Ăn kiêng để vết sẹo "đẹp", có đúng?
Theo các bác sĩ Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, nhiều người cho rằng khi bị bỏng phải ăn kiêng thức ăn như: kiêng trứng (sợ sẹo loang), thịt gà (sợ ngứa), thịt bò (sợ sẹo thâm), các loại cá và hải sản (sợ chất tanh lâu lành vết thương).
Tuy nhiên, để điều trị hiệu quả các bệnh nhân bỏng ngoài việc xử trí bước đầu hồi sức chống sốc, chống nhiễm khuẩn bỏng, việc bổ sung dinh dưỡng bệnh nhân rất quan trọng.
Một chế độ dinh dưỡng đảm bảo và khoa học sẽ cung cấp cho cơ thể những chất dinh dưỡng cần thiết để tái tạo mô, nâng cao sức chống đỡ của cơ thể.
Thực tế, theo một nghiên cứu vào năm 2020 tại khoa điều trị bỏng người lớn, Bệnh viện Bỏng quốc gia Lê Hữu Trác, ít nhất trên 60% các bệnh nhân bỏng điều trị tại khoa thực hiện ăn kiêng các loại thức ăn trên, nhưng kết quả tất cả các bệnh nhân đều có di chứng sẹo.
Theo các bác sĩ, gần như 100% bệnh nhân bỏng đều để lại di chứng sẹo như: sẹo loang, sẹo lồi, sẹo lõm, sẹo phì đại, sẹo co kéo,...
Nhưng cho đến nay, chưa có bằng chứng hay nghiên cứu cho thấy rằng thịt bò, thịt gà, trứng có liên quan đến vấn đề gây sẹo.
Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chò - chủ nhiệm bộ môn dinh dưỡng, Bệnh viện Quân y 103, thức ăn không gây biến đổi màu sắc của da sau bỏng, mà là do độ sâu của bỏng quyết định.
Đối với những vùng bỏng nông sau khi hồi phục màu sắc của da dần trở về bình thường. Nhưng ở những vùng bỏng sâu, khi khỏi bỏng thì da thường có màu khác với màu da bình thường.
Ngoài ra, sẹo do cơ địa di truyền của từng người, từng độ tuổi quyết định.
"Việc kiêng các loại thức ăn bổ dưỡng, chỉ ăn một loại thực phẩm như thịt lợn hằng ngày sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy", PGS Chò khẳng định.
Kiêng đủ thứ khiến vết thương lâu lành
Theo PGS Chò, thịt bò, thịt gà, trứng, cá là loại có nguồn đạm tốt. Trong khi đó, chất đạm là nguồn nguyên liệu chủ yếu tạo nên tế bào, tạo hình cơ thể và các phức hợp miễn dịch.
Thiếu đạm thì sẽ giảm tái tạo da và mô mới, dẫn đến vết bỏng lâu liền hơn. Giảm hoạt động của hệ miễn dịch dẫn đến tăng tỉ lệ nhiễm trùng. Tăng thời gian nằm viện, tăng chi phí điều trị, tăng tỉ lệ biến chứng.
Việc kiêng "đủ thứ" có thể dẫn đến hệ lụy gây nên tình trạng chán ăn ở bệnh nhân bỏng. Hầu hết, các bệnh nhân bỏng chỉ dám ăn thịt lợn mà không ăn các loại thức ăn từ gà, bò, hải sản.
Thực đơn này kéo đài có thể gây nên tình trạng chán ăn cho người bệnh. Việc thay đổi đa dạng thức ăn có giá trị dinh dưỡng và giúp ngon miệng hơn, ăn được nhiều hơn.
"Bên cạnh đó, việc ăn kiêng này còn làm trầm trọng hơn tình trạng thiếu hụt nhiều chất dinh dưỡng quan trọng giúp nhanh liền vết thương bỏng.
Khi bị bỏng, hàng rào da bị phá hủy, gây nên tình trạng mất dịch tiết dưới da gồm lượng lớn protein, khoáng chất và vi chất dinh dưỡng, gây hội chứng thiếu hụt cấp tính.
Trong khi đó, mỗi loại thực phẩm có chứa lượng chất dinh dưỡng khác nhau. Nhiều chất dinh dưỡng giúp tổn thương bỏng mau liền lại có nhiều trong thịt bò, thịt gà, trứng, tôm, cá... là những thực phẩm mà bệnh nhân kiêng không ăn.
Bởi vậy, bệnh nhân bỏng cần được cung cấp đầy đủ năng lượng và các chất dinh dưỡng từ khẩu phần ăn, giúp hạn chế tình trạng thiếu dinh dưỡng", PGS Chò nêu rõ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận