Công trình Trung Quốc xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP
Công hàm đề ngày gởi là 29-7 được đăng tải trên trang web của Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) thuộc Liên Hiệp Quốc (LHQ) ngày 30-7, cùng ngày với một công hàm khác của Malaysia.
Trung Quốc đã phản pháo lại tất cả các nội dung trong công hàm ngày 23-7 của Úc. Tuy nhiên, Bắc Kinh không nêu ra được điều luật nào của Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS) 1982 trong công hàm ngày 29-7 để chứng minh các yêu sách trên Biển Đông là đúng luật.
"Các hành động sai trái của Úc như bỏ qua các sự kiện cơ bản trong vấn đề Biển Đông, phủ nhận chủ quyền lãnh thổ và quyền lợi hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông đã vi phạm luật pháp quốc tế và các nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế, bao gồm Hiến chương LHQ", công hàm của Bắc Kinh cáo buộc.
Giống như các công hàm trước đó, Trung Quốc tiếp tục ngang nhiên khẳng định chủ quyền đối với "Nam Hải chư đảo", bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam cùng quần đảo Đông Sa và "quần đảo Trung Sa" (thực chất là bãi ngầm Macclesfield với các thực thể chìm hoàn toàn dưới nước).
Yêu sách này được gọi chung là "Tứ Sa" đã bị Úc bác bỏ trong công hàm ngày 23-7 với lý do không phù hợp với UNCLOS 1982.
Úc cũng dẫn ra một loạt các điều khoản khác của công ước để bác bỏ đường cơ sở thẳng do Trung Quốc tự vẽ, kêu gọi Bắc Kinh tuân thủ phán quyết tòa trọng tài quốc tế về Biển Đông.
Đáp trả lại, Bắc Kinh nhấn mạnh yêu sách chủ quyền và các quyền lợi hàng hải liên quan ở Tứ Sa, bao gồm cả đường cơ sở trên Biển Đông là "phù hợp với UNCLOS 1982 và luật quốc tế". Trên cơ sở đó, nước này cho rằng "có quyền tiến hành các hoạt động xây dựng trên các đảo và đá liên quan trên Biển Đông" - ám chỉ các đảo nhân tạo phi pháp.
Về phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS, Trung Quốc tiếp tục phủ nhận tính hợp pháp của tòa án và phán quyết đã bác bỏ quyền lịch sử, yêu sách 9 đoạn của Bắc Kinh trên Biển Đông.
Đây là công hàm và công thư thứ 7 Bắc Kinh gởi lên CLCS để thể hiện quan điểm, theo sau việc Malaysia đơn phương đệ trình yêu sách ranh giới thềm lục địa mở rộng ở Biển Đông tháng 12-2019.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận