Một nhân viên phun thuốc diệt muỗi ở thủ đô Bangkok của Thái Lan - Ảnh: Reuters |
Theo Hãng tin Reuters, những câu hỏi chưa thể lý giải liên quan tới một bí ẩn về virút Zika. Tại sao một loại virút chỉ được đề cập tới trong phần ghi chú rất nhỏ trong những cuốn biên niên về những bệnh lây truyền lại có thể gây ra một cơn chấn động kinh hoàng như vậy tại châu Mỹ?
Vì sao tại châu Phi và châu Á, virút Zika từng tồn tại trong nhiều thập kỷ qua nhưng lại không hề có những báo cáo nào cho biết về các đại dịch lớn cũng như những biến chứng nghiêm trọng (kiểu như đầu nhỏ ở thai nhi) liên quan tới nó?
Giới khoa học thoạt đầu nêu giả thuyết cho rằng chính bởi thời gian tồn tại rất lâu ở châu Phi và châu Á của virút Zika nên đã tạo ra khả năng miễn nhiễm rộng rãi trong cộng đồng.
Hoặc cũng có một khả năng khác là các chủng virút lâu đời hơn của Zika không nguy hiểm như chủng virút Zika mới sau này, loại có liên quan tới đại dịch ở Brazil gây ra hơn 2.100 ca dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh.
Và nay với tình trạng bùng phát dịch bệnh ở Singapore, Thái Lan, Việt Nam và các nước khác ở Đông Nam Á, đã xuất hiện một cách giải thích khác nghiêm trọng hơn: mức độ nguy hiểm của virút Zika thực tế đã tồn tại từ lâu nhưng các biến chứng dị tật liên quan tới hệ thần kinh của thai nhi lại bị bỏ sót trong các báo cáo y tế chính thức vì nhiều lý do khác nhau.
Chưa rõ virút Zika nào gây bệnh đầu nhỏ
Theo các chuyên gia hàng đầu về bệnh lây truyền và giới chức phụ trách y tế công, những câu hỏi này đang thôi thúc nhiều nhóm nghiên cứu tìm lời giải.
Câu trả lời cho vấn đề này cũng đang là vấn đề quan trọng bức thiết với châu Á - châu lục bị ảnh hưởng thứ hai chỉ sau châu Mỹ vì đại dịch Zika.
Thái Lan hiện là nước bị ảnh hưởng nặng nhất vì Zika ở châu Á với hơn 680 ca nhiễm năm nay, tiếp đó là Singapore với hơn 450 ca và Việt Nam với khoảng 60 ca.
Phần lớn người dân ở những nước này đều sống tại những khu vực khá phổ biến các loại dịch bệnh do muỗi truyền.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận có hai lớp phân dòng tổ tiên chính của virút Zika. Dòng thứ nhất có nguồn gốc từ châu Phi, được phát hiện năm 1947 và vẫn chưa tìm thấy ở đâu khác ngoài châu lục này.
Dòng thứ hai ở châu Á bao gồm các chủng virút Zika ghi nhận thấy ở châu Á, Tây Thái Bình Dương, Cộng hòa Cape Verde và đáng chú ý là châu Mỹ, trong đó có Brazil.
Lớp phân dòng Zika ở châu Á được tách bạch lần đầu tiên vào những năm 1960 có trong loài muỗi ở Malaysia. Tuy nhiên một số nghiên cứu cho biết loại virút này đã truyền bệnh cho mọi người ở đó từ những năm 1950. Vào cuối những năm 1970, có bảy ca nhiễm virút Zika tại Indonesia được ghi nhận.
Các chuyên gia y tế bắt đầu ngờ vực về mối liên hệ giữa một trường hợp bị dị tật bẩm sinh với virút Zika trong một dịch bệnh năm 2013 ở vùng Polynesia thuộc Pháp. Khi đó các bác sĩ ghi nhận 8 ca đầu nhỏ và 11 ca khác bị dị tật bào thai.
Năm 2015 khi dịch Zika bùng phát tại Brazil, gây hàng loạt trường hợp trẻ bị đầu nhỏ, nhiều chuyên gia nêu giả thuyết cho rằng dịch bệnh ở Brazil là do một chủng virút Zika ở châu Á đã bị biến đổi nhanh chóng gây ra.
Đáng lo ở châu Á
Giả thuyết đó căn cứ vào việc người ta không thấy có tình trạng nhiễm virút Zika và sinh con đầu nhỏ ở châu Á, nếu căn cứ vào các báo cáo y tế chính thức. Tuy nhiên khi Zika bắt đầu bùng phát tại một số khu vực ở châu Á đầu năm nay, giới nghiên cứu đã cẩn trọng xem xét lại giả thuyết này.
Cho tới nay đã có ít nhất 3 trẻ bị đầu nhỏ ở châu Á nhưng chưa có một khẳng định nào về mối liên hệ với virút Zika được đưa ra. Với 2 trường hợp bị đầu nhỏ ở Thái Lan, giới chức y tế vẫn chưa thể xác định được là các bà mẹ đã nhiễm phải chủng virút Zika "đời cũ" hay một chủng mới hơn từ châu Mỹ.
Tại Việt Nam, các nhà nghiên cứu đang xem xét một ca bị đầu nhỏ thứ ba. Nếu ca này có liên quan tới virút Zika, thì có thể các chủng virút Zika lâu đời hơn cũng có khả năng gây bệnh đầu nhỏ.
Tại châu Phi, giới nghiên cứu đang xem xét việc liệu lớp phân dòng virút Zika ở châu Phi có thể gây bệnh đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh hay không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận