi Trẻ xung quanh kết luận của Kiểm toán Nhà nước về việc tổ chức này có khoản kinh phí tích lũy lên tới gần 29.000 tỉ đồng.

Bị Kiểm toán kết luận vụ tích lũy 29.000 tỉ đồng, Tổng liên đoàn Lao động nói gì? - Ảnh 1.

Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang tặng quà cho công nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Đ.LỢI

Ông Phan Văn Anh chia sẻ thêm rằng từ khi có tổ chức công đoàn (91 năm nay) đã có quỹ. Theo nghị quyết trung ương 6, TLĐLĐ xác định tạo nguồn lực đủ mạnh cho tổ chức công đoàn thực hiện chức năng nghiệp vụ để ổn định xã hội cũng như phát triển kinh tế. 

Tới đây, khi có tổ chức người lao động khác ra đời thì với nguồn lực mạnh, công đoàn sẽ có nguồn lực chăm lo cho tổ chức, cho đoàn viên, người lao động cũng như đầu tư cơ sở vật chất tốt hơn.

* Nguồn tích lũy gần 29.000 tỉ đồng đang được sử dụng như thế nào, thưa ông?

- Theo quy định của Luật công đoàn (năm 2012) và nghị định của Chính phủ (nghị định 191/2013/NĐ-CP, ngày 21-11-2013), tổ chức công đoàn được giao thu và cân đối để chi, hết niên độ tài chính chi không hết thì được chuyển sang năm sau sử dụng. 

Gần 29.000 tỉ đồng là khoản tích lũy từ rất lâu, từ khi có tổ chức công đoàn. Khi chưa có Luật công đoàn (trước năm 2012), khoản tích lũy ở các cấp công đoàn trên cơ sở khoảng 10.000 tỉ đồng. 

Từ khi có Luật công đoàn, chúng tôi tiết kiệm hơn, chi hiệu quả hơn nên tích lũy được gần 29.000 tỉ đồng. Trong lúc chưa sử dụng hết thì chúng tôi được gửi ngân hàng có kỳ hạn, toàn bộ lãi suất được bổ sung vào nguồn thu của tổ chức công đoàn để chi lại cho công đoàn.

Số dư gần 29.000 tỉ đồng có ở cả 4 cấp công đoàn: TLĐLĐ Việt Nam là 3.793 tỉ đồng; tại 63 LĐLĐ tỉnh, thành phố và 20 công đoàn ngành trung ương 10.334 tỉ đồng; 1.269 công đoàn cấp trên cơ sở (quận, huyện) là 6.644 tỉ đồng; tại gần 121.000 công đoàn cơ sở và đơn vị sự nghiệp là 7.593 tỉ đồng. 

Thực tế, số dư tại cấp cơ sở đến ngày 31-12-2019 đã được chi hết phục vụ người lao động và đoàn viên công đoàn cho dịp Tết Nguyên đán 2020, nên đến lúc này số dư tích lũy chỉ trên 20.000 tỉ đồng.

Với số dư tại công đoàn cấp trên, TLĐLĐ Việt Nam đã xây dựng đề án sử dụng khai thác có hiệu quả bằng việc gửi tiết kiệm có kỳ hạn tại 4 ngân hàng thuộc Nhà nước, được Bộ Tài chính chấp thuận tại công văn số 16838/BTC-TCT ngày 13-11-2015. Do vậy, nói TLĐLĐ sử dụng chưa hiệu quả gần 29.000 tỉ đồng là không chính xác.

* Vậy có hay không việc TLĐLĐ Việt Nam cho vay hay góp vốn thành lập doanh nghiệp?

- TLĐLĐ không mua cổ phần tại bất kỳ đơn vị kinh tế nào ngoài tổ chức công đoàn. Về vấn đề góp vốn cho vay, chúng tôi khẳng định là không có. 

Trước đây thực hiện chính sách nhà nước cổ phần hóa, công đoàn cơ sở được mua cổ phần ưu đãi, khi đó đương nhiên họ mua bằng cách phối hợp công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo quy định Nhà nước. Không có đầu tư bên ngoài, cũng không góp vốn.

TLĐLĐ Việt Nam sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra việc sử dụng tài chính tích lũy tại các cấp dưới, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý kịp thời đảm bảo đúng quy định của Nhà nước và TLĐLĐ Việt Nam.

Bị Kiểm toán kết luận vụ tích lũy 29.000 tỉ đồng, Tổng liên đoàn Lao động nói gì? - Ảnh 2.

Ông Phan Văn Anh - phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động (TLĐLĐ) VN

* Có ý kiến cho rằng TLĐLĐ Việt Nam cũng như cấp công đoàn trên cơ sở có nguồn kinh phí công đoàn "lênh láng", còn ở cấp công đoàn cơ sở thì khó khăn?

- Tỉ lệ phân phối nguồn kinh phí công đoàn trong những năm qua đã dành cho công đoàn cơ sở từ 65% năm 2016 đến gần 74% vào năm 2020 (theo nghị quyết của TLĐLĐ Việt Nam thì lộ trình đến năm 2025 sẽ là 75%), chứ không phải như kết luận phản ánh là 46%.

Trong hồ sơ dự án sửa đổi, bổ sung Luật công đoàn (năm 2012) đã trình Quốc hội, tổng hợp chi trong giai đoạn từ 2013 - 2019 cho cấp công đoàn cơ sở chiếm 73,2% tổng số chi toàn hệ thống (56.331/76.985 tỉ đồng), trong đó tại cấp công đoàn cơ sở chi chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động chiếm 81,5%; chi cho lương, phụ cấp của cán bộ công đoàn chỉ 13,1%; chi quản lý hành chính chỉ chiếm 5,2%.

Theo quy định, công đoàn cơ sở được phép chi hết nhưng công đoàn cấp trên cơ sở tiết kiệm 10% hằng năm theo chi thường xuyên nên thành quỹ dự phòng. Không như các đơn vị hành chính sự nghiệp hằng tháng, đầu năm được cấp tiền, TLĐLĐ chỉ có tiền gối năm này qua năm khác. Nếu tiền chỉ để ở kho bạc sẽ không sinh lời, TLĐLĐ lấy tiền gửi ngân hàng thương mại nhà nước để sinh lãi bổ sung hoạt động công đoàn.

Chính nguồn dự phòng này đã phát huy trong dịch COVID-19 nên TLĐLĐ đã chủ động trích quỹ đến thời điểm này khoảng 1.000 tỉ đồng để chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động gặp khó khăn (500.000 đồng/suất). Nếu dịch còn kéo dài, ảnh hưởng đến công đoàn viên và người lao động, TLĐLĐ sẽ tiếp tục dành nguồn quỹ dự phòng này để chi.

* Được biết, hiện TLĐLĐ Việt Nam vẫn có khoản vay trong nội bộ. Với kết luận của Kiểm toán Nhà nước, TLĐLĐ cần dừng ngay việc cho vay và thu hồi nợ?

- Đúng là trước khi có Luật công đoàn, từ năm 2009 chúng tôi có 2 khoản gọi là cho vay đối với hai đơn vị trực thuộc tổng liên đoàn, một là Công ty TNHH MTV du lịch Công đoàn và Công ty in Công đoàn. Hai khoản vay này khoảng 300 tỉ đồng và đến thời điểm này hai đơn vị đã trả gần nửa, chỉ còn khoảng 170 tỉ đồng. Theo lộ trình, hai đơn vị sẽ hoàn thành trả hết cả gốc lẫn lãi vào năm 2028.

Thời điểm cho vay TLĐLĐ có thể cấp vốn, nhưng các lãnh đạo khi đó cho rằng để tăng trách nhiệm cho hai công ty của mình nên cần phải thực hiện cho vay, lãi suất như đơn vị ngân hàng, vay nội bộ, có lộ trình trả nợ và lãi hằng năm.

* Với kết luận và kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước, tới đây TLĐLĐ Việt Nam sẽ xử lý như thế nào đối với nguồn tài chính tích lũy?

- Như đã nói ở trên, hiện quỹ còn trên 20.000 tỉ đồng. Công đoàn vẫn tiếp tục chi hỗ trợ COVID-19, chi thường xuyên vài nghìn tỉ đồng, chi xây dựng các thiết chế công đoàn (nhà ở cho người lao động, khu vui chơi, nhà trẻ...) khoảng 3.000 tỉ đồng...

Sau khi cân đối, nguồn quỹ tích lũy này sẽ được chúng tôi lập 4 quỹ riêng biệt. Thứ nhất là quỹ chi thường xuyên. Thứ hai là quỹ đầu tư phát triển (sửa chữa, xây mới trụ sở...). Thứ ba là quỹ xã hội từ thiện, chăm lo cho đoàn viên. Cuối cùng là quỹ bảo vệ người lao động.

* Theo ông, hiện các quy định về tài chính đối với công đoàn còn phù hợp không?

- Để các quy định về tài chính đối với công đoàn chặt chẽ hơn, về cơ bản, Bộ Tài chính và TLĐLĐ Việt Nam sẽ điều chỉnh, bổ sung các quy định về tài chính của tổ chức công đoàn trong Luật công đoàn và nghị định quy định về vấn đề quản lý, phân phối nguồn tài chính này.

Theo chúng tôi, thay vì TLĐLĐ tự chủ, tự thu, tự chi thì tới đây để thu, để chi thì TLĐLĐ cần phải có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành liên quan.

TLĐLĐ xác định sẽ sửa đổi, bổ sung cả 4 điều về tài chính công đoàn trong Luật công đoàn 2012. Hướng sửa đổi, bổ sung là tăng cường tính công khai, minh bạch, đồng bộ với các luật khác; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; những vấn đề về tài chính phải đưa vào luật để mọi người thực hiện cho đúng.

Tới đây, Đoàn chủ tịch TLĐLĐ Việt Nam cũng sẽ ban hành quy chế sử dụng quỹ cho đúng mục đích.

Công đoàn Việt Nam dành 500 tỉ hỗ trợ người lao động khó khăn vì COVID-19 Công đoàn Việt Nam dành 500 tỉ hỗ trợ người lao động khó khăn vì COVID-19

TTO - Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã chuẩn bị 250-500 tỉ đồng từ nguồn quỹ dự phòng để thực hiện hỗ trợ cho 500.000 - 1.000.000 đoàn viên, người lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

ĐỨC BÌNH - HỒNG QUÂN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp