Công Hậu và Minh Đan cùng mô hình bếp củi của mình - Ảnh: NVCC |
Ngoài ra, sản phẩm này cũng giúp tiết kiệm 45% nguyên liệu, 40% thời gian đun nấu.
Công Hậu cho biết ý tưởng này bắt nguồn từ bếp củi ở quê của mẹ: “Ở các miền quê việc nấu nướng vẫn sử dụng bếp củi phần nhiều vì họ muốn tiết kiệm chi phí. Gia đình mình dùng bếp củi hằng ngày, mỗi lần về nhà thấy mẹ nấu nướng khói bụi mù mịt, ảnh hưởng đến sức khỏe nên nảy ra ý tưởng cải tiến”.
Bếp có năm bộ phận chính. Mặt bếp được làm từ tấm sắt với độ dày 3mm, trên mặt đặt miệng bếp với bán kính 6cm được thiết kế một chân bếp di động bằng inox. Khi không nấu ăn, người sử dụng có thể tháo gỡ chân bếp và tận dụng nhiệt tỏa ra từ buồng cháy để nướng thức ăn.
Bên cạnh buồng đốt được làm bằng thép, bên ngoài là một ống hình chữ nhật, bên trong là hình ống trụ tròn cách nhau một khoảng 10mm, được lấp đầy bằng hỗn hợp đất sét trộn hạt xốp để cách nhiệt.
Minh Đan cho biết: “Khi bếp được đốt lên, đất sét nung nóng và các hạt xốp bắt đầu teo lại tạo thành các lỗ trống, từ đó cách nhiệt sẽ hiệu quả hơn”.
Công Hậu cho biết buồng đốt cao 20cm sẽ tạo thành một khoảng không khuếch đại, hút gió từ ngoài vào nên lửa dễ cháy mạnh hơn, không bị mất nhiệt vì yếu tố bên ngoài. Bên cạnh đó khi đốt củi, muội than sẽ không dính vào xoong, nồi.
Minh Đan chia sẻ thêm nhờ phần cổng đốt được thiết kế 45 độ nên khi củi cháy tới đâu sẽ tự động rơi vào buồng đốt để tiếp tục cháy mà người nấu không cần đẩy như bếp thông thường. Cổng này còn được thiết kế cửa để đảm bảo quá trình đốt khép kín, tro bụi không bay ra ngoài ảnh hưởng đến sức khỏe người nấu và môi trường.
Một điểm đặc biệt mà sản phẩm bếp củi cải tiến được đánh giá cao chính là bộ phận thu hồi tro và ruột bếp khí hóa. Công Hậu phân tích: “Ruột bếp khí hóa là phần sáng tạo thêm, biến bếp củi thành bếp khí hóa có khả năng đốt nhiều nguyên liệu khác nhau như mùn cưa, rác, trấu mà hoàn toàn không tạo ra khói”.
Lần đầu bắt tay gia công sản phẩm, thiếu kinh nghiệm, Công Hậu phải nhờ đến sự giúp đỡ từ một người bạn làm nghề cơ khí. Sau giờ học, Hậu và Đan xuống tận Hóc Môn làm quen phân xưởng, học hỏi các kỹ thuật: hàn, tiện, cắt, gia công.
“Ban đầu tụi mình làm từng bộ phận một cách thủ công: nhìn bản vẽ và lắp ráp theo. Thế nên một số bộ phận không ăn khớp, chưa đạt yêu cầu. Rút kinh nghiệm, tụi mình bỏ tiền túi đầu tư kinh phí, áp dụng công nghệ cắt laser hiện đại. Từ đó, các chi tiết ăn khớp từng li, bếp củi cải tiến đạt hiệu quả cao hơn” - Công Hậu nhớ lại.
Sản phẩm bếp củi cải tiến được Minh Đan và Công Hậu gửi tham dự cuộc thi sáng tạo Holcim Prize 2016 và giành giải thưởng ở hạng mục bảo vệ môi trường. Với số tiền thưởng 25 triệu đồng, Công Hậu và Minh Đan tiếp tục đầu tư cải tiến sản phẩm, thay vỏ bọc bên ngoài từ sắt thành nhôm, và một số bộ phận được thiết kể nhỏ, gọn, dễ sử dụng hơn.
“Tụi mình đang cải tiến thêm vật liệu làm bếp, hạ giá thành sản phẩm. Hi vọng sản phẩm này sẽ đến tay người dân, đặc biệt là những hộ gia đình ở các vùng nông thôn” - Công Hậu tâm sự.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận