Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha lên nắm quyền từ năm 2014 - Ảnh: REUTERS
Ngày 10-8, Thủ tướng Prayuth kêu gọi các bên kiềm chế phán xét trong khi chờ tòa án hiến pháp quyết định về thời gian nhiệm kỳ của ông.
"Điều đúng đắn là để vấn đề này được [tòa án] thẩm định theo hiến pháp năm 2017 liên quan đến tư cách của thủ tướng. Xin hãy lắng nghe tòa án. Đừng vội vàng tự giải thích điều lệ mà không có sự hiểu biết đầy đủ", báo Bangkok Post dẫn lời người phát ngôn Thanakorn Wangboonkongchana của Chính phủ Thái Lan nói.
Phản hồi của Chính phủ Thái Lan được đưa ra sau khi có nhiều tranh cãi về thời gian ông Prayuth bắt đầu nhiệm kỳ.
Hiến pháp Thái Lan quy định nhiệm kỳ của thủ tướng không được vượt quá 8 năm. Một số ý kiến cho rằng nhiệm kỳ của Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha nên được tính từ khi ông nắm quyền năm 2014 sau cuộc đảo chính và kết thúc vào năm 2022.
Những ý kiến này dẫn biên bản một cuộc họp năm 2018 của Ủy ban soạn thảo điều lệ hiến pháp 2017 cho rằng nhiệm kỳ của ông Prayuth bao gồm thời gian nắm quyền.
Trong khi số khác cho rằng nhiệm kỳ nên tính từ khi ông chính thức nhậm chức năm 2019 theo điều lệ năm 2017, do đó sẽ kết thúc vào năm 2027.
Tuần trước, các nhà hoạt động đã yêu cầu Ủy ban bầu cử và Văn phòng thanh tra Ombudsman lấy phán quyết từ tòa án hiến pháp về vấn đề này.
"Thủ tướng Prayuth sẽ tôn trọng ý kiến của tòa án hiến pháp bởi vì ông ấy không bao giờ nghĩ mình vượt trên luật pháp. Ông ấy cũng xin mọi người tuân theo luật pháp", người phát ngôn Thanakorn nói.
Mới đây, một khảo sát ý kiến người dân cho thấy 2/3 ý kiến cho rằng ông Prayuth nên rời ghế thủ tướng vào tháng này.
Ông Prayuth lên nắm quyền năm 2014 và tiếp tục lãnh đạo Thái Lan sau cuộc bầu cử năm 2019.
Theo hiến pháp nước này, ông Prayuth phải tổ chức bầu cử trong vòng 10 tháng tới, nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin khi nào cuộc bầu cử sẽ diễn ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận