Ly nước hơn một nửa là đá
“Trẻ em, thanh niên là người tiêu thụ thói quen ăn uống này nhiều nhất. Dường như bữa ăn nào bên ngoài cũng bao gồm một ly đá khổng lồ. Thế thì cổ họng nào chịu cho thấu. Đó là chưa nói đến vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm khi không ăn uống tại nhà”, bà Lê Thị Thanh Nhàn (thợ may, ngụ quận 10) cho biết.
Cô Nguyễn Thị H. một giáo viên cấp 1 ở quận 10 than rằng khi ngồi ăn sáng tại căn tin trường mới thấy rõ lượng đá lạnh mà trẻ em tiêu thụ trong 25 phút ra chơi mới “khủng” tới mức nào.
“Đá liên tục được cung cấp. Một ly nước thì phải có hơn một nửa là đá. Các em vừa uống nước vừa nhai đá rôm rốp, thản nhiên như nhai viên kẹo. Có ăn nhai bằng hết cốc đá mới thôi. Cái này thì cha mẹ ở nhà không thể biết”, cô H than thở.
“Tôi không biết thói quen ăn thật nóng rồi sau đó uống thật lạnh để xua tan cảm giác phỏng rát lưỡi như vậy có ảnh hưởng gì tới cổ họng hoặc làm hỏng răng, rụng răng hay không? Nhưng đúng là hiện nay, hầu như ai cũng có thói quen ăn uống sốc nhiệt như vậy vì ở khía cạnh nào đó cảm giác rất sảng khoái”, anh Trần Tuấn Cảnh (kĩ sư điện, quận 3) thắc mắc.
Ăn quá nóng hoặc quá lạnh đều là nguy cơ
PGS.TS Nhan Trừng Sơn - Ảnh: L.Đ |
Theo PGS.TS Nhan Trừng Sơn (Chủ tịch Hội Tai, Mũi, Họng Nhi TP.HCM), ăn nóng trên 60 độ C có thể gây ra bỏng cấp độ 1 dẫn đến đỏ rát trong miệng, lưỡi. Điều này khích thích và làm thoái hóa các tế bào.
Việc ăn nóng rồi lập tức uống lạnh sẽ tạo ra sự sốc nhiệt. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng nếu duy trì thói quen này trên 10 năm.
Nhiều người lầm tưởng viêm họng chỉ do uống nước đá lạnh hoặc ăn nhiều kem. Tuy nhiên, nguyên nhân chính lại là do vi khuẩn đến từ thức ăn, nước uống hoặc trào ngược dạ dày, thực quản kèm theo cơ thể yếu, không có đề kháng.
“Mọi người nên hạn chế tối đa uống nước quá lạnh. Thay vào đó, nước ấm hoặc nước mát là an toàn cho sức khỏe. Ngoài ra, cần chú ý vấn đề vệ sinh của các loại đá bán bên ngoài vì chúng có thể nhiễm khuẩn và các tạp chất mà mắt thường không thể nhìn thấy. An toàn và tiết kiệm nhất, nước làm đá nên được lọc qua, đun sôi, để nguội”, PGS.TS Nhan Trừng Sơn nhấn mạnh.
Về vấn đề răng-hàm-mặt, NGND.GS.TS Hoàng Tử Hùng cho biết thức ăn nóng có thể ăn được ở nhiệt độ khoảng dưới 60 độ C và nước lạnh có đá tan tầm 4 đến 5 độ C. Với biên độ nhiệt chênh lệch nóng lạnh như vậy thì không ảnh hưởng trực tiếp đến răng hoặc nướu.
Tuy nhiên, những bệnh nhân có răng đã bị tổn hại từ trước như sâu răng, lộ ngà răng, việc ăn lạnh sẽ gây ra cảm giác ê buốt hoặc làm tình trạng bệnh xấu đi. Ngoài ra, với công bố mới nhất của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, 80% cơ sở sản xuất nước đá không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm mặc dù không trực tiếp ảnh hưởng tới răng nhưng sẽ gây ra các bệnh về tiêu hóa, phổ biến nhất là tiêu chảy.
Người miền Nam bị mất răng nhiều hơn và sớm hơn người miền Trung và miền Bắc
Cũng theo GS.TS Hoàng Tử Hùng, nguyên nhân dẫn đến vấn đề nêu trên là do môi trường tự nhiên, thói quen ăn uống và vệ sinh răng miệng. Cụ thể, nguồn nước ở Đồng bằng sông Cửu Long có ít chất Fluor (Fluor là một vi chất dinh dưỡng tham gia vào các quá trình phát triển răng, tạo ngà răng và men răng). Ngoài ra, người miền Nam có thói quen ăn đường kể cả trong và ngoài bữa ăn. Điều này dễ dẫn đến sâu răng. Người miền Trung và miền Bắc có thói quen uống nước trà sau bữa ăn. Trong khi đó, trà lại chứa rất nhiều chất Fluor. Người miền Nam thì uống trà đá nhưng lượng trà rất loãng. Nguyên nhân khác, một số người chưa có thói quen đánh răng sau mỗi bữa ăn. Số lần đánh răng tùy thuộc vào số bữa ăn, tối thiểu một ngày đánh răng 2 lần. Một lần trước khi đi ngủ và một lần sau khi ăn sáng. Đối với những thức ăn và nước uống có xu hướng ăn mòn men răng (nước ép trái cây, canh chua, nước ngọt đóng) thì không nên đánh răng ngay mà phải đợi ít nhất là 15 phút. |
Món nước yêu thích của các em học sinh sau giờ tan học là đá xay với nước ngọt, trong đó, thành phần chủ yếu là đá - Ảnh: LĐ |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận