Toàn bộ 10 đoàn tàu metro Nhổn - ga Hà Nội do nhà sản xuất Alstom (Pháp) thiết kế, chế tác đã về depot của dự án - Ảnh: MRB
Trước đó, trong báo cáo gửi Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội cho biết do chậm trễ trong giải phóng mặt bằng và phê duyệt đền bù hỗ trợ cho các hộ dân bị ảnh hưởng phần đi ngầm của dự án đường sắt đô thị (metro) Nhổn - ga Hà Nội nên nhà thầu HGU đã gửi 3 khiếu nại yêu cầu bồi thường với tổng chi phí 114,7 triệu USD (hơn 2.500 tỉ đồng).
Nhà thầu thông báo nếu không thanh toán sẽ khiếu nại lên trọng tài quốc tế. Nhà thầu đã giảm khối lượng công việc trên công trường của gói thầu CP03 - hầm và các ga ngầm, của dự án từ tháng 6-2021 và dừng thi công từ tháng 8-2021.
Ngày 5-11, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) - chủ đầu tư dự án metro Nhổn - ga Hà Nội - cho biết những vướng mắc kéo dài về giải phóng mặt bằng tại vị trí xây dựng các ga ngầm là "điểm nghẽn" làm chậm tiến độ dự án trong suốt nhiều năm qua.
Hiện nay, nhà thầu HGU đang sử dụng quyền khiếu nại tới MRB và yêu cầu bổ sung chi phí với tổng giá trị khoảng 114,7 triệu USD (hơn 2.500 tỉ đồng) do các vướng mắc chủ yếu liên quan đến việc chậm bàn giao mặt bằng.
Theo quy định của hợp đồng FIDIC được áp dụng tại dự án metro Nhổn - ga Hà Nội cũng như thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều có quyền đưa ra các khiếu nại, yêu cầu bồi thường do các vi phạm nghĩa vụ hợp đồng của bên còn lại.
"Đối với khoản tiền bồi thường 114,7 triệu USD nói trên, nhà thầu chỉ mới cung cấp được hồ sơ, tài liệu chứng minh cho một phần khiếu nại với giá trị rất nhỏ (chiếm khoảng 2-3% tổng giá trị nhà thầu khiếu nại). Phần lớn giá trị khiếu nại của nhà thầu chỉ dựa trên các bảng tính sơ bộ, khái toán, thiếu căn cứ pháp lý cũng như các hồ sơ, tài liệu chứng minh cần thiết" - MRB cho biết trong thông cáo phát chiều 5-11.
Do đó, tư vấn Systra (Pháp) của dự án cũng như chủ đầu tư chưa thể đánh giá chính xác cho các khiếu nại để làm cơ sở giải quyết các tranh chấp.
Tư vấn và chủ đầu tư đã có nhiều văn bản hướng dẫn nhà thầu, nhưng cho đến nay nhà thầu chưa thực hiện các yêu cầu này. MRB cho biết đang thực hiện đúng các quy trình để từng bước xử lý các tranh chấp, khiếu nại của nhà thầu.
Theo MRB, với sự vào cuộc quyết liệt từ phía UBND TP Hà Nội, đến nay điểm nghẽn mặt bằng tại nhà 23 Quốc Tử Giám đã được giải quyết; đã phê duyệt chính sách đền bù, hỗ trợ tạm cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi tuyến hầm. Phần mặt bằng thi công tại ga S11 - Văn Miếu dự kiến sẽ bàn giao cho nhà thầu vào tháng 12-2021.
Metro Nhổn - ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó 8,5km đi trên cao, 4km đi ngầm, 8 ga trên cao, 4 ga ngầm, 1 depot. Dự án khởi công ngày 25-9-2010 với mục tiêu cuối năm 2015 hoàn thành, đưa vào sử dụng giai đoạn 1. Do nhiều nguyên nhân khiến dự án chậm trễ, UBND TP Hà Nội điều chỉnh tiến độ khai thác đoạn trên cao vào tháng 4-2021, khai thác toàn tuyến vào cuối năm 2022.
Hiện dự án đã nhập về đủ 10 đoàn tàu và tiến độ tổng thể đạt khoảng 74% (đoạn trên cao đạt 89,5%; đoạn ngầm đạt 32,2%), dự kiến sẽ đưa vào khai thác vận hành đoạn trên cao vào tháng 12-2022. Riêng đoạn ngầm thuộc gói CP 03 xảy ra khiếu nại của nhà thầu tiến độ đạt 33%.
Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án là 783 triệu euro, đến nay điều chỉnh lên 1,176 tỉ euro, trong đó: vốn vay ODA là 957,99 triệu euro từ Chính phủ Pháp, Cơ quan Phát triển Pháp, Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Phát triển châu Á; vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 218,01 triệu euro.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận