Phóng to |
Những món đồ bị trộm ở Hoài Đức, Hà Nội - Ảnh tư liệu |
Kỳ 1: Bí ẩn ngôi mộ cổ Vân Cát Kỳ 2: Giải mã xác ướp Kỳ 3: Sự trở lại của đức vua Kỳ 4: Thách thức cát bụi Kỳ 5: Bí mật xác ướp hoàng thân vua Gia Long
Trên đường lên Hà Nội để bán đồ đặc biệt này thì gã bất ngờ bị tai nạn chết. Người con tiếc của thay cha đem đi bán lại chết trẻ. Em trai theo bước anh cũng không kịp sống để phá tiếp ngôi mộ nào nữa. Gia đình hoảng sợ tìm thầy giải. Thầy bảo phải dẫn đến ngôi mộ đã trộm rồi phán: “Mộ này đã bị chính người chết tự trấn yểm trước khi qua đời. Gia chủ lỡ phạm lấy gì thì trả lại hết. Không tin cứ đào gần ngôi mộ này sẽ thấy bộ xương một đứa trẻ đã bị trấn yểm âm binh bảo vệ mộ Hán...”.
Huyền thoại vàng
Bao tiết thanh minh đã trôi qua, không thể rõ chuyện đồn đại kinh khủng này thực hư thế nào, nhưng các nhà khảo cổ đều rất ngán ngẩm trước thực trạng phá phách mộ cổ. Thậm chí một thời gian dài trước nó còn rộ lên thành phong trào. Những kẻ trộm mộ ở cùng địa phương tập trung đi thành nhóm và trang bị cả máy rà bom mìn để phát hiện đồ kim loại quý cùng người xưa về thế giới bên kia. Nhiều khi họ đào phải xác ướp, không biết có lấy được gì đáng giá nhưng thi hài người đã mất thì vất vưởng mưa nắng trên đồng.
“Có một lần tôi rời bãi khai quật mộ cổ, ra quán đầu làng uống nước và suýt chết sặc vì buồn cười với lời đồn đại của bà chủ quán về xác ướp. Mặc dù chẳng đủ gan hé tí mắt nhìn vào quan tài, nhưng bà ta vẫn huyên thuyên xác ướp là một nàng công chúa còn xinh đẹp như đang sống. Hoàng gia đã tiếc thương chôn nàng cùng vô số châu báu, vàng bạc trong quan tài mà đến giờ nhiều thanh niên lực lưỡng cũng không khiêng nổi...” - GS Đỗ Văn Ninh kể lại kỷ niệm đời khảo cổ. Chuyện tán như thật. Nhưng chính nó đã trở thành ma lực kích thích những tên trộm mộ xâm hại người chết.
Trước thập niên 1970, huyện Thanh Trì, ngoại thành Hà Nội, từng lan truyền chuyện đồn đại như huyền thoại rằng người Hoa đã trấn yểm vàng chôn trong các ngôi mộ cổ ở linh địa này. Đêm đêm người ta hay thấy những con vịt vàng, lợn vàng ngoi lên mặt đất như muốn tìm đường về cố quốc. Huyền thoại khó tin về mặt khảo cổ này lại hấp dẫn kẻ trộm mộ. Suốt một thời gian dài nhiều ngôi mộ cổ ở đây đã bị lùng sục, đào bới. Đến khi các nhà khảo cổ về khai quật chính xác ba ngôi mộ cổ thời nhà Đường và công khai phát lộ những táng vật không hề có vàng bạc gì, cuộc săn lùng mộ cổ này mới tạm giảm.
Theo GS Ninh, mục đích ban đầu của kẻ trộm mộ thường là những thứ thực dụng chôn theo người đã mất như vàng nén, vòng vàng đeo tay, đeo cổ. Đặc biệt, nhiều người còn tin xác ướp thường được bảo quản bằng cách cho ngậm các viên ngọc quý để chống thối rữa. Tuy nhiên, hầu hết xác ướp mà các nhà khảo cổ khai quật được đều nhẹ nhàng về với tiên tổ mà hành trang chẳng có châu báu gì. Có lẽ một phần do ảnh hưởng sâu đậm của tư tưởng đề cao lối sống thanh đạm của nhà Nho, Phật giáo thời ấy nên người ra đi không mang nặng gì, dù đó là đức vua Lê Dụ Tông hay công hầu, quận chúa như bà Phạm Thị Nguyên Chân, Trịnh Dung...
Săn lùng đồ cổ
Sau này cuộc sống phát triển, đồ cổ cuốn hút được nhiều người vào cuộc chơi. Những kẻ trộm mộ chuyển sang săn lùng đồ cổ tùy táng. GS Ninh kể ông và đồng nghiệp nhiều lần đã phải làm “người đến sau” bọn trộm mộ để cố tìm xem còn nhặt nhạnh, nghiên cứu được gì. Năm 1969, họ đã háo hức khai quật một ngôi mộ cổ khá lớn ở Mạch Tràng, di chỉ thành Cổ Loa, Hà Nội. Ngôi mộ nằm đối diện gò Cột Cờ, vòng thành ngoài Cổ Loa.
Đào bới đến độ sâu 4m và rộng hàng chục mét, họ buồn bã phát hiện mộ cổ đã bị trộm hớt tay trên từ hồi nào. Táng vật bị lấy trộm rất nhiều. Vương vãi dưới lòng đất chỉ còn ít mảnh vỡ vò, hũ, rìu đá... An ủi lớn nhất của nhà khảo cổ là còn một số viên gạch có chữ Hán “Vĩnh Nguyên thập nhất niên trị” (niên hiệu Vĩnh Nguyên năm thứ 11, đó là vua Hán Hòa Đế năm 99 sau Công nguyên). Bí ẩn còn sót lại dưới lòng đất đã giúp họ tạm xác định mộ Hán này rất cổ, niên đại khoảng năm 99 sau Công nguyên hoặc chỉ sau một chút.
Theo GS Ninh, thị trường đồ cổ có nhiều món là đồ tùy táng theo người chết như trống đồng, tiền cổ, binh khí, lưỡi cày cuốc, tượng hình, đồ trang sức, nậm vò... Một số đã trở thành “hàng độc” đang được giới buôn bán đồ cổ săn lùng với giá hàng ngàn, thậm chí hàng trăm ngàn USD.
Từng có tin đồn chỉ một thanh kiếm cổ chôn theo thi hài viên thái thú Nam Hán được rao bán 100.000 USD. Trong vòng quay ma lực của đồng tiền, đồ tùy táng được sang tay. Và mấy người sở hữu sau biết chúng từng an nghỉ hàng trăm, hàng ngàn năm dưới lòng đất với bao nỗi niềm của người chết.
Sự thính nhạy của những kẻ trộm mộ đôi khi làm nhà khảo cổ phải ngạc nhiên. Cuối năm 2009, họ vừa khai quật hai mộ cổ thuộc thời đại đồ đồng tại gò Vườn Chuối, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Tin các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều cổ vật quý như rìu đá, tên đồng, đồ gốm cùng với hai bộ hài cốt của thời kỳ văn hóa Đồng Đậu và Đông Sơn vừa lan truyền thì xuất hiện ngay những kẻ trộm mộ lén lút. Họ đi thành nhóm, có cả máy rà kim loại quần đảo từng centimet vuông trên các hố đào cũ lẫn mới. Hai người đã bị tạm giữ với tang vật trộm mộ được giấu trong bụi cây là một số đồ đá, rìu đồng, mũi tên đồng niên đại từ hàng ngàn năm trước. Chúng đều có giá trị trên thị trường đồ cổ.
Nhiều năm bôn ba Bắc Nam nghiên cứu xác ướp, nhà khảo cổ già Đỗ Đình Truật gặp rất nhiều vụ trộm mộ và cũng thú vị phát hiện đôi mắt nhìn xa của tiền nhân. Nhiều người trước khi qua đời đã dặn dò con cháu nghệ thuật ướp xác mình cũng như cách chống sự xâm hại của kẻ trộm mộ hay người oán thù.
Ngoài lý do tín ngưỡng Phật giáo hay lối sống thanh bần của nho sĩ, sự đề phòng lòng tham hậu thế cũng là lý do để nhẹ hành trang về thế giới bên kia. Cho nên kẻ trộm mộ hiếm khi đào được những thứ thực dụng thèm khát như vàng bạc. Đặc biệt, tiền nhân chủ ý xây dựng quách bằng hợp chất vững chắc cũng rất hiệu quả chống lại kẻ đào mộ. Nếu quách đủ độ cứng dày, một vài người lén lút đào phá ban đêm rất khó có thể xuyên qua nổi mà không bị dân cư gần đó phát hiện vì tiếng ồn.
“Không chỉ kẻ giàu sang, mà quyền lực như vương tướng cũng phải lo nghĩ về nơi yên nghỉ cuối cùng của mình. Âu đó cũng là lẽ trời đất, lịch sử đã chứng minh triều đại nào dù có hưng thịnh đến đâu cũng phải đến hồi suy vong, và lúc đó tránh sao cho khỏi sự báo oán của người thù hay lòng tham hậu thế” - nhà khảo cổ Đỗ Đình Truật trầm ngâm suy tư...
________________________
Đằng sau bí ẩn xác ướp là bí ẩn của chính những nhà khảo cổ chuyên đi đào xác ướp. Phải chăng họ đã phá giải được những lời nguyền trấn yểm từ hàng trăm năm trước?
Kỳ cuối: Những người phá giải lời nguyền
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận