09/01/2018 19:18 GMT+7

Bí ẩn vùng đất vàng Đông Nam Á trong kinh Phật

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Sự xuất hiện của một phiến đá ở Campuchia, với những văn tự đến giờ vẫn còn chưa được đọc hết, liệu có đủ vén bức màn bí ẩn về một thành phố El Dorado của châu Á?

Cách đây ngót nghét gần hai chục năm, tại một vùng khỉ ho cò gáy của tỉnh Kampong Speu (Campuchia), một nhóm dân làng trong lúc đào ao trữ nước đã nghe phải âm thanh không hề muốn: tiếng xẻng chạm vào một tảng đá.

Bực bội, họ đào sâu hơn, quyết vứt cái của nợ này đi nhưng nhanh chóng phát hiện ra đó là một phiến đá có những ký tự kỳ lạ. Tò mò, họ tiếp tục đào và phát hiện ra thêm 3 phiến đá nữa trước khi nhận ra đang đào trúng tàn tích của một ngôi đền cổ. Sợ hãi cho rằng đây là ý trời, dân làng ngừng việc đào ao, dựng lều thờ phụng 4 phiến đá.

20 năm trôi qua, việc thờ phụng vẫn tiếp diễn cho nay. Nhưng nhóm dân làng và cả những người ở đó không hề biết rằng 4 phiến đá này có liên quan đến tranh luận về lịch sử, chính trị và tôn giáo kéo dài hàng thế kỷ - vị trí thực sự của Suvarnabhumi, tức "Vùng đất của Vàng" trong kinh Phật.

Bí ẩn vùng đất vàng Đông Nam Á trong kinh Phật - Ảnh 1.

Tranh vẽ tường về Kinh Bổn sanh của Phật giáo - Ảnh chụp màn hình

Campuchia là Suvarnabhumi?

Giới khảo cổ, nghiên cứu và thậm chí cả các chính trị gia từ lâu đã cố gắng xâu chuỗi, ghép những mảnh rời rạc thành một bức tranh hoàn chỉnh về Suvarnabhumi. Phần lớn đều xuất phát từ Kinh Bổn sanh của Phật giáo, nói về tiền kiếp của Đức Phật. 

Số khác đến từ các di chỉ Phật giáo có từ thời Triều Maurya (Đế quốc Khổng tước) của Ashoka - một vị vua sùng đạo Phật và cai quản gần như toàn bộ Ấn Độ vào thế kỷ thứ III trước Công nguyên (TCN).

Một ngày cuối năm 2017, từ gợi ý của một học trò cũ, Tiến sĩ Vong Sotheara - một chuyên gia về lịch sử Đông Nam Á và Campuchia tại Đại học Hoàng gia Campuchia, đã quyết định đi một chuyến đến tỉnh Kampong Speu. 

Dù thời gian đã khiến mọi thứ khác đi, chỉ còn hai phiến đá có thể đọc được (một phiến bị mất cắp, phiến khác bị phai mờ), ông Vong tin rằng mình đã nắm được bằng chứng vững chắc nhất từ trước đến nay về Suvarnabhumi.

Bí ẩn vùng đất vàng Đông Nam Á trong kinh Phật - Ảnh 2.

Một trong những phiến đá với những dòng chữ còn đọc được bên trong chùa Kiri Sdachkong - Ảnh: PP

"Vua Isanavarman vĩ đại tràn đầy dũng cảm và vinh quang. Ông là Vua của tất cả các vị vua, người cai trị Suvarnabhumi cho đến tận biển cả - nơi ranh giới của đất nước, khiến các chư hầu láng giềng phải gập mình tôn kính", đó là những gì mà TS Vong đọc được trên phiến đá được thờ tại chùa Kiri Sdachkong.

Dựa trên những gì có thể đọc, ông Vong cho biết các phiến đá trên thuộc về một ngôi đền cổ do Vrau Elt, một người tự nhận là bầy tôi trung thành của Vua Isanavarman I xây cất.

Những chữ được khắc trên đá là sự kết hợp giữa chữ Sanskrit và Nagari, ca ngợi Vua Isanavarman I, người trị vì vương quốc Chân Lạp từ năm 616 đến năm 633 (có tài liệu ghi năm 637). Kinh đô Ishanapura được xây dựng dưới thời ông ngày nay thường được biết đến với tên gọi Sambor Prei Kuk - quần thể di tích ở tỉnh Kampong Thom, được UNESCO công nhận là Di sản thế giới năm 2007.

Mặc dù chưa nhận được sự đánh giá khách quan, ông Vong tin rằng những gì mà ông đọc được không chỉ trả lời câu hỏi về vị trí của Suvarnabhumi trong Kinh Bổn sanh, mà còn giải mã bí ẩn về tên gọi của Campuchia thời tiền Angkor.

Lập luận Campuchia là một trong những nơi có nền văn minh lâu đời nhất thế giới, đặt câu hỏi tại sao không phiến đá nào được khai quật ở Đông Nam Á nhắc đến Suvarnabhumi nhưng lại có ở Campuchia, cùng những gì đã đọc được khớp với miêu tả Suvarnabhumi nằm trên lục địa trong kinh Phật, vị tiến sĩ này khẳng định Campuchia chính là Suvarnabhumi!

Nói cách khác, theo ông Vong, Suvarnabhumi chính là tên của Campuchia thời tiền Angkor, là một vùng đất nằm dưới sự cai trị của một vị vua Khmer.

Bí ẩn vùng đất vàng Đông Nam Á trong kinh Phật - Ảnh 4.

Tiến sĩ Vong Sotheara tin rằng ông đã tìm thấy El Dorado của châu Á - Ảnh: PP

Lời nguyền

Chúng tôi sẽ không cho họ đem các phiến đá đi đâu hết, nếu họ làm điều đó, tai họa sẽ ập xuống đầu chúng tôi.

Một ngày sau khi TS Vong rời đi, các quan chức Campuchia xuất hiện tại chùa Kiri Sdachkong với ý định di dời 2 phiến đá còn đọc được về Bảo tàng quốc gia. Nhưng người dân địa phương đã ngăn cản vì nỗi sợ đụng chạm vào thần linh và bị trừng phạt.

Sư trụ trì Men Sovann của chùa Kiri Sdachkong giải thích rằng những phiến đá đó có sức mạnh kỳ bí, sẽ giáng tai ương xuống đầu bất cứ người nào muốn đem chúng ra đi nơi khác.

"Người tìm được các phiến đá này cách đây 20 năm đã chết bất đắc kỳ tử chỉ một thời gian ngắn sau khi đào chúng lên. Cách đây vài năm, khi người dân địa phương làm lễ rồi đưa những phiến đá này vào chùa, chúng tôi đã phải hứng chịu một cơn đại hạn ngay sau đó", sư Men kể lại, tin rằng một lời nguyền đã được viết trên đó và bỏ ngoài tai những lời giải thích của TS Vong.

"Nhiều nước trong khu vực tuyên bố mình là Suvarnabhumi, nhưng họ chưa bao giờ có bất kỳ bằng chứng cụ thể để chứng minh điều đó. Bây giờ, chúng tôi đã có nó", ông Prak Sunnara - Tổng giám đốc Cục Di sản của Bộ Văn hoá Campuchia, tự hào khoe bằng chứng có được. 

Vị này xác nhận đã cử cán bộ tới xem xét di dời phiến đá sau khi được TS Vong thông báo về ý nghĩa của chúng.

"Bộ Văn hóa Campuchia đang lo lắng cho sự an nguy của di sản quốc gia này. Chúng tôi lo nó có thể bị đánh cắp một lần nữa", ông Prak nói.

Nhưng Dom Penh, một thợ rèn địa phương, tuyên bố sẽ cùng gia đình liều mạng để bảo vệ phiến đá, khẳng định sẽ không để ai di dời chúng bởi "đó sẽ là tai ương cho người dân ở đây".

Theo luật ở Campuchia, các phiến đá là tài sản của quốc gia và phải được bảo vệ bởi Bộ Văn hóa.

Bí ẩn vùng đất vàng Đông Nam Á trong kinh Phật - Ảnh 6.

Chùa Kiri Sdachkong, cách không xa nơi phát hiện các phiến đá bí ẩn - Ảnh: PP

Tranh cãi

Thực tế, Campuchia không phải là quốc gia duy nhất khẳng định mình chính là "Vùng đất của Vàng".

Tại Thái Lan, chính phủ và các bảo tàng quốc gia đều có những mô tả rõ ràng về vị trí của Suvarnabhumi. Đó là một vương quốc trải ngang theo bờ biển, với trung tâm là U Thong, một thành phố cổ nằm tại tỉnh Suphanburi ngày này. Sân bay quốc tế mới của Bangkok được đặt tên Suvarnabhumi cũng nhằm khẳng định niềm tự hào rằng Thái Lan mới là "Vùng đất của Vàng".

Nhưng tại Myanmar, dựa trên tài liệu được ghi chép bởi các nhà truyền giáo của vua Ashoka, người ta khẳng định Suvarnabhumi chính là Vương quốc Thaton nằm ở khu vực Hạ Miến Điện (Lower Burma) và tồn tại từ năm 300 TCN đến năm 1057.

Vậy còn Sri Lanka và cả những nền văn minh trên các đảo như Sumatra, Borneo những nơi cũng khẳng định họ chính là "Vùng đất của Vàng" trong kinh Phật thì sao?

Bí ẩn vùng đất vàng Đông Nam Á trong kinh Phật - Ảnh 7.

Chùa vàng Shwedagon ở Myanmar. Cả quốc gia này và Thái Lan đều có niềm tự hào mạnh mẽ rằng họ chính là Vùng đất của Vàng trong kinh Phật - Ảnh: REUTERS

Bác bỏ tất cả, TS Vong cho rằng thực chất có nhiều Suvarnabhumi như vậy ở Đông Nam Á là bởi các nước này đã từng là một phần, thậm chí chịu ảnh hưởng của Đế quốc Khmer khi xưa (!?).

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia sử học đã ngay lập tức cho thấy sự nghi ngờ của họ trước các phát hiện ở Campuchia và tuyên bố của ông Vong.

"Việc phát hiện ra phiến đá ở Kamphong Speu là rất quan trọng nhưng vẫn chưa đủ. Ông Vong có thể là chuyên gia giỏi nhất về tiếng Sanskrit và Khmer cổ nhưng tuyên bố của ông ta về việc Campuchia chính là Suvarnabhumi cần được nghiên cứu sâu hơn về cả chính trị, kinh tế và văn hóa", TS Michel Tranet, một nhà nghiên cứu lịch sử Campuchia, nói với tờ Phnom Penh Post.

Tại sao việc xác định và các tranh luận khoa học về vị trí của Suvarnabhumi luôn gây tranh cãi? Vì nó bị thúc đẩy theo cách đầy chủ nghĩa dân tộc

TS Nicolas Revire

TS Nicolas Revire, một chuyên gia về lịch sử Đông Nam Á của Đại học Thammasat ở Thái Lan, nói ông không thể bình luận chi tiết về phiến đá cho tới khi công trình nghiên cứu về nó được công bố khoa học. Vị này cho rằng cần thận trọng trước khi tuyên bố "Suvarnabhumi được cai trị bởi một vị vua Khmer" hay "Suvarnabhumi chính là Campuchia".

Đồng quan điểm với TS Tranet rằng Suvarnabhumi là cái gì đó rộng lớn hơn Đế quốc Khmer, TS Revire cho rằng Suvarnabhumi thực chất là một thuật ngữ được sử dụng bởi các thương nhân Ấn Độ cổ xưa, chỉ về một vùng đất giàu có, nhiều cơ hội ở phía Đông và Nam khi đi giao thương.

"Tôi không cho đó là tên của một quốc gia nào cả. Thực tế chữ Suvarnabhumi là sự kết hợp giữa hai từ suvarna (nghĩa là Vàng) và bhumi (Trái đất)" - TS Arlo Griffiths, chuyên gia về tiếng Sanskrit từ Trường Viễn Đông Bác cổ của Pháp, người đã đọc phiến đá trước cả TS Vong, đưa ra nhận định với báo Phnom Penh Post.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp