Lần lại nỗi bi kịch muôn đời mà bùi ngùi cảm như vết thương lòng ông vẫn còn rỏ máu đến tận hôm nay...
Phóng to |
Mộ cụ Phan Thanh Giản ở Ba Tri - Ảnh: Q.V. |
Nỗi đau thời cuộc
Trong ngôi thờ nhỏ bé kế bên mộ phần Phan Thanh Giản, chúng tôi lặng nhìn tượng ông mờ sau làn hương khói. Mặt tượng khắc khổ, ưu tư như chất chứa bao nỗi niềm không thể tỏ cùng ai. Chính sử ghi sau khi phải hạ bút ký Hòa ước Nhâm Tuất 1862 chịu mất đất, mất tiền cho Pháp để mang tiếng đời “Phan Lâm mãi quốc, triều đình khí dân” (Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp bán nước, triều đình coi thường dân), Phan Thanh Giản bị triều đình quở trách rồi điều về làm tổng đốc Vĩnh Long. Chính tại đây, ông đã không làm điều mà Pháp buộc triều đình phải thực hiện là giải giới quân dân kháng chiến.
Rồi thời thế lại đẩy Phan Thanh Giản vào trọng trách nặng nề. Năm 1863, khi cử phái bộ đi Pháp chuộc ba tỉnh miền Đông, vua Tự Đức không biết chọn ai lại cậy vào ông. Trên đường đi ông đã viết bài thơ bày tỏ lòng mình: Lo nỗi nước kia cơn phiến biến. Thương bề dân nọ cuộc giao chinh. Ngàn trùng biển cả sang Tây địa. Muôn dặm đường xa thẳng đế kinh....
Chuyến đi sứ tưởng phần nào đã thành công, nhưng cuối cùng lại thất bại trước phe Pháp chủ chiến. Đó cũng là lúc Phan Thanh Giản đã xế bóng. Ông xin vua cho về trí sĩ nhưng không được. Năm 1865, ông lại vâng mệnh vua vào Nam kỳ làm kinh lược sứ Vĩnh Long để nhận cái chết ngậm ngùi.
Và nỗi uất hận cuối cùng của Phan Thanh Giản chính là sáng 20-6-1867 khi đô đốc De la Grandière dẫn hạm đội tiến chiếm Vĩnh Long. Diễn biến nhanh chóng sau khi De la Grandière trao cho Phan Thanh Giản một bức thư đòi trao thành, rồi ông cùng quan án sát Võ Doãn Thanh xuống tàu Pháp. Lập tức quân viễn chinh đổ bộ vào thành mà không gặp kháng cự. Nghi án này đổ đầy tràn nỗi bi kịch muôn đời của Phan Thanh Giản khi cho rằng chính ông trao thành Vĩnh Long.
Sự thật thế nào?
Đến nay đã có nhiều tài liệu giúp cho người sau sáng tỏ hơn:
Sáng 20-6-1867, thành Vĩnh Long ngoài Phan Thanh Giản, Võ Doãn Thanh, còn có tổng đốc Trương Văn Uyển, bố chánh Nguyễn Văn Nhã, lãnh binh Huỳnh Chiêu... Khi triều đình nghị xử tội Phan Thanh Giản, các nhân chứng đã tường trình:
Tổng đốc Trương Văn Uyển khai rằng: Ngày 19-5, khoảng giờ Thìn, thấy viên quan Tây đem số lớn đến bến tỉnh thành thả neo, kỳ thủy một viên quan ba cùng một người tên Cố Trường đưa một phong thơ. Trong thơ nói quan Tây nhận thấy bọn giặc quấy rối lâu nay phần nhiều là dân của tỉnh Châu Đốc. Nay y muốn quý quốc nhường lại ba tỉnh để y kiểm soát thì chúng không dám quấy rối như xưa... Thần đẳng xem xong bức thơ, cùng nhau thương nghị, rồi kinh lược sứ (Phan Thanh Giản) đem theo niết ty Võ Doãn Thanh theo xuống dưới tàu cùng viên chúa tàu đàm thoại, trách y vin cớ nhỏ mọn mà đã làm tổn thương đại nghĩa... Y trả lời rằng: bổn ý thế nào đã nói trong thơ. Nói đoạn y cho chiến thuyền tiến sát vào phía ngoài thành rồi cho bộ binh vào thành đóng giữ.
Lãnh binh Huỳnh Chiêu khai rằng: Hôm ấy khoảng giờ Thìn, thấy bọn Tây kéo chiến thuyền đến bỏ neo ở tỉnh..., mời tỉnh quan xuống tàu nói chuyện. Quan kinh lược và án sát theo bọn chúng, còn y trèo lên thành coi sự thể, chẳng ngờ chỉ trong chốc lát đã thấy bọn quan binh kia xô đẩy các quan tỉnh thần vào thành rồi chúng chiếm đóng các sở...
Ngoài ra, lời khai của các quan nhân chứng khác cũng không buộc tội Phan Thanh Giản đã nộp thành Vĩnh Long, trừ quan Hà Tiên trách ông không theo ý họ từ trước về việc phòng bị.
Đặc biệt, linh mục Trương Bá Cần trong luận án tiến sĩ “Hoạt động ngoại giao của nước Pháp nhằm củng cố cơ sở tại Nam kỳ (1862-1867) không chỉ dùng sử liệu trong nước mà tiếp cận nhiều tư liệu, tài liệu của bộ ngoại giao, bộ hải quân và thuộc địa Pháp, đã viết rằng: “Từ những chứng cớ này, rất có thể Phan Thanh Giản và đồng sự đến để cố gắng phân bua với Grandière. Nhưng trong hoàn cảnh đó họ còn nói năng gì được nữa, người Pháp đã quyết định chiếm ba tỉnh... thay vì thả các nhà thương thuyết, Grandière muốn biến họ thành tù nhân... Trương Văn Uyển và thuộc hạ sẽ làm gì khi thấy thượng cấp trở về xung quanh toàn lính Pháp? Một khi quân địch đã tiến vào thành với vũ khí hiện đại thì không kháng cự được nữa...”.
Sử gia thời nay như giáo sư Phan Huy Lê cũng chỉ vai trò riêng của Phan Thanh Giản trong trách nhiệm lớn của triều đình. Cho rằng việc nghiên cứu Phan Thanh Giản phải tiếp tục, nhưng ông không đồng ý gán tội vị quan “bán nước” vì nó trái với tấm lòng suốt đời tận tụy vì nước, vì dân của ông. Mượn lời Đại Nam chính biên liệt truyện, sử gia nói lòng mình: “Thanh Giản là người ngay thực, làm quan cần mẫn, giữ lòng liêm khiết, thận trọng, gặp việc dám nói. Trải thờ ba triều vẫn được yêu quý. Đến khi mang cờ tiết đi Nam, thế không làm sao được, biết tội tự uống thuốc độc chết. Thực là vào ở chỗ người ta khó xử. Xem tờ sớ để lại thì thấy lòng trung ái chứa chan ngoài lời nói”.
Phóng to |
Chọn cái chết để tạ tội
Sau khi Pháp chiếm Vĩnh Long, các quan về Bình Thuận và Huế, một mình Phan Thanh Giản ra sống ở mái tranh ngoại thành. Ông viết thư bày tỏ lòng mình và tạ tội để mất thành cho vua Tự Đức nhưng không được trả lời.
Ngày 19-7-1867, ông tuyệt thực trong lúc vẫn ngồi xem sách. Con cháu khóc, xin ông ăn. Ông chỉ nói mình thác rồi, ai nấy cứ lo việc học hành, không nên dục lợi cầu vinh làm những điều nhẫn tâm hại lý... Ông cũng dặn thêm con cháu cày ruộng mà ăn, không được làm quan chức gì trong vùng giặc chiếm.
15 ngày tuyệt thực không chết, Phan Thanh Giản cạn chén thuốc độc. Quay về hướng bắc, ông lạy vua, rồi rưng rưng nước mắt nâng chén giấm thanh pha thuốc phiện. Nửa đêm 4-8-1867, ông tắt thở ở tuổi 71 dưới mái nhà tranh.
Vì thành Vĩnh Long bị chiếm nên phía Pháp có ba người chứng kiến phút cuối đời ông là thiếu tá Ansart, linh mục Marc và y sĩ Coniat, nhưng ông dứt khoát không để họ chữa. Chính Ansart viết thư kể lại rằng: “Chúng tôi bị xúc động nhiều vì cái chết của vị lão thành phi thường ấy. Và tôi tin sầu cảm này sẽ được chia sẻ bởi tất cả ai được biết ông. Ông đã tự tử với một ý chí quả quyết lạ lùng... trối lại cho con cháu những lời khôn ngoan và chánh trực...”.
Trong lúc triều đình kết án trảm giam hậu ông, cho đục bia tiến sĩ, thì chính cụ đồ kiên cường chống Pháp Nguyễn Đình Chiểu đã cảm tác viếng: ... Ba triều công cán vài hàng sớ. Sáu tỉnh cương thường một gánh thâu... Minh sinh chín chữ lòng son tạc. Trời đất từ đây bạt gió thu.
Đến triều Đồng Khánh đã giải tội cho ông cùng với Nguyễn Tri Phương. Về sau, ông còn được phong thần để nhân dân thờ cúng.
Mặc dù nặng lòng tội để mất đất Tổ quốc, nhưng các con Phan Liêm, Phan Tôn của Phan Thanh Giản đã cùng Nguyễn Tri Phương tiếp tục chống Pháp có lẽ cũng làm ông ngậm cười nơi chín suối...
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Kỳ 6:
____________________
Giữa TP.HCM thế kỷ 21 này vẫn còn nhà mồ của một người Việt đã được vinh danh là một trong 18 nhà thông thái của thế kỷ 19. Ai là người đang nằm dưới nhà mồ đó?
Kỳ tới: Nỗi niềm dưới mái nhà mồ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận