Hướng dẫn làm giấy đi đường cho các doanh nghiệp dài 4 trang, nhiều chủ doanh nghiệp nói “đọc mãi không hiểu” - Ảnh: PHẠM TUẤN
Công ty thực phẩm N.V (Hà Đông, Hà Nội), chuyên cung cấp thực phẩm cho bếp ăn ở Khu công nghiệp Hà Nội, cho hay sau khi nhận thông tin từ cảnh sát khu vực email đến các doanh nghiệp yêu cầu gửi hồ sơ, ngay trong ngày 5-9 công ty đã hoàn tất tới 6 loại thủ tục giấy tờ gồm kế hoạch và bản cam kết phòng chống dịch COVID-19, danh sách cán bộ nhân viên có lịch phân công nhiệm vụ, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cùng các biểu mẫu đi kèm…
Công an phường hay TP cấp giấy đi đường?
Tuy vậy, sau hơn 24 giờ gửi hồ sơ tới cơ quan công an phường, doanh nghiệp lại nhận được thông báo là mail tiếp nhận hồ sơ trước đó đã quá tải và bị khóa, không thể truy cập nên đề nghị doanh nghiệp gửi lại hồ sơ.
Quá sốt ruột, anh T. lại tìm hiểu các thông tin trên mạng thì được biết doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thiết yếu cũng thuộc thẩm quyền do Sở Công thương Hà Nội cấp giấy đi đường với hồ sơ đơn giản hơn. Thực tế này khiến anh băn khoăn vì không biết cơ quan nào có thẩm quyền chính thức cấp giấy.
Tương tự, anh N.V.H., giám đốc Công ty dược phẩm M.D, cho hay cũng đang "rối như tơ vò" khi nghe thông tin UBND TP Hà Nội cấp giấy đi đường nhưng quy trình thay đổi liên tục. Doanh nghiệp này có nhà máy sản xuất thuốc, là nhóm ngành sản xuất thiết yếu, lại nằm ở vùng xanh, nhưng hầu hết ban lãnh đạo, cán bộ chủ chốt và nhiều nhân viên lại sinh sống ở vùng đỏ. Do vậy, ông N.V.H. băn khoăn nếu hằng ngày đi làm từ vùng đỏ sang vùng xanh thì Công an phường hay Công an TP sẽ cấp giấy đi đường?
"Cơn ác mộng" giấy đi đường
Với ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ, nỗi lo giấy đi đường như một "cơn ác mộng" khi có thể khiến doanh nghiệp mất đi doanh thu có được từ những đơn hàng vốn đã ít ỏi trong đại dịch. Ông T.Đ.T., giám đốc Công ty cơ khí C.K, cho biết do nhà máy nằm ở vùng xanh nhưng có tới 50% cán bộ nhân viên sinh sống ở vùng đỏ, nên ngay khi có thông tin phân vùng của Hà Nội, đã vội "sơ tán" cán bộ nhân viên đến gần nhà máy và thực hiện phương án "3 tại chỗ" hoặc "1 cung đường 2 điểm đến" được phê duyệt trước đó.
"Chúng tôi phải sơ tán nhân viên gấp bởi trong 6 nhóm đối tượng thì không thấy nêu cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp sản xuất, ngành công nghiệp phụ trợ mà chỉ cho nhóm "thiết yếu". Vì vậy, dù phải tăng thêm chi phí thuê nhà trọ, nuôi cơm công nhân 3 bữa/ngày, các chi phí khác, doanh nghiệp vẫn phải chấp nhận để đảm bảo duy trì sản xuất.
Nhưng lo lắng lớn nhất lúc này là với đội ngũ vận chuyển giao nhận hàng, phải đi lại hằng ngày, không rõ có được cấp giấy hay không. Nếu dừng lưu thông ngày nào là thiệt hại ngày đó, khi lợi nhuận vốn đã ít ỏi" - ông T. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Quang Long, phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, cho hay do thành phố là địa bàn rộng, có mật độ giao lưu, đi lại giữa các vùng lớn, nên việc áp dụng cấp giấy đi đường sẽ gặp không ít khó khăn.
Hiện nay, ban quản lý đã tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp nhưng qua theo dõi, nắm bắt thông tin và tình hình từ cơ quan công an, vẫn chưa có giải pháp khả thi nhất để triển khai cấp giấy đi đường.
Cũng bởi không chỉ người lao động mà còn các chuyên gia nước ngoài, cán bộ quản lý… nên ông Long cho rằng việc cấp giấy đi đường cần áp dụng linh hoạt, phù hợp khi doanh nghiệp không thể thực hiện hoàn toàn "3 tại chỗ" cho 100% người lao động.
"Chúng tôi cũng nhận được nhiều cuộc điện thoại từ các doanh nghiệp, nhưng cũng đang chờ công an giải quyết mà chưa có kết quả.
Với tinh thần quan tâm tháo gỡ, vướng đến đâu gỡ đến đó, nên cũng phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh bởi việc đáp ứng hết tất cả các nhu cầu là rất khó" - ông Long nói.
Lãnh đạo Phòng cảnh sát giao thông Công an Hà Nội cho biết trong một thời gian ngắn từ chiều 5-9 đến sáng 6-9, đơn vị đã cấp được hơn 20.000 giấy đi đường mẫu mới cho nhóm các tổ chức, doanh nghiệp công ích thiết yếu, chủ yếu là của Sở Công thương, nhóm giao thông vận tải, nhóm hoạt động công ích và vận chuyển hàng thiết yếu. (D.TRỌNG)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận