Thời điểm máy múc đến phá tan nhiều vườn chuối của hợp tác xã - Video người dân cung cấp
Bà Nguyễn Thị Bính, giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Liên Châu (trụ sở tại phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, Hà Nội), cho biết: "Một phần khu đất mới bị phá tan là diện tích đất trồng chuối chuẩn bị cho thu hoạch vào dịp Tết. Năm 1983, khu đất bãi bồi sông Hồng này được hợp tác xã giao cho khoảng 100 hội viên canh tác trồng hoa màu và cây ăn quả".
"Từ ngày 7-12, sau khi bị phá hoại tài sản trên đất, hội viên rất hoang mang. Hợp tác xã, hội viên cũng đã gửi đơn đến nhiều nơi để kêu cứu, mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc tìm ra thủ phạm đã rất manh động hủy hoại hoa màu, chuối của nông dân...", bà Bính thêm.
Hội viên hợp tác xã bất bình trước diện tích đất trồng chuối nhiều gia đình chuẩn bị thu hoạch bị tàn phá - Ảnh: Q.THẾ
Ông Trần Ngọc Thắng (phường Tứ Liên) bức xúc kể: "Mẹ tôi có đất ở hợp tác xã, do tuổi cao nên gia đình hỗ trợ bà trồng trọt trên khu đất được giao từ hàng chục năm trước. Không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác vô cùng bất bình bởi cây trái chuẩn bị thu hoạch không hiểu sao họ lại tàn phá như vậy".
"Cả gia đình sống dựa vào vườn chuối ở bãi bồi sông Hồng này, giờ bị phá cũng không biết lấy tiền đâu trang trải cuộc sống. Mong cơ quan chức năng sớm tìm được kẻ đã nhẫn tâm phá bỏ hoa màu để bà con tiếp tục an tâm sản xuất", bà Đoàn Thị Chính (50 tuổi, phường Tứ Liên) bày tỏ.
Ngày 22-12, ông Phạm Văn Thắng, phó chủ tịch UBND phường Tứ Liên, trao đổi với phóng viên Tuổi Trẻ: "Sau khi sự việc xảy ra, tôi đã giao cán bộ phối hợp công an phường đi kiểm tra hiện trường nhưng không còn ai, tất cả các đối tượng chạy hết.
Tôi đã giao cho công an nắm bắt nguồn cơn do đâu dẫn đến sự việc này, đến nay anh em công an vẫn đang tiếp tục làm. Dự kiến ngày mai lãnh đạo UBND phường Tứ Liên sẽ họp với Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ tổng hợp Liên Châu và hội viên".
Trong khi đó ông Nguyễn Đình Khuyến, chủ tịch UBND quận Tây Hồ, thông tin: "Tôi đã làm việc với chủ tịch UBND phường, ban đầu có thể do nhóm đối tượng có mâu thuẫn với người dân nên mới xảy ra sự việc như vậy. Để bảo vệ quyền lợi của hội viên, hợp tác xã phải làm báo cáo gửi cho UBND phường, công an phường. Ban đầu thẩm quyền xử lý thuộc về UBND phường, công an phường".
Người dân đỏ hoe mắt nhìn vườn chuối bị phá
Diện tích bị san ủi kéo dài cả hàng trăm mét
Người dân ký đơn gửi đến các cơ quan chức năng
Theo luật sư Đặng Xuân Cường (Đoàn luật sư Hà Nội): "Đây là một vụ việc rất nghiêm trọng, rất đáng lên án, các cơ quan chức năng cần làm rõ các đối tượng lạ mặt hủy hoại tài sản của bà con nông dân".
"Theo tôi, trước mắt các cơ quan cần kiểm đếm số tài sản đã bị hủy hoại để phục vụ cho công tác giải quyết phản ánh của nhân dân, xác minh, điều tra xử lý sau này", luật sư Cường nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận