Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa- Ảnh Hữu Khoa
Ngày 26-1, tuần làm việc thứ 4 phiên xét xử đại án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch HĐQT ngân hàng Xây Dựng - VNCB) và đồng phạm, các luật sư tiếp tục với phần trình bày bài bào chữa dành cho các bị cáo và người liên quan.
Lời khai một phía?
Trước khi có quyền lợi đối kháng lẫn nhau, Phạm Công Danh đã từng có mối quan hệ tốt đẹp với hai đại gia đình đám là ông Trần Quý Thanh (tập đoàn Tân Hiệp Phát) và bà Hứa Thị Phấn (người chuyển nhượng ngân hàng cho Phạm Công Danh).
Ông Trần Quý Thanh và con gái đã cho Danh vay hàng ngàn tỷ đồng và cũng đã gửi hàng ngàn tỷ đồng tại VNCB.
Chính vì vậy, khi vướng vào tù tội, Phạm Công Danh khai đã phải chi 2.700 tỉ đồng tiền lãi suất vượt trần trái quy định cho ông Trần Quý Thanh.
Ở phiên tòa giai đoạn 1 và giai đoạn 2 đang diễn ra, bị cáo Danh nhiều lần bức xúc đề nghị Hội đồng xét xử phải làm rõ và thu hồi số tiền này từ tay của ông Thanh để khắc phục hậu quả của vụ án.
Ngày 26-1, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Trần Quý Thanh tại tòa, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên một lần nữa phủ nhận lời khai nêu trên của bị cáo Danh.
Ông Trần Quý Thanh không nhận lãi ngoài, không nhận lãi suất vượt trần, vì vậy luật sư của bị cáo Danh đề nghị thu hồi khoản tiền này là không có cơ sở. Nếu ông Thanh có nhận các khoản tiền từ đâu đi nữa thì đó cũng là các giao dịch hợp pháp, ngay tình. Không có cơ sở khẳng định các khoản tiền bị cáo Danh trả cho ông Thanh có liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án
Luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên
Trước đó, luật sư của bị cáo Danh cũng đã đề nghị tòa tuyên thu hồi hơn 4.000 tỉ đồng của bà Hứa Thị Phấn để khắc phục hậu quả của vụ án. Theo luật sư, đây là số tiền gốc và lãi mà bị cáo Danh đã chuyển cho bà Phấn, có nguồn gốc từ hành vi vi phạm pháp luật.
Luật sư Trương Quốc Hòe (bào chữa cho bị cáo Danh) còn cho rằng "vì bà Phấn lừa bán ngân hàng cho ông Danh nên mới dẫn đến hậu quả như này hôm nay".
Trong khi đó, luật sư Trương Thị Minh Thơ (bảo vệ cho bà Phấn) cho rằng việc ông Hòe phát biểu như vậy là nhục mạ bà Phấn, xúc phạm đến danh dự của bà. Luật sư Thơ đã đề nghị luật sư Hòe rút lại lời phát biểu này!
Theo luật sư Trương Thị Minh Thơ, việc bị cáo Danh chuyển 3.600 tỉ đồng cho bà Hứa Thị Phấn là theo thỏa thuận giữa hai bên khi chuyển nhượng ngân hàng cho nhau.
Số tiền này được chuyển vào tài khoản của VNCB để tất toán các khoản vay. VNCB là đơn vị thụ hưởng khoản tiền này chứ không phải bà Phấn. Vì vậy, luật sư Thơ cho rằng việc yêu cầu bà Phấn phải trả lại tiền là không có căn cứ.
3 ngân hàng đồng loạt phản đối kiến nghị của Viện kiểm sát
Trong vụ án này, 3 ngân hàng TPBank, Sacombank và BIDV tham gia tố tụng với tư cách là đơn vị có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. 3 ngân hàng đã cho 29 lượt công ty của Phạm Công Danh vay hơn 6.100 tỉ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại 3 ngân hàng.
Khi các công ty không trả được nợ, 3 ngân hàng đã xiết nợ trên tài khoản tiền gửi, gây thất thoát cho VNCB hơn 6.100 tỉ đồng. Ngân hàng Nhà nước đã kết luận việc các ngân hàng cho 29 lượt công ty của Phạm Công Danh vay tiền là có nhiều sai phạm.
Trước đó, khi phát biểu quan điểm luận tội, đại diện viện kiểm sát đã đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi hơn 6.100 tỉ đồng của 3 ngân hàng này để trả lại cho VNCB nhằm khắc phục hậu quả của vụ án.
Trong ngày 26-1, đại diện ủy quyền của 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV đồng loạt phản đối kiến nghị này của đại diện Viện kiểm sát.
"BIDV không có thiệt hại trong vụ án này. BIDV không vi phạm pháp luật nên không có nghĩa vụ phải hoàn trả số tiền cho VNCB" đại diện ủy quyền của BIDV phát biểu trước tòa.
Trong khi đó, đại diện Sacombank cho rằng yêu cầu các ngân hàng phải trả lại tiền cho VNCB là phi lý, không phù hợp với nguyên tắc chịu trách nhiệm trong vụ án hình sự.
Lý do vì các bị cáo là lãnh đạo của VNCB gây ra thiệt hại cho ngân hàng thì phải chịu trách nhiệm.
Ngày 27-1, phiên tòa tiếp tục với phần tranh luận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận