Trong khi đó, hôm 27-2 vừa qua Chính phủ đã ký ban hành nghị định 24, được cho là có nhiều điểm mới có thể "gỡ cục máu đông" trong mua sắm y tế. Nhưng các bệnh viện vẫn kêu khó mua sắm, dẫn đến thiếu vật tư, thuốc men và người bệnh phải chuyển qua chuyển lại nhiều nơi hết sức vất vả.
"Đã đủ căn cứ pháp lý"
Tại hội nghị các giám đốc bệnh viện khu vực phía Bắc tổ chức hôm nay 16-3, ông Hoàng Cương, trưởng phòng chính sách, Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết tính từ tháng 1-2024 khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực áp dụng, đã có trên 1 vạn gói thầu các ngành nghề phát hành hồ sơ mời thầu theo luật mới, trong đó có mua sắm cho y tế.
"Luật Đấu thầu mới và nghị định 24 có nhiều điểm mới, giúp đấu thầu thuốc, vật tư y tế thuận lợi hơn, có thể chỉ định thầu trong trường hợp có dịch bệnh, hoặc ngay trong một số tình huống để đảm bảo hoạt động thường xuyên của bệnh viện. Bên cạnh đó cũng có một số hình thức mua sắm mới như chào giá trực tuyến minh bạch trên mạng đấu thầu quốc gia, 3-4 ngày bệnh viện có thể mua được linh kiện bị hỏng" - ông Cương nói.
Ông Cương cho rằng nghị định 24 cũng "gỡ" cho nhiều bệnh viện, có thể xác định giá gói thầu theo báo giá, kể cả trường hợp có 1 báo giá thì cũng lấy báo giá đó làm giá dự kiến cho gói thầu, hoặc có nhiều báo giá thì có thể lấy giá dự kiến từ gói thầu giá cao nhất. Đây là điểm mới rất đáng chú ý so với các quy định trước đó.
"Các bệnh viện cũng có thể áp dụng tùy chọn, mua thêm tối đa 30% gói thầu mua sắm trước đó. Quy định mới cũng giao quyền cho chủ đầu tư, nhận diện được những khó khăn vướng mắc trước đây để gỡ khó" - ông Cương nói.
Trả lời câu hỏi "vì sao nhiều bệnh viện vẫn chưa mua sắm được và vẫn thiếu vật tư phục vụ khám chữa bệnh?", ông Cương cho rằng do trách nhiệm của các chủ đầu tư, còn theo ông với các quy định hiện hành là đủ căn cứ pháp lý.
Bệnh viện vẫn kêu, vì sao?
2,5 tháng sau khi Luật Đấu thầu có hiệu lực, hơn nửa tháng sau nghị định 24, nhưng nhiều bệnh viện "nói nhỏ" là họ có khó khăn. Ông Nguyễn Văn Thường, giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội, nói gói thầu thiết bị phục vụ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, thứ mà nhiều nơi đang thiếu thì bệnh viện ông mới mở thầu tháng 10-2023 nên vẫn còn.
Tuy nhiên ông Thường băn khoăn về phân nhóm mặt hàng, cần cụ thể hơn mặt hàng nào trung ương đấu thầu, mặt hàng nào địa phương, mặt hàng nào bệnh viện...
Đại diện một bệnh viện khác chia sẻ lo ngại khi quy định đã có nhưng có thể có nhiều cách hiểu, nếu phòng vật tư và lãnh đạo bệnh viện quyết định chọn máy loại tốt, giá cao thay vì loại giá rẻ và xuất xứ bình dân hơn thì e ngại về pháp lý.
"Chúng tôi đã gỡ bằng cách họp hội đồng chuyên môn, có căn cứ và biên bản rõ ràng về lý do lựa chọn thiết bị trước khi lựa chọn cấu hình và mời thầu" - vị này nói.
Lãnh đạo một bệnh viện đa khoa ở Hưng Yên lại chia sẻ đang thiếu vật tư phục vụ phẫu thuật thay thế khớp gối và khớp háng nhân tạo vì "không có nhà cung cấp nào tham dự vì giá thấp quá".
Đây cũng là kết quả của tình trạng nơi bảo đã đủ quy định, nơi nói vẫn khó triển khai, nhiều bệnh viện vẫn đang thiếu thiết bị, vật tư y tế, thuốc men phục vụ khám chữa bệnh.
Gần 2 năm qua các bệnh viện khó khăn, cấp thẩm quyền có lắng nghe những băn khoăn, kêu ca từ bệnh viện hay không? Có nghe và đã có rất nhiều sửa đổi về quy định, thậm chí có những "ưu ái" cho y tế, bởi họ cũng đã hiểu đây là lĩnh vực có đặc thù, không thể quy định như mua sắm thông thường.
Nhưng cũng đã đến lúc các bệnh viện, sở, Bộ Y tế quyết liệt triển khai trên cơ sở quy định đã và mới có, không thể để người bệnh phải chờ đợi quá dài, hoặc chuyển từ bệnh viện này qua bệnh viện khác vì thiếu vật tư, thiếu thuốc men. Không thể cứ kêu mãi, mà đã đến lúc phải làm vì người bệnh không thể chịu khó, chịu khổ được nhiều hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận