Một ca phẫu thuật ung thư vú - Ảnh: N.L
Theo đó, các bác sĩ sẽ đưa các dữ liệu của bệnh nhân và phần mềm này xác định giai đoạn của bệnh nhân, đồng thời đưa ra các phương án điều trị.
Trước đó, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã thử nghiệm phần mềm này để hồi cứu trên 103 bệnh nhân ung thư vú và 126 bệnh nhân ung thư đại trực tràng.
Kết quả cho thấy tỉ lệ tương đồng giữa phác đồ của bệnh viện và phác đồ của phần mềm đưa ra là 80,3%, trong đó tương đồng về phác đồ vú là 71%, ung thư đại trực tràng là 88,1%.
Trong thời gian tới, bệnh viện sẽ ứng dụng phần mềm này trên những bệnh nhân mắc một trong hai loại bệnh ung thư này đến điều trị, sau đó sẽ có nhóm chuyên gia của bệnh viện về hai loại bệnh này (Tumor Board) quyết định phương án điều trị tối ưu cho bệnh nhân.
Bệnh viện Ung bướu TP.HCM là một trong ba bệnh viện (Bệnh viện K - Hà Nội, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ) được Bộ Y tế chọn tham gia thử nghiệm ứng dụng phần mềm trong tư vấn và hỗ trợ các bác sĩ trong lựa chọn phác đồ điều trị bệnh ung thư tiên tiến và hiệu quả cho người bệnh.
Phần mềm trí tuệ nhân tạo "IBM Watson for Oncology" do Tập đoàn IBM của Mỹ xây dựng dựa trên nền tảng dữ liệu lớn. Các chuyên gia hàng đầu của Mỹ đã tham gia "huấn luyện" cho phần mềm này để chọn những phương án điều trị cho bệnh nhân.
Hiện nay, phần mềm đã được áp dụng ở 230 bệnh viện của 13 nước trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Thái Lan...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận