Khi BHXH VN cho phép những đối tượng tham gia BHYT khám chữa bệnh vào thứ 7, chủ nhật đã đem lại niềm vui cho nhiều người vì quyền lợi của người tham gia BHYT đã được quan tâm hơn. Niềm vui chưa trọn thì việc áp dụng công văn số 3845/ BHXH - GĐYT kể từ ngày 15/11/2007 đã gây ngỡ ngàng trong dư luận.
Điều đáng quan tâm ở công văn này là không thanh toán phí BHXH cho những người đi khám bệnh vào thứ 7, chủ nhật mà không phải bệnh cấp cứu. Như vậy mục đích công văn này là hạn chế số lượt người đi khám chữa bệnh, mà đối tượng chủ yếu ở đây là những người tham gia BHYT bắt buộc vì những lý do sau:
- Những đối tượng BHYT bắt buộc khó có thể đi khám chữa bệnh vào giờ hành chính từ thứ 2 đến thứ 6 nếu không phải là bệnh cấp cứu vì họ phải lao động để bảo đảm kinh tế gia đình.
- Nếu đi khám bệnh vào buổi tối thì sẽ có một số xét nghiệm cần thiết không thực hiện được như đường huyết, mỡ trong máu...
- Trong trường hợp có bệnh cấp cứu phải đi khám vào thứ 7, chủ nhật, sau đó thanh toán phí BHYT cũng lắm nhiêu khê. Để được thanh toán họ phải đi vào giờ hành chính và đôi khi số tiền thanh toán không bằng 1 buổi nghỉ việc, nên thường họ tự bỏ tiền túi ra để chi trả phí, mà lẽ ra họ không phải trả.
Công văn này còn ảnh hưởng đến quyền lợi của những người tham gia BHYT tự nguyện và đối tượng học sinh. Đối với BHYT tự nguyện thì những người tham gia là người già ,người nghèo, người mắc bệnh mạn tính. Những ngày thứ 2 đến thứ 6 họ phải làm những việc như nội trợ, giữ trẻ... còn đối với học sinh còn khó khăn hơn, muốn khám chữa bệnh phải nghỉ học và cần có người thân đi kèm nên cũng thường chọn đi khám vào thứ 7, chủ nhật.
Tóm lại, việc ban hành công văn trên đã ảnh hưởng nhiều đối tượng BHYT, trong đó chủ yếu là đối tượng BHYT bắt buộc, nó được xem như là bước thụt lùi trong việc mở rộng quyền lợi người tham gia BHYT .
Không rõ khi ban hành công văn này, những người làm công tác quản lý có nghĩ đến những ảnh hưởng của nó đối với quyền lợi của người tham gia BHYT hay không, hay chỉ nghĩ đến đó là giải pháp cân bằng quỹ bảo hiểm tốt nhất? Một giải pháp mà ai cũng có thể nghĩ ra nhằm "một mặt thu phí BHYT đầy đủ, một mặt hạn chế người đóng phí bảo hiểm đi khám chữa bệnh" để chắc chắn quỹ sẽ dư.
Với cương vị là người làm công tác trong ngành y tế, tôi xin kiến nghị BHXH VN cần xem xét thấu đáo công văn này để quyền lợi người tham gia BHYT được quan tâm đúng mực hơn, có như thế việc bảo hiểm y tế toàn dân trong tương lai mới thành hiện thực.
Tôi cũng là bệnh nhân mắc một trong 10 bệnh mà y học bó tay: bệnh suyễn. Trước đây khi đi khám tại nơi mình đăng ký thì BS chẳng cần khám đã viết giấy chuyển. Thời gian sau lại quy định chỉ cần 1 lần có giấy chuyển viện là có thể sử dụng đến hết năm. Nay lại thay đổi mỗi lần khám phải có giấy chuyển.
Nhưng việc xin giấy chuyển đâu phải muốn là được. BS thông báo họ không có quyền viết giấy chuyển vì hiện tại BV đã có BS khám bệnh này .
Là một bệnh nhân khám ngoại trú hơn 5 năm tại BV Phạm Ngọc Thạch (do nơi khám chữa bệnh ban đầu chuyển) nay không thể có giấy chuyển nên tôi không thể tiếp tục điều trị tại BV này. Bệnh suyễn của tôi hiện đang được điều trị với loại thuốc không thể bỏ ngang, vậy mà nơi khám ban đầu chỉ khám cho có và cấp thuốc đơn giản, những người như tôi đành phải chấp nhận lấy thuốc được cấp phát rồi vứt đi và bỏ tiền mua thuốc đúng như mình đang điều trị bấy lâu.
Khi bệnh trở nặng, gia đình vội đưa tôi vào BV gần nhà để khám nhưng quên mất một điều lúc đó đang vào giờ hành chính nên nhân viên BV nói thẳng là không được hưởng BHYT. Họ cho rằng tôi vẫn còn... nói được thì nên đến nơi khám chữa bệnh ban đầu. Lẽ nào họ không biết bệnh của tôi nguy hiểm đến tính mạng?
Tôi buộc lòng phải ra ngoài BV rồi gọi một xe taxi cho họ tiền chở thẳng vào chính BV đó - một thao tác là thay từ "KHÁM" bằng từ "CẤP CỨU" - thế là được điều trị tích cực có BHYT. Lần đó, BS bắt buộc nhập viện và phải nằm viện hơn 1 tháng. Vậy BHYT có thấy còn nhiều bất cập cho những người đã bỏ tiền mua BHYT rồi bị hành như vậy không?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận