Bắt nạt học đường là câu chuyện không mới, thế nhưng tình trạng này xuất hiện ngày càng nhiều và một số cha mẹ vẫn nghĩ rằng đó là chuyện của trẻ con.
Muốn tự sát vì bị bắt nạt
Tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thời điểm gần nghỉ hè, số trẻ bị bắt nạt tới thăm khám do có các triệu chứng rối loạn tâm thần gia tăng.
Mới đây, viện tiếp nhận P.T.D. (học sinh lớp 8 ở Bắc Ninh) đến viện trong tình trạng buồn chán, từng rạch tay tự hủy hoại bản thân và có ý định tự sát.
Theo lời kể của người nhà, D. học giỏi nhưng ít chơi với các bạn ở lớp, chỉ có một vài bạn thân ngoài lớp học.
Khoảng một năm nay, D. có căng thẳng với một nhóm bạn nữ trong lớp. Các bạn hay nói mỉa mai chê bai về ngoại hình, nói xấu D. kiêu chảnh và khinh người, cho rằng D. hay... nhìn đểu.
Nhóm bạn nữ trong lớp thường hay đe dọa, xúc phạm, thỉnh thoảng khi tan học nhóm bạn có chặn D. bên ngoài trường để gây căng thẳng, có lúc D. bị đánh. Nhóm bạn dọa nếu mách giáo viên hoặc bố mẹ sẽ bị đánh nhiều hơn nên D. không dám báo cho gia đình, cô giáo.
D. chia sẻ có lần nói với mẹ về việc gặp một vài vấn đề với bạn trên lớp, nhưng không nói cụ thể bị bắt nạt. Lúc ấy mẹ cho rằng đây là việc trẻ con, tuổi học trò nên nói D. tự giải quyết.
Sau khi bị bắt nạt kéo dài gần 1 năm, D. luôn trong tình trạng lo lắng, căng thẳng và sợ hãi, dễ cáu gắt nổi nóng với người thân, học tập bị giảm sút.
Khoảng 2 tuần trước khi vào viện D. tự ý nghỉ hẳn học ở nhà, chỉ ở trong phòng khóc lóc, có suy nghĩ tiêu cực bi quan, không muốn sống, có ý nghĩ tự sát để giải thoát, có hành vi rạch tay để làm đỡ căng thẳng.
Lúc này, gia đình lo lắng nên đưa con đi khám và được nhập viện.
Bác sĩ Đỗ Thùy Dung, Viện Sức khỏe tâm thần, thông tin D. được chẩn đoán rối loạn trầm cảm nặng, được điều trị nội trú 21 ngày.
Ban đầu, bệnh nhân còn ít tương tác, chia sẻ, đến tuần tiếp theo đã cởi mở hơn, giảm ý tưởng tự sát. Nữ sinh được xuất viện và theo dõi tại nhà, tái khám theo lịch.
Bị bắt nạt, trẻ có thể đối diện với nguy cơ gì?
Theo bác sĩ Nguyễn Hoàng Yến - Viện Sức khỏe tâm thần, hành vi bắt nạt là một vấn đề nghiêm trọng ở trẻ em và thanh thiếu niên trong độ tuổi đi học. Trẻ có thể bị bắt nạt thể chất, bắt nạt bằng lời nói, bắt nạt trên mạng xã hội,…
Trong số các hành vi bắt nạt thì bắt nạt bằng lời nói là phổ biến nhất. Theo các nghiên cứu thông thường, hành vi bắt nạt sẽ bắt đầu bằng bắt nạt bằng lời nói như lan truyền tin đồn, lời nói dối, chế nhạo giọng nói, đưa ra những lời lăng mạ, làm cho ai đó trở thành trò cười... Hành vi này thường sử dụng ở nữ giới.
Bác sĩ Yến dẫn chứng việc bắt nạt có thể gây ảnh hưởng ngay lập tức tới sức khỏe thể chất. Theo Bogart (năm 2014) phát hiện ra rằng những đứa trẻ bị bắt nạt có sức khỏe thể chất kém so với những đứa trẻ không bị bắt nạt.
"Bên cạnh đó, trẻ bị bắt nạt có các yếu tố gây căng thẳng về tâm lý. Trong khi bị bắt nạt kích hoạt hệ thống stress tập trung vào trục vùng dưới đồi tuyến yên thượng thận (HPA). Sự ảnh hưởng của corticoid và các hormon khác trong stress có thể liên quan đến các vấn đề rối loạn giấc ngủ, cảm xúc, chú ý, học tập…", bác sĩ Yến cho hay.
Theo bác sĩ Yến, một số nghiên cứu về mối liên hệ giữa việc tham gia bắt nạt với ý tưởng và hành vi tự tử đã phát hiện ra rằng nguy cơ gia tăng. Tuy nhiên, không có đủ bằng chứng cho đến nay để kết luận rằng bắt nạt là một yếu tố nguyên nhân dẫn đến các vụ tự tử ở thanh thiếu niên.
"Để dự phòng bắt nạt học đường cần có sự phối hợp của gia đình và nhà trường. Bên cạnh đó, cộng đồng cần có các chương trình truyền thông, hợp tác liên ngành trong việc giải quyết bắt nạt học đường. Chương trình bao gồm các đường dây nóng về giáo dục, xử lý các khủng hoảng", bác sĩ Yến khuyến cáo.
Các chuyên gia tâm lý cũng khuyến cáo phụ huynh cần chú ý quan tâm đến trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên. Khi con có những biểu hiện bất thường về tâm lý, buồn chán cần quan tâm và tìm ra nguyên nhân. Nếu trẻ bị bắt nạt cần kết hợp với nhà trường để có cách xử lý kịp thời, tránh để tình trạng kéo dài gây ảnh hưởng đến tâm lý trẻ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận