Phóng to |
Nguyễn Đức cùng người vợ và con trai Phú Sĩ, con gái Anh Đào - Ảnh: Trần Hoa |
Phóng to |
Đại diện Trường cấp hai Kawachi thuộc thành phố Nagano, Nhật Bản tặng Nguyễn Đức bức tranh vẽ gia đình anh do 11 học sinh nước Nhật vẽ - Ảnh: Trần Hoa |
Cuốn sách Dioxin - ấn phẩm bằng tiếng Anh - Ảnh: Hoàng Mai |
Những bác sĩ có mặt trong êkip thực hiện ca mổ cho cặp song sinh Việt - Đức cùng những bạn bè Nhật Bản góp sức vào sự thành công của ca mổ đã có dịp ôn lại nhiều kỷ niệm về cuộc phẫu thuật được đánh giá là “có một không hai" này.
Năm 1982, tại xã Sa Nghĩa, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum, cặp sinh đôi Nguyễn Việt - Nguyễn Đức ra đời nhưng bị dính liền nhau do ảnh hưởng của chất độc da cam. Hai bé bị dính liền phần bụng, có hai đầu, hai chân và một chân ngắn chừng 20 phân, một hậu môn, một bộ phận sinh dục. Năm 1982, Việt - Đức được đưa vào Bệnh viện Từ Dũ chữa trị.
Các hãng truyền hình Nhật Bản đã đến và đưa hình ảnh hai bé song sinh Việt - Đức lên màn ảnh thông tin của cả nước Nhật Bản và cả thế giới để mọi người giúp đỡ. Năm 1986, dưới sự giúp đỡ của bạn bè Nhật Bản, Việt - Đức được đi điều trị ba tháng tại Bệnh viện Hiroo, Tokyo thuộc Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản.
Ngày 4-10-1988, một êkíp mổ gồm 70 y bác sĩ trưởng đầu ngành và bác sĩ giỏi nhất của các bệnh viện, trung tâm y học tại TP.HCM được tập trung tại Bệnh viện phụ sản Từ Dũ để tiến hành ca đại phẫu thuật: tách rời hai bé song sinh Việt - Đức.
Dưới sự tận tâm, hết mình của các y bác sĩ Việt Nam cùng sự giúp đỡ về mặt vật chất cũng như tinh thần của người Nhật, tiêu biểu là nhóm Negaukai, cuộc phẫu thuật thành công ngoài mong đợi. Việt và Đức được trả lại cuộc sống riêng biệt như bao đứa trẻ khác. Tuy nhiên, Nguyễn Việt đã qua đời sau đó 19 năm vì di chứng của chất độc da cam/dioxin. Còn Nguyễn Đức bây giờ trở thành người chồng, người cha của hai đứa con Phú Sĩ và Anh Đào. Hiện anh đang làm việc tại làng Hòa Bình, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM.
Nhóm giáo sư người Nhật, Hội hữu nghị Việt - Nhật đang vận động những người bạn Nhật và Việt Nam cùng quyên góp kinh phí để đưa Nguyễn Đức và cuốn sách Dioxin đi giới thiệu với bạn bè quốc tế tại Hội nghị quốc tế Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York (nước Mỹ) vào năm 2017. |
Có mặt tại buổi lễ, Nguyễn Đức khẳng đinh: “Tôi ý thức sâu sắc giá trị sống mình đang có là do những bác sĩ trong êkip mổ, do Hội Negaukai, Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản mang lại. Tôi hứa sẽ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, khẳng định bản thân là người có ích cho xã hội…”.
Tại buổi lễ kỷ niệm, cuốn sách Dioxin ấn bản tiếng Anh vừa được giới thiệu đến độc giả. Nội dung của cuốn sách viết về ca mổ lịch sử cho cặp song sinh Nguyễn Việt - Nguyễn Đức và rộng hơn là những nạn nhân chất độc da cam.
Sách có sáu chương, được viết bởi 11 tác giả người Việt Nam và Nhật Bản. Trong đó ba tác giả chính của cuốn sách là Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Việt Nam), Bunro Fujimoto (Nhật Bản) và Ryotaro Katsura (Nhật Bản).
Cách đây ba năm, cuốn sách Dioxin được xuất bản ở Nhật (tác giả: giáo sư Ryotaro Katsura) với tên gọi Dioxin - Unforgetable Responsibility - Viet & Duc and World Peace’’ (tạm dịch: Dioxin - trách nhiệm không thể nào quên - Việt - Đức và hòa bình thế giới). Vì sách được viết bằng tiếng Nhật nên số lượng độc giả hạn hẹp, nhân dịp này giáo sư Bunro Fujimoto và những người bạn của ông đã cho ra mắt ấn bản sách bằng tiếng Anh (Công ty văn hóa sáng tạo Trí Việt - First News phát hành).
Nhóm tác giả mong muốn truyền tải đến nhân dân thế giới thông điệp xây dựng một nền hòa bình, một thế giới không có chiến tranh - đặc biệt là chiến tranh nguyên tử hay hóa học, để mang đến một tương lai tươi sáng và hòa bình cho các thế hệ sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận