Ngược với câu chuyện điều chỉnh lộ giới thông thường là mở rộng đường và các nhà mặt tiền thường bị mất một phần đất của mình, lộ giới đường trước nhà tôi thiết kế lại điều chỉnh theo hướng thu hẹp đường và đất căn nhà được dài thêm 2,75m.
Rắc rối bắt đầu ở phần đất tự nhiên được tăng thêm này. Để được cấp giấy phép xây dựng, chủ nhà được yêu cầu điều chỉnh hồ sơ thiết kế nhà theo hai hướng: hoặc kéo chiều dài nhà thêm 2,75m hoặc “dời” cả ngôi nhà lên 2,75m để đúng theo lộ giới mới và trong cả hai trường hợp chỉ phải đóng thêm tiền đối với phần đất được thêm này.
Câu chuyện nói trên không phải duy nhất, rõ hơn đó chỉ là một trong nhiều trường hợp tôi từng biết trong nghề nghiệp thiết kế của mình. Vấn đề đặt ra là trong trường hợp lộ giới lùi ra khỏi kích thước nhà đất theo sổ hồng, việc bắt buộc người dân phải sử dụng và đóng thêm tiền đối với phần đất “dôi dư” liệu có hợp lý?
Theo cơ quan chức năng, phần diện tích tăng thêm này rất khác nhau đối với các hộ dân, nên việc phải xây đúng lộ giới mới được xem là bắt buộc để dãy phố thẳng hàng, không trồi sụt nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị. Trong khi đó, nhiều người (trong đó có khách hàng của tôi) cho rằng họ chỉ muốn xây nhà theo diện tích cũ và không có nhu cầu sử dụng phần diện tích dôi dư này.
Tôi nghĩ việc xây dựng nhà bằng dãy phố là một trong những yêu cầu chính đáng nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị nói chung, song cũng không thể ép người dân phải trả tiền cho phần đất tăng thêm do thay đổi lộ giới đường. Để hỗ trợ mục đích chỉnh trang đô thị, chính quyền nên có giải pháp hợp lý hơn.
Sở Xây dựng Trà Vinh: Tùy trường hợp cụ thể Trong trường hợp diện tích đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của người dân tăng lên do lộ giới giảm so với lộ giới trước đây, Sở Xây dựng không có thẩm quyền xác định việc chủ hộ có phải thực hiện nghĩa vụ tài chính hay không. Sở Xây dựng hướng dẫn chủ hộ liên hệ với UBND TP để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định trước khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở. Việc chủ hộ có thực hiện nghĩa vụ tài chính hay không sẽ được các cơ quan chuyên môn về đất đai của UBND TP xác định từng trường hợp cụ thể căn cứ theo Luật đất đai và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Trường hợp UBND TP xác nhận không thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất tăng lên, Sở Xây dựng sẽ thực hiện cấp giấy phép cho người dân. Ngược lại, trong trường hợp UBND TP xác nhận phải thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với phần diện tích đất tăng lên thì người dân phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật trước khi nộp hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng nhà ở. Luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn luật sư TP.HCM): Không bắt buộc phải xây nhà sát lộ giới Trong trường hợp trên, khi lộ giới đường được điều chỉnh thu nhỏ thì chủ sử dụng đất được sử dụng phần diện tích đất vừa được điều chỉnh ra khỏi lộ giới. Nếu phần đất này không phải là đất ở (ghi trong giấy chủ quyền), chủ nhà muốn xây nhà thì phải làm thủ tục chuyển mục đích thành đất ở. Nếu phần đất này đã là đất ở thì chủ nhà đương nhiên được cấp giấy phép xây dựng. Quy định hiện hành không buộc chủ nhà phải xây nhà ở vị trí nào, có người muốn để phần đất vừa được đưa ra khỏi lộ giới làm sân, cũng có người muốn xây dựng hết phần đất này. Cơ quan nhà nước không được quyền từ chối cấp giấy phép. MẬU TRƯỜNG - K. YÊN ghi |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận