Người dân túc trực 24/24 nhằm bày tỏ sự phản đối gay gắt - Ảnh: THANH BA
Vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía người dân, Nhà máy thép Việt Pháp (đóng trên địa bàn khối 7A, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn, Quảng Nam) đành "án binh bất động" gần 3 tháng nay.
Dựng lều, ăn ngủ trước cổng nhà máy
Một tấm băngrôn in đậm dòng chữ "Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội" được người dân khối 7A căng ngang đường dẫn vào cơ sở tinh luyện thép.
Bất chấp nắng nôi, hàng chục người dân vẫn ngồi trong căn lều lụp xụp dựng ngay trước cổng nhà máy. Giữa không gian chật hẹp này, họ trang bị đầy đủ nồi niêu, xoong chảo, bếp gas, mùng mền… nhằm phục vụ cho nhu cầu ăn uống và túc trực giám sát nhà máy 24/24.
Bà Nguyễn Thị Tại (một người dân sinh sống gần nhà máy thép) cho biết từ ngày 6-7, sau khi chặn đoàn xe vận chuyển phế liệu đang trên đường di chuyển vào khu vực lò luyện thép của nhà máy, 550 hộ dân trong khối phố đã sắm sửa bạt dù và dựng lều.
"Sức chịu đựng của bà con tới bây chừ đã vượt quá giới hạn. Việc che bạt túc trực trước cổng nhà máy cả ngày lẫn đêm là hành động thể hiện nỗi bức xúc đến cùng cực của chúng tôi. Hằng ngày, người dân trong khối phố thay phiên nhau ra trực và bằng mọi giá không cho xe tải ra vào nhà máy", bà Tại nói.
Xe vận chuyển phế liệu vào nhà máy luôn bị người dân chặn đứng - Ảnh: THANH BA
Theo người dân, nguyên nhân dẫn đến việc họ cương quyết không chịu tháo dỡ lều dù cán bộ địa phương ra sức vận động là bởi lời hứa gây mất niềm tin của lãnh đạo thị xã.
Cụ thể, cuối năm 2014, tại buổi đối thoại với dân sau vụ việc người dân vây nhà máy thép, lãnh đạo thị xã Điện Bàn đã khẳng định sẽ di dời nhà máy thép vào tháng 6-2017.
"Tới thời điểm giữa năm vừa qua, nhà máy vẫn ngang nhiên hoạt động, thậm chí còn đẩy mạnh sản xuất khiến khói đen bốc mùi hôi cả một vùng trời" - bà Trần Thị Hận (77 tuổi), người bám trụ không sót một ngày trước cổng nhà máy từ lúc dựng lều, bức xúc nói.
Treo băngrôn phản đối hoạt động sản xuất gây ô nhiễm của nhà máy thép - Ảnh: THANH BA
Nhà máy xin một năm, dân nói "một giây cũng không"
Lần gần nhất chính quyền thị xã Điện Bàn tổ chức đối thoại với dân để tìm "tiếng nói chung" là ngày 25-7 vừa qua.
Trước toàn thể đại diện các hộ dân chịu ảnh hưởng ô nhiễm trực tiếp do nhà máy thép "tra tấn", ông Trần Úc (chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn) đã truyền đạt thông báo của phó chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Khánh Toàn.
Thông báo nêu rõ việc di dời phải có thời gian, lộ trình và đồng ý cho nhà máy tiếp tục sản xuất đến trước ngày 31-12-2019.
Nghe đến đây, tất cả người dân đều không đồng tình. Cuối buổi đối thoại, đại diện phía doanh nghiệp tha thiết kêu gọi người dân tạo điều kiện cho nhà máy hoạt động thêm một năm. Đó cũng là lúc người dân thể hiện sự cương quyết bằng những cái lắc đầu ngao ngán và đồng thanh hô to: "Một giây cũng không".
Việc người dân dựng lều túc trực trước cổng nhà máy thời gian qua là một phần hệ quả đến từ các buổi đối thoại cứ "đi vào ngõ cụt".
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 26-9, ông Trần Úc cho biết: "Sau buổi đối thoại ngày 25-7, UBND thị xã đã báo cáo tình hình lên cấp trên để xin ý kiến chỉ đạo.
Hiện tại, khó khăn lớn nhất là phía doanh nghiệp họ yêu cầu phải hỗ trợ 130 tỉ đồng thì mới di dời. Trước mắt, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động bà con tháo dỡ lều trại trong thời gian chờ giải quyết".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận