28/11/2023 10:56 GMT+7

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định kỳ 4: Nỗi niềm cung oán của tứ giai Du Tần

Là người hiếm hoi rời cung từ rất sớm, tứ giai Du Tần Võ Thị Dung vốn giỏi giang nữ công gia chánh và tham gia nhiều hoạt động xã hội. Song, ẩn sâu trong vẻ bề ngoài phong lưu là những nỗi niềm biết tỏ cùng ai...

Bà Du Tần Võ Thị Dung, người đeo kiềng đứng sau vai phải của Khôn Nghi Xương Đức Thái hoàng thái hậu (bà nội vua Bảo Đại, còn gọi là đức Tiên Cung, tục danh Dương Thị Thục, ngồi). Ảnh đăng kèm bài viết về vua Bảo Đại chuẩn bị chuyến Bắc hành, đăng trong Tập san Le Journal Hebdomadaire, 1933. Chuyến đi này có bà Tân Du theo đoàn, sau đó bà xin rời hoàng cung - Ảnh tư liệu

Bà Du Tần Võ Thị Dung, người đeo kiềng đứng sau vai phải của Khôn Nghi Xương Đức Thái hoàng thái hậu (bà nội vua Bảo Đại, còn gọi là đức Tiên Cung, tục danh Dương Thị Thục, ngồi). Ảnh đăng kèm bài viết về vua Bảo Đại chuẩn bị chuyến Bắc hành, đăng trong Tập san Le Journal Hebdomadaire, 1933. Chuyến đi này có bà Tân Du theo đoàn, sau đó bà xin rời hoàng cung - Ảnh tư liệu

Thỉnh an vua rồi về, chứ chẳng có chuyện vợ chồng

Tháng 8 năm Khải Định thứ 4 (1919), quan đại thần Võ Liêm dâng sớ tiến con gái Võ Thị Dung (1902 - 1987) vào cung.

Vua phong làm tứ giai Du Tần, sau này thường gọi là bà Tân Du (vẫn viết là Tần nhưng đọc là Tân vì kỵ húy tự danh của Hiền vương Nguyễn Phúc Tần). Vua phê:

"Võ Thị Dung là ái nữ của quan đại thần được tiến sung vào cung đình, trẫm xem tư cách tính tình rất nền nếp gia giáo, đáng được ban ân mệnh cho có cấp bậc, để thị càng thêm tận tâm hầu phụng lưỡng cung. Truyền tấn phong làm tứ giai Du Tần. Truyền Hữu ty chiếu lệ tuân hành" (*).

Cô Phan Như Liên (TP.HCM), cháu gọi bà Võ Thị Dung bằng bà dì, kể theo ký ức gia đình: "Năm 12 tuổi, bà đã bắt đầu tập dượt mọi thứ để tiến cung. Bà giỏi chữ nghĩa, rất nhiều tài cầm, kỳ, thi, họa, bà sống trong khuôn khổ, mực thước quen rồi!".

Còn cô Nguyễn Phước Túy Hà (TP.HCM), người cháu từng nhiều lần gần gũi với bà, kể:

"Tôi hỏi "Bà ơi, suốt ngày mấy bà ở trong cung rứa thì làm cái chi? Mấy bà ở với nhau có khi mô giận nhau không?".

Bà trả lời nhẹ nhàng rằng "Thì người mô thích cái chi thì làm cái đó". Tôi hỏi gặp chồng thì gặp khi mô?".

Bà nói là mỗi sáng, mỗi bà được cử vô, chào vua, và luôn nói: "Chúng tôi thỉnh an ngài". Người mô cũng phải nói câu nớ. Sau đó ông vua nói dăm ba chuyện. Có khi vua hỏi: "Khi hôm mấy bà làm cái chi bên mà vui rứa?". Xong thì đi về!"...

Khoảng đầu thập niên 1930, sau ba năm cư tang phu quân, bà Tân Du thường theo đoàn cùng vua Bảo Đại, hoàng hậu Nam Phương vào Nam, ra Bắc.

Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, bà quyết định và xin xuất cung từ rất sớm, không cần nhận bổng lệ hằng tháng của triều đình. Về điều này, một người cháu gọi bà bằng cô ruột là Võ Tá Băng Thanh cho biết:

"Vua mất rồi, sau ít lâu người ta cho các bà phi được ra khỏi cung với một số tiền kha khá. Cô tôi tậu được một ngôi nhà khang trang tọa lạc trong một khu vườn trồng toàn cau". Hồi đó, với những bí quyết, tuyệt kỹ nữ công gia chánh, bà Tân Du thường được các hội đoàn đương thời mời dạy ở Hà Nội, Sài Gòn và rất nhiều nơi.

Tuyệt phẩm hoa bằng đu đủ

Bà Tân Du nhiều chữ nghĩa, giàu thơ phú, đàn giỏi, ca hay, vô cùng khéo tay trong các ngón nữ công tỉa tót trái đu đủ làm cây cỏ, hoa trái. Cô Phan Như Liên cho biết: "Bà có biệt tài tỉa hoa tỉa cây, cực kỳ đẹp và sống động.

Hồi đó bà tới nhà, mẹ tôi mua về cả xe đu đủ cho bà tỉa. Bà cũng bắt tôi tập tỉa, nhưng tôi đụng đâu gãy đó nên thôi. Hồi đó tôi khoảng 12 tuổi, bà kêu tôi học đàn tranh. Bà đưa tôi đeo cái móng vô, bảo: "Gảy đi con, gảy đi con". Tôi không có năng khiếu nên cứ trốn bà".

Từng nhiều lần được bà hướng dẫn, truyền đạt cách tỉa hoa bằng đu đủ, cô Túy Hà kể: "Từ những trái đu đủ xanh, bà tôi làm ra đủ các loại hoa trong vườn thượng uyển. Về sau này Tết ở nhà bà khi nào cũng có quả mứt đu đủ rực rỡ nhiều loại hoa.

Trắng muốt, nhỏ xinh là hoa ngọc lan, ngọc anh, hoa lài, làm thành từng chùm là hoa bưởi, hoa lý, cánh cúp vô hơi uốn cong là hoa hải đường, các cánh tỉa xéo nhau là hoa hồng, hoa cẩm chướng.

Tùy theo mỗi trái đu đủ mà bà tỉa loại hoa cho phù hợp: hoa sen, hoa đại đóa thường làm ở phần cuống quả; giữa thân đu đủ thì làm hoa hồng, hoa cẩm chướng... bàn tay ngón nhỏ của bà đưa mũi dao thật khéo léo khiến các cánh hoa có dáng thật mượt mà...

Lúc làm ra đóa hoa mứt đu đủ mới là lúc vất vả, phải làm nước đường như thế nào, nhúng làm sao để đu đủ vẫn giữ nguyên đóa hoa trong vắt thấy được cả vân gân đu đủ xanh"...

Thời chính quyền Sài Gòn, bà Tân Du sống khá phong lưu, một phần nhờ trợ cấp và được tạo điều kiện dạy nữ công gia chánh.

Bà sống trong một căn gác của một biệt thự trên đường Nguyễn Văn Đậu. Những dịp hội chợ phụ nữ hay lễ Tết, các tổ chức xã hội, đặc biệt là các phu nhân cấp cao thường đặt bà làm những lẵng hoa tỉa tót bằng đu đủ công phu và được trả thù lao khá lớn.

Sau năm 1975, bà sống cô độc, khá chật vật, thiếu thốn nhiều thứ. Cô Phan Thanh Hảo (Hà Nội), gọi bà Tân Du bằng bà dì, kể khi đến thăm bà ở TP.HCM, chứng kiến bà làm bánh trái, làm mứt chuối hay phơi chuối khô kiếm tiền đắp đổi qua ngày...

Cây đàn tranh của bà Tân Du hiện được người cháu Phan Thanh Hảo, ở Hà Nội giữ làm kỷ niệm. Ảnh: PHAN THANH HẢO

Cây đàn tranh của bà Tân Du hiện được người cháu Phan Thanh Hảo, ở Hà Nội giữ làm kỷ niệm. Ảnh: PHAN THANH HẢO

Bà mất tại TP.HCM năm 1987, sau hỏa táng, di cốt được thờ ở chùa Vạn Phước (quận 11) cùng với nhiều người thân ruột trong gia đình.

Cay đắng nỗi niềm

Khu thờ họ Võ của bà Tân Du ở làng Thần Phù, Thừa Thiên Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Khu thờ họ Võ của bà Tân Du ở làng Thần Phù, Thừa Thiên Huế - Ảnh: THÁI LỘC

Nửa cuối thập niên 1960, bà Tân Du thường xuyên ghé ở chơi nhà người cháu Võ Thị Phi tại quận 1, TP.HCM, có khi cả tháng. Cô bé Phan Như Liên là con gái lớn trong nhà, khi ấy hơn 10 tuổi, khá gần gũi với bà. Có lẽ sự cô độc dài ngày, cho nên bà cũng toát mối tâm sự cả với một đứa trẻ.

"Bà thường đọc cho tôi nghe Cung oán ngâm khúc của Nguyễn Gia Thiều, đọc đi đọc lại, đọc cả trăm lần. Bà thuộc làu. Bà đọc hoài, đọc tôi nghe nhiều đến độ, hồi 11 - 12 tuổi tôi đã thuộc rất nhiều đoạn dài trong truyện thơ này.

Từ hồi đó tôi đã cảm nhận được Cung oán ngâm khúc chính là tâm sự của bà rồi nên cũng chịu khó nghe bà đọc.

Sau khi lớn lên thì tôi mới hiểu, tâm sự của bà chất chứa trong đó. Thỉnh thoảng bà chia sẻ câu chuyện với tôi, và lần nào cũng toát lên một nỗi gì đó rất cô đơn, rất buồn bã", dừng kể cô Liên lẩm nhẩm mấy đoạn truyện thơ trong một nỗi buồn mênh mông...

Năm 1978, cụ Vương Hồng Sển may mắn được gặp mặt và dùng bữa cùng bà Tân Du ở nhà một người quen trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM.

Lần ấy, cụ Vương vừa được bà kể về đời sống trong cung, được nghe một số câu chuyện, kể cả chuyện tế nhị; đặc biệt được vợ vua gảy đàn cho nghe.

Cụ Vương kể lại: "Khi vào bàn, bà dùng bữa hết sức thật tình và không kiểu cách. Lúc bà bác sĩ chủ nhà thốt ra câu rằng, các bà cũ của tiên đế vẫn còn tân, bà hơi ngượng rồi vẫn gắp thức ăn và đàm đạo lại như cũ.

Tiệc mãn, chủ nhà lấy cây đàn tranh ra, bà đàn cho nghe bản Nam Bình, "nước non ngàn dặm ra đi..." đêm đã khuya, cây đàn thật kêu rõ tiếng, tôi ngồi nghe bất giác một luồng gió lạnh làm cho tôi nổi da gà, thầm nghĩ phải tam sanh hữu hạnh hôm nay mới thưởng thức tiếng tranh của một bà giai phi tiền triều, diễm phúc này không phải ai cũng có".

Chùa Vạn Phước, Q.11, TP.HCM, nơi thờ tro cốt của bà Tân Du và thân tộc - Ảnh: THÁI LỘC4. Cây đàn tranh của bà Tân Du hiện được người cháu Phan Thanh Hảo, ở Hà Nội giữ làm kỷ niệm. Ảnh: PHAN THANH HẢO

Chùa Vạn Phước, Q.11, TP.HCM, nơi thờ tro cốt của bà Tân Du và thân tộc - Ảnh: THÁI LỘC4. Cây đàn tranh của bà Tân Du hiện được người cháu Phan Thanh Hảo, ở Hà Nội giữ làm kỷ niệm. Ảnh: PHAN THANH HẢO

------------------

(*) Sách Đại Nam thực lục ghi tên bà là Võ Thị Dung. Nhưng hồ sơ lưu và khắc trên tro cốt thờ ở chùa Vạn Phước (quận 11, TP.HCM) ghi là Võ Thị Tám. "Võ Tá bản phái phả đồ" ghi bà tên "Võ Thị Nhơn (tức Võ Thị Tám), thường gọi bà Tân". Theo gia phả này, Võ Thị Dung là chị đầu của bà (1891 - 1969).

"Hồi đó bà kể chuyện chi đó trong cung cấm mà tôi không còn nhớ cụ thể, sau cùng bà vuốt đầu tôi và buông câu: "Bà Ân Phi điên rồi. Điên rồi!".

Bà nói mà tôi nghe như một tiếng thở dài, cái ngữ điệu cực kỳ tuyệt vọng. Tiếng thở dài về cuộc đời của bà Ân Phi cũng chính là cuộc đời của bà", cô Phan Như Liên kể chuyện về bà dì, cựu tứ giai Du Tần Võ Thị Dung.

-------------------

"Đệ ngũ giai phi, tôi từng được bác sĩ Nguyễn Duy Hà đưa đến nhà... xin yết kiến, bà để hai đứa tôi chờ gần một giờ đồng hồ vì còn hương xông xạ ướp nhung, khi thoát màn bước ra quả đúng vừa giai vừa tân, tươi nheo nhẻo, tiếc cho Khải Định không hưởng tận đóa hoa như vầy!".

Kỳ tới: Thực tế đau xót của mỹ nhân hậu cung

Bí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 3: Từ người giúp việc đến bậc mẫu nghiBí ẩn mỹ nhân nội cung vua Khải Định - Kỳ 3: Từ người giúp việc đến bậc mẫu nghi

Từ một người giúp việc, một người phụ nữ đã thăng tiến lên ngôi cao nhất và làm chủ hậu cung, được đánh giá xứng đáng là bậc mẫu nghi.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp