Cho đến khi đứng trước vành móng ngựa nghe tuyên bản án tù dài đến hết cuộc đời, bị cáo vẫn không một lời trách móc vợ...
Yếu mềm
“Tôi là người dân tộc ở vùng cao sâu xa của Bắc Kạn. Tôi lớn lên và trưởng thành trong gia đình có 10 anh chị em nên không được học hành, giao tiếp còn nhiều bỡ ngỡ. Được một số người quen dìu dắt ra Hà Nội sinh sống, tôi có quen biết anh T.V.H. cùng đi làm thuê kiếm tiền, thế là chúng tôi quyết định xây dựng hạnh phúc với nhau.
Chồng tôi rất yêu tôi, gia đình tôi sống rất hạnh phúc với nhau. Rồi chúng tôi sinh được một cháu trai. Sau một thời gian con tôi cứng cáp, tôi đã gửi con ở nhà cho bố mẹ chồng chăm sóc và lên Hà Nội làm để đỡ đần thêm tiền cùng chồng.
Trong thời gian tôi làm ở công ty có quen biết anh T.. Không lâu sau tôi phát hiện anh T. luôn quan tâm đến tôi, rủ tôi đi chơi và uống nước nhưng tôi luôn lẩn tránh vì cả hai bên đều đã có gia đình riêng.
Có lần chồng tôi về quê gặt lúa vài ngày, anh T. biết vậy nên đã gọi điện mời tôi đi uống nước. Vì chỉ có một mình nên tôi đã nhận lời mời của anh T.. Lúc ngồi uống nước, anh T. đã thổ lộ tình cảm với tôi và nói rất yêu tôi.
Trong phút yếu lòng tôi có cùng anh T. đi nhà nghỉ qua đêm và có quan hệ nam nữ. Những ngày sau đó tôi rất sợ và hoang mang, sợ chồng tôi sẽ phát hiện mối quan hệ đó nên tôi bảo anh T. chấm dứt mối quan hệ nhưng anh T. vẫn tiếp tục lôi kéo và thường xuyên nhắn tin cho tôi.
Trong một hôm anh T. nhắn tin cho tôi thì bị chồng tôi phát hiện. Vì yêu vợ nên chồng tôi rất tức giận và không làm chủ được bản thân, để xảy ra án mạng, gây ra cái chết với anh T..
Tôi là vợ của anh H. hết sức áy náy về việc quan hệ lăng nhăng của anh T. và tôi không ngờ lại thành ra thế này...”.
Trên đây là lá thư kín hai trang giấy của chị C. (22 tuổi) gửi đến TAND TP Hà Nội để xin giảm án cho chồng. Phiên tòa xét xử chồng chị - bị cáo H. (27 tuổi, quê Nam Định) phạm tội giết người được TAND TP Hà Nội mở sáng 23-3.
Nội dung lá đơn ấy cũng giống như nội dung được thể hiện tại bản cáo trạng truy tố bị cáo. Khi H. bị bắt, bạn bè và người thân quen đều ngạc nhiên bởi tại sao một người hiền lành như H. lại có thể giết người.
“Sinh ra ai cũng mong mình là người tốt, đâu ai muốn mình trở thành kẻ đâm chém người khác. Em đã tha thứ cho vợ rồi nhưng đêm nằm suy nghĩ nhiều, tức giận quá nên sáng mai mới cầm dao đi tìm anh T. như vậy” - bị cáo kể với người dự khán khi phiên tòa chưa bắt đầu.
Suốt cả phiên tòa, bị cáo không một lần ngẩng mặt lên. Đôi vai càng lúc càng cúi xuống thấp, chúi cả về phía trước. “Bị cáo ức chế lắm, chỉ tính đâm một nhát dao cho đỡ tức thôi” - bị cáo H. nói.
Có trách móc cũng không thể quay trở lại
“Cô có trách giận con dâu không?” - vài người dự khán hỏi mẹ bị cáo. Bà kể sau khi sự việc xảy ra, con dâu bà đã tính trốn đi luôn, không về nhà vì sợ và xấu hổ với bố mẹ chồng. Nhưng rồi chị C. vẫn quyết định trở về.
“Con sai rồi, bố mẹ tha thứ cho con, cho con cơ hội được ở nhà với bố mẹ để làm ăn nuôi con và đợi chồng con về” - chị C. nói thế với bố mẹ chồng.
Bà chấp nhận và lý giải: “Nó là người dân tộc Dao nên khù khờ, cả đời không đi đến đâu, cũng không gặp gỡ giao tiếp với ai. Khi sự việc xảy ra, cũng có nhiều người hỏi tôi sao không đuổi quách con dâu ra khỏi nhà đi, vì nó mà mới xảy ra cơ sự.
Tôi nghĩ chuyện gì xảy ra thì cũng xảy ra rồi. Có trách móc con cũng không thể quay trở lại như trước đây được nữa. Thôi thì để nó làm ăn còn nuôi con...”.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho gia đình bị hại đề nghị tăng nặng hình phạt với bị cáo vì “mâu thuẫn có thể hóa giải được nhưng bị cáo vẫn rất hung hăng”.
Luật sư của bị cáo lại cho rằng bị hại có lỗi vì đã rủ rê vợ bị cáo. Luật sư đề nghị tòa xử bị cáo ở khung hình phạt thấp hơn vì bị cáo phạm tội khi ở trong trạng thái bị kích động. Sau khi tòa tuyên bị cáo tù chung thân, cả gia đình bị cáo khóc òa.
Chị bị cáo nức nở: “Nó có bao nhiêu là tình tiết giảm nhẹ, đã khắc phục hậu quả, ra đầu thú, sự việc xảy ra không phải vô cớ mà có lỗi của bị hại... Sao em tôi lại còn bị tù chung thân?”.
Chị vội vàng lấy điện thoại ra gọi cho vị luật sư bào chữa chỉ định xem ông đã nạp giấy tờ chứng minh gia đình bị cáo có công với cách mạng chưa, nếu nạp rồi tại sao bị cáo vẫn bị tuyên mức án nặng đến thế?
Giọng vị luật sư vang qua điện thoại: “Giết chết một mạng người, án chung thân là không nặng đâu”…
Cả nhà bị cáo được gặp nhau trong phút chốc. Vợ bị cáo vòng tay ôm lấy chồng, những tiếng nấc nhiều hơn lời hỏi han. “Em đã tha thứ cho vợ rồi. Trước đây đâu có chửi bới, đánh mắng gì vợ đâu...” - bị cáo bảo vậy khi tôi hỏi có trách giận gì vợ không. Sau khi gặp chồng, chị C. bảo sẽ lo học nghề mây tre đan để kiếm tiền nuôi con và đợi chồng về. “Sau biến cố lớn của cuộc đời, tôi biết trân trọng hơn những gì mình đã có” - chị bảo vậy. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận