05/11/2021 10:53 GMT+7

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ 5: Bí ẩn rừng thông sơn lăng

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Bước chân vào chốn lăng tẩm mà cứ ngỡ như đang lạc vào khu vườn cổ tích với những rừng thông đẹp mê hồn. Du khách nào đến đây cũng tưởng rừng thông này đã có sẵn từ trước như cái tên Thiên Thọ nghĩa là trời ban cho.

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ 5: Bí ẩn rừng thông sơn lăng - Ảnh 1.

Lăng tẩm Thiên Thọ như một công viên - Ảnh: NGUYỄN PHONG

Hóa ra không phải vậy. Mỗi cây thông ở đây chứa một bí ẩn lịch sử của Thiên Thọ lăng.

Xây lăng và trồng thông

Nhà khảo cứu L.Cadiere cho biết: vua Gia Long và các vị vua kế tiếp đã tạo nên những rừng thông quanh các điện thờ và bao phủ tất cả các những ngọn núi của Thiên Thọ lăng, đem lại vẻ đẹp nguy nga cho toàn cảnh. "Chính vị đại hoàng đế, vào năm 1813, đã cho trồng nhiều cây thông bao quanh lăng mẫu hậu của ngài, và ông Đức Chaigneau đã xác chứng". Michel Đức Chaigneau là một người Pháp sinh ra tại Huế vào năm 1803. Cha ông là Jean Baptiste Chaigneau, một người Pháp thân cận vua Gia Long, có tên Việt là Nguyễn Văn Thắng. Mẹ ông là một người phụ nữ Huế.

Trong cuốn hồi ký Souvenirs de Hué (Hồi ức về Huế) xuất bản tại Paris 1867, M.Đức Chaigneau có mô tả về một rừng thông được trồng bằng giống mang về từ Trung Hoa, tán lá có màu xanh đậm khác với loài thông bản địa ở trên các ngọn núi kế cận, tạo thành một bức tranh toàn cảnh với sắc màu tương phản nhau, và điều này là "có bàn tay sắp đặt".

L.Cadiere xác định rừng thông mà M.Đức Chaigneau mô tả chính là rừng thông bao quanh lăng Thoại Thánh của Hiếu Khang hoàng hậu, tức mẫu hậu của vua Gia Long. Việc này sách chính sử Đại Nam thực lục (ĐNTL) cũng đã chép: vào tháng giêng Nhâm Thân, năm Gia Long thứ 11 (1812), xây lăng hoàng thái hậu ở làng Định Môn, trồng thông khắp các núi. Xem các hình ảnh tư liệu chụp lăng Thiên Thọ thời kỳ mới xây dựng, thấy trên núi cao có những cây thông lưa thưa. Hình ảnh đó cùng với các ghi chép của chính sử triều Nguyễn và mô tả của M.Đức Chaigneau cho thấy rừng núi này vốn có loài thông bản địa mọc trên các núi nhưng không nhiều. Còn rừng thông bao bọc quanh các lăng tẩm thuộc quần thể Thiên Thọ lăng là do vua Gia Long cho trồng, các vua đời sau tiếp tục chăm nom nên mới có những rừng thông bạt ngàn sau này.

Các đời vua nối tiếp nhau trồng thông

Vào năm 1836, vua Minh Mạng đã ban sắc lệnh cho các đội lính hộ lăng: hễ chỗ nào có đất hoang thì phải trồng cây; các loại cây cần trồng là mít, chè, đậu và thông. Hằng năm mỗi người lính phải trồng 60 cây (mít, chè, hoặc thông). Năm sau, cứ 5 lính thì rút ra 1 người để lo việc chăm sóc, cây nào khô héo thì phải trồng bổ sung ngay. Cứ hạn 3 năm là phải trồng được hàng vạn cây, rồi trồng lại đợt khác. Việc trồng cây này đã ghi vào sách "Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ", là điển lệ của triều đình nên các đời vua về sau luôn thực hiện. Đặc biệt, việc trồng và bảo vệ cây thông ở lăng Gia Long được thực hiện thường xuyên và nghiêm cẩn nhất dưới thời Minh Mạng.

Sách ĐNTL chép rằng vào mùa hạ năm Minh Mệnh thứ 4 (1823), phía ngoài cột gạch mốc giới của sơn lăng (lăng vua Gia Long) phát hỏa, lửa cháy lan đến chân núi Ngọc Đường (trong 42 ngọn thuộc quần sơn Thiên Thọ), vài trăm cây thông bị sém vàng. Quan chánh giám sơn lăng sứ (cai quản lăng vua) vì phòng giữ không cẩn thận bị giáng 3 cấp và đánh 40 roi; chánh đội trưởng bị đóng gông, phạt trượng, cách chức nhưng cho lưu lại để lập công chuộc tội. Vài tháng sau, cây thông xanh tốt trở lại, vua phục hồi chức vụ cho các quan hộ lăng. Tiết Thanh minh hằng năm, vua lên viếng lăng Thiên Thọ, đi xem hoa cỏ cây cối, thấy xanh tốt thì thưởng lớn cho các quan và lính hộ lăng. Vua căn dặn: phàm trong và ngoài lăng phải giữ cho sạch sẽ, cây cối cần xanh tốt. Nếu làm không đúng thì nghiêm trị.

Tháng 3 Ất Dậu, Hàm Nghi năm thứ nhất (1885), thông ở núi Thiên Thọ bị sét đánh nảy lửa. Đó cũng là năm đau thương của triều đình Nguyễn, kinh đô thất thủ, máu chảy đầu rơi khắp kinh thành. Những năm từ cuối đời Tự Đức đến hết đời Duy Tân, do triều chính rối ren nên việc chăm giữ cây cối ở Thiên Thọ lăng có phần lơi lỏng. Đã có người vào đốn trộm thông ở các sơn lăng khiến vua Khải Định phải ban ngay lệnh cấm vào tháng 12 Bính Thìn 1916. Đến tháng 3 năm sau Đinh Tỵ 1917, vua Khải Định lại định ra điều lệ giữ gìn cây thông ở các tôn lăng với quy định rất cụ thể. Tháng 9 năm đó, vua Khải Định lại ban định lệ, buộc quan và lính hộ lăng phải lo thêm việc trồng thông.

Tháng 2-1939, vua Bảo Đại ban sắc lệnh về vùng "cấm địa" ở các sơn lăng. Trong đó, vùng "nội cấm" là nơi tọa lạc lăng mộ, đặt dưới sự giám sát trực tiếp bộ Lễ. Vùng "ngoại cấm" bao gồm vùng đất quanh các sơn lăng, duy trì và trồng rừng thành khu bảo tồn, giao cho đơn vị lâm nghiệp thực hiện. Nghiêm cấm đào hầm mỏ, đốt lửa, đào giếng, chặt thông. Nhờ quy định nghiêm ngặt này nên rừng thông lăng Thiên Thọ phát triển rộng ra khắp rừng núi chung quanh. Lúc này diện tích của lăng Thiên Thọ rộng đến 2.875 mẫu tây (ha), tương đương hơn 28km2, rộng gấp hơn năm lần Kinh thành Huế.

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ lăng - Kỳ 5: Bí ẩn rừng thông sơn lăng - Ảnh 2.

Các công trình của lăng Thiên Thọ đều ẩn mình dưới rừng thông - Ảnh: NGUYỄN PHONG

Khúc giao hưởng thinh lặng của rừng thông

"Cái gì đập mạnh vào tâm trí nhất, ấy là im lặng của những rừng thông và sự yên tĩnh lạ lùng của những nơi lăng tẩm hoàng đế". Đó là cảm tưởng của một kiến trúc sư nổi tiếng người Pháp đến du ngoạn Thiên Thọ lăng vào năm 1893. Kiến trúc sư Charles Lichtenfelder là chánh Sở Kiến trúc trung ương, tác giả thiết kế công trình dinh Toàn quyền Đông Dương nay là Phủ Chủ tịch ở Hà Nội. Không phải là các công trình tẩm điện, lăng mộ mà chính là những rừng thông đã gây ấn tượng mạnh mẽ cho ông kiến trúc sư ấy. Linh mục L.Cadiere kể lại tour du ngoạn lăng Gia Long hồi thập niên 1920, vào đêm có trăng "người ta đi dạo chơi trong các rừng thông mà những thân cây cao lớn nổi bật mạnh mẽ trên màu đen của tán lá", cùng với hình ảnh của lăng tẩm tạo nên một cảnh tượng thật huyền ảo.

Ông Bùi Ngọc Tuấn, một vị cao niên của làng Định Môn, cùng chúng tôi đi vào khu rừng thông. Đất này vốn là ruộng nương của dân làng Định Môn, thật không ngờ đã thành "vạn niên cát địa" của bậc đế vương. Ông Tuấn cho biết khi ông lớn lên đã thấy rừng thông bao phủ quanh lăng. Con đường dẫn vào lăng đi dưới rừng thông già cổ, đường nhỏ mà đẹp hơn bây giờ. Phía năm ngọn núi của Thiên Thọ sơn thì cây rừng mọc rậm rạp. Thời chiến tranh, quân đội Mỹ đã rải chất khai quang trên núi, cùng với bom đạn bắn phá ác liệt nên rừng thông hư hại nặng nề. Hòa bình lập lại, lăng mộ hoang tàn nhưng thông thì tái sinh rất nhanh. Một thời gian sau, cơ quan bảo tồn di tích cho trồng thêm thông. Chẳng mấy chốc rừng thông lại xanh tươi phủ kín bốn phía.

Ngày nay, tôi nhìn về năm ngọn núi Thiên Thọ - tiền án của lăng. Ở đó, bây giờ chỉ còn lác đác vài cây thông. Rừng cây rậm rạp nhưng là rừng cây keo, dân làng trồng để bán cho nhà máy dăm gỗ. Đến kỳ khai thác, rừng keo bị đốn trụi. Cảnh quan của "khu vườn ngự" ở chốn Thiên Thọ sơn trở nên trơ trọi. Nguồn nước bao bọc quanh lăng cũng không còn đầy ắp quanh năm như ngày trước. Điều gì sẽ xảy ra nếu hệ thống nước ở đây bị ách tắc? Đó là câu chuyện trong kỳ sau của thiên ký sự này.

"Người ta đã trồng đầy thông ở xung quanh các khu lăng mộ. Cảnh đẹp của thiên nhiên với sự phối hợp của đồi núi, sông Hương và cây trồng, không đơn giản chỉ nói lên sự "nên thơ", mà ở đó chúng ta còn nhìn thấy vấn đề tư tưởng... Cây thông mang ý nghĩa tượng trưng cho sự trong sáng, ngay thẳng, trường thọ, sự chịu đựng với phong ba. Nhưng ở đây nó còn mang ý nghĩa thanh tao, thoát tục. Đó là vấn đề tư tưởng, là một đối trọng của cuộc đời mà các vua triều Nguyễn như cần phải có".

Phan Hương Thủy - tạp chí Sông Hương tháng 6-1986.

-----------------------------

Nghiên cứu hệ thống thủy lợi của Thiên Thọ lăng, các chuyên gia đến từ Nhật Bản phải ngạc nhiên. Nghệ thuật điều khiển dòng nước của người xưa ở lăng Gia Long là thế nào?

Kỳ cuối: Giải mật dòng nước trong lăng tẩm

Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ Lăng - Kỳ 4: Số phận lao đao của nhà địa lý tìm huyệt mộ Bí ẩn nghìn thu Thiên Thọ Lăng - Kỳ 4: Số phận lao đao của nhà địa lý tìm huyệt mộ

TTO - Người xưa nói thầy địa lý tìm huyệt mộ cho các bậc đế vương là nắm được bí mật của vua chúa và "thiên cơ", nên số phận không tránh khỏi gian truân.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp