15/09/2021 06:16 GMT+7

Bi hài học năng khiếu online

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Mong muốn con phát triển toàn diện, nhiều phụ huynh đăng ký cho con học các môn năng khiếu. Vậy là cả ngày tự học và học online, tối đến hay thứ bảy, chủ nhật, con lại tất bật lên mạng học múa, vẽ, nhạc, cờ vua...

Bi hài học năng khiếu online - Ảnh 1.

Một giờ học năng khiếu online say mê của một học sinh ở quận 3, TP.HCM - Ảnh: MINH TRÍ

Cha mẹ nên coi việc con học năng khiếu online trong mùa dịch là để giúp con giải trí, khuây khỏa, được làm, được chơi thứ mà các em yêu thích, chứ không nên biến thành những buổi học tăng tốc, nâng trình độ, lấy thành tích.

TS Nguyễn Thụy Phương

Nhiều câu chuyện bi hài được phụ huynh chia sẻ trên các group: học oải quá, có em chui gầm bàn trốn, có em chốt cửa phòng, có em cạy phím cây đàn...

Muốn con cân bằng

Làm ở công ty sản xuất thực phẩm, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thư Anh (quận Gò Vấp, TP.HCM) mùa dịch vẫn bận rộn như những ngày thường. Chị Anh phải giữ một người giúp việc quê miền Trung ở lại, vừa giúp việc nhà vừa làm... "gia sư" cho con. Chưa đủ, chị đăng ký cho con học thêm một số lớp năng khiếu.

"Tôi thấy trên Facebook có rao dạy online cờ vua, vẽ, thế là tôi đăng ký cho hai con, một đứa lớp 7, một đứa lớp 4, học vào tối thứ bảy và chủ nhật, học phí chỉ có 490.000 đồng/tháng/4 buổi. 

Ngoài ra, tối thứ ba và thứ năm hằng tuần, các con tôi học boxing cùng thầy giáo mấy năm trước. Tôi cho con kín lịch để cân bằng giữa học văn hóa và năng khiếu, cũng là lấp khoảng trống để con không chơi game" - chị Anh nói.

Chị Lâm Thanh Hà (quận 1) thì 2 tháng nay đăng ký cho con học đàn piano. Con chị học 3 buổi/tuần, mỗi buổi học phí 70.000 đồng/giờ. Những ngày đầu quan sát thấy con học ngay ngắn, chị yên tâm nên "nới lỏng" quan sát. 

"Bỗng một hôm hết tiết, thầy giáo điện thoại báo con đã vắng 3 hôm rồi, thầy ngỡ gia đình có việc. Tôi hoảng lên tra hỏi và kiểm tra đàn piano, thấy con đã cạy một vài phím đàn, rút dây điện, cố phá hỏng cây đàn. Con chốt cửa phòng giả vờ là đang học. Hỏi ra thì con nói không thích, không muốn" - chị Hà kể.

Cũng vì cố đưa con vào các lớp năng khiếu mỹ thuật nên chị N.An (quận 8) "lang thang" trên mạng xã hội thấy có lớp dạy vẽ với học phí theo chị là bằng "một bát phở". Chị "chat" với trung tâm thì thấy lịch và học phí ổn nên đăng ký ngay sau ít phút. Mặc dù con trai lớp 7 phản kháng dữ dội nhưng chị quyết cho con học "một môn gì đó để gọi là vừa học, vừa thư giãn".

Chị nói: "Học được 3 hôm là 3 hôm trốn gầm bàn, chui vào tủ đồ, chui vào nhà vệ sinh vờ đau bụng ngồi thật lâu để trốn học. Tôi chưa có giải pháp để "dụ" con nhưng giữa việc lèm bèm con chán, con mệt, cho con xem phim, cho con chơi điện thoại... thì học lớp mỹ thuật vẫn rất hay và lấp được nhiều khoảng thời gian chết".

Con không muốn, cha mẹ không ép

TS Nguyễn Thụy Phương, nhà nghiên cứu giáo dục tại Paris, Pháp, đánh giá: "Năng khiếu nếu được coi là một hình thức vừa học vừa thực hành, thể nghiệm, đòi hỏi trẻ em vận dụng 5 giác quan cộng với vận động thân thể và đặc biệt là tương tác với người dạy và bạn cùng học. Thế nhưng, nếu phải ngồi trước màn hình thì thị giác và thính giác vận động nhiều nhất, dẫn đến mệt mỏi, ức chế. Năng khiếu bao hàm tài năng, sáng tạo, có động lực và tự nguyện. Nếu như các phụ huynh quan sát thấy con mình không có ít nhất 2 trong các yếu tố trên thì đừng bắt ép con mình học các môn năng khiếu, dù là trong hay sau mùa dịch".

Theo bà Phương, các con trốn tránh, đối phó khi học các môn năng khiếu online thì cha mẹ cần tìm hiểu vì sao. "Nếu các em bỗng trốn tránh việc học năng khiếu thì phải tìm hiểu lý do: chán nhất thời (vì hoàn cảnh) hay không còn thích bộ môn này nữa. Nếu là nhất thời thì nên động viên và giảm số lượng giờ học xuống hoặc thay đổi hình thức, phương pháp. Nếu con muốn từ bỏ bộ môn năng khiếu đó thì nói chuyện, phân tích, thuyết phục. Còn nếu các em nhất quyết không muốn thì người lớn tuyệt nhiên không nên ép vì sẽ không có tác dụng gì, và biết đâu lại đang làm cho con đánh mất cơ hội tìm hiểu đam mê một thứ khác. Thúc, ép học là hoàn toàn phản khoa học!" - bà Phương phân tích thêm.

Cần trung thực và tôn trọng

Chị Nguyễn Thị Minh Trí, giáo viên tại một trung tâm năng khiếu vẽ và múa ở quận 3, TP.HCM, chia sẻ: "Mùa dịch, so với học trực tiếp, học online học phí thấp hơn nhưng phụ huynh cũng rất chặt chẽ với đồng tiền. Phụ huynh phải học thử, nếu con thích thì mới đóng tiền theo học. Không phải đóng tiền là "tống"con vào trong đó đã yên tâm. Hơn nữa, cần tránh câu chuyện bi hài khi học năng khiếu online, học sinh không muốn học thì không nên ép. Khi trẻ có phản kháng, giáo viên phải trung thực với phụ huynh và tôn trọng học sinh. Giáo viên cứ nhận học phí, các con thì muốn ra, phụ huynh lại không biết, điều đó là không nên".

Dạy học online: Một tiết dạy, trăm mắt nhìn Dạy học online: Một tiết dạy, trăm mắt nhìn

TTO - "Khán thính giả" của giáo viên trong giờ dạy online giờ đây không chỉ là học sinh mà còn là lãnh đạo trường, phụ huynh, ông bà, dư luận và cả mạng xã hội.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp