Anh Tekeru Noppasin Jin, 24 tuổi, chia sẻ về tai nạn bất ngờ xảy đến với anh trong khi truyền máu trên kênh truyền hình GMM 25 - Ảnh: KHAOSOD
Theo báo Bangkok Post, cuối tuần qua, Bệnh viện quốc tế Bumrungrad xác nhận có sự việc một bệnh nhân nam 24 tuổi bị nhiễm virus HIV do truyền máu trong quá trình điều trị bệnh máu trắng tại đây.
Bệnh viện (BV) cũng đã cam kết miễn phí điều trị cho người bệnh không may gặp sự cố. Báo Khaosod cho biết người bệnh là anh Takeru Noppasin Jin.
"Bệnh viện quốc tế Bumrungrad vô cùng xin lỗi vì những gì đã xảy ra với bệnh nhân - thông cáo viết - Chúng tôi muốn bày tỏ sự hối tiếc sâu sắc vì những gì đã xảy ra, và sự chia sẻ đặc biệt với người bệnh cũng như gia đình người bệnh phải chịu đựng những hệ lụy từ sự cố này".
Thông cáo của bệnh viện Bumrungrad, một bệnh viện vốn được xếp hạng thuộc nhóm tốt nhất và cũng là đắt nhất tại Thái Lan, cho biết họ đã nhận máu từ Trung tâm máu quốc gia của Hội Chữ thập đỏ Thái Lan. Đây là nơi vốn có những tiêu chuẩn cao trong kiểm tra, sàng lọc các trường hợp hiến máu và chất lượng máu hiến.
Theo thông báo, việc lây nhiễm virus HIV qua truyền máu là chuyện có thể xảy ra nhưng rất hiếm, và chỉ xảy ra khi những người hiến máu nhiễm virus HIV đang ở giai đoạn cửa sổ, là giai đoạn không thể phát hiện virus HIV tại thời điểm hiến máu.
Bệnh viện khẳng định tất cả những người được truyền máu đều được thông báo trước về nguy cơ này, và cũng đều đã tự nguyện ký văn bản chấp thuận xác suất rủi ro đó khi nhận máu truyền trong những trường hợp cần thiết cho điều trị sau khi được thông tin đầy đủ về nguy cơ dù rất nhỏ.
Một tuyên bố của Hội Chữ thập đỏ Thái Lan năm 2017 cho biết chỉ có thể phát hiện virus HIV trong máu một người trong thời gian từ 1-2 tuần sau khi người đó bị nhiễm virus này.
Ảnh (minh họa): THAI VISA
Theo báo Khaosod phiên bản tiếng Anh, Bệnh viện Bumrungrad thừa nhận sự cố sau khi nam bệnh nhân công bố trên truyền thông việc anh bị nhiễm virus HIV, sau khi đã trả tới 7 triệu baht để điều trị hóa trị tại BV quốc tế Bumrungrad.
Một bác sĩ cho anh Takeru biết rằng anh đã nhận máu từ người hiến là một cảnh sát không nêu tên đã qua đời vài năm trước. Theo gia đình anh Takeru, thoạt tiên họ đã có ý định khởi kiện Bệnh viện Bamrungrad, nhưng sau đó bỏ kế hoạch này khi bệnh việc cam kết điều trị miễn phí cho anh Takeru.
Người bệnh trong trường hợp này đã điều trị bệnh máu trắng từ năm 2004, khi anh mới 9 tuổi. Ban quản lý bệnh viện Bumrungrad cho biết họ sẽ thanh toán mọi chi phí điều trị cho bệnh nhân không may này trong tương lai.
Các trường hợp rủi ro bị nhiễm virus HIV do truyền máu thi thoảng vẫn xảy ra, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Chẳng hạn, ngày 30-4 vừa qua, cơ quan chức năng Anh đã mở cuộc điều tra vụ việc khiến 4.500 người đã từng bị nhiễm virus viêm gan C và HIV sau khi bị truyền máu mang bệnh từ Dịch vụ Sức khỏe quốc gia (NHS) của chính phủ Anh từ 40 năm trước.
Đây là vụ việc được coi là cuộc khủng hoảng điều trị tồi tệ nhất trong lịch sử NHS. Số máu liên quan tới bê bối này đã được chuyển từ Mỹ sang Anh trong giai đoạn những năm 1970 và 1980, cũng là giai đoạn đỉnh điểm của đại dịch AIDS. Hơn 2.000 người bệnh trong số đó được cho là đã chết.
Còn theo Tổ chức kiểm soát dịch bệnh AIDS quốc gia (NACO) của Ấn Độ, bất kể thực tế đây là quốc gia có những luật lệ nghiêm khắc trong quản lý các ngân hàng máu, song dữ liệu thống kê cho biết mỗi năm có khoảng 2.000 trường hợp bị nhiễm virus HIV do truyền máu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận