Ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Hưng - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, trước tình hình các bệnh viện TP.HCM phản ánh thiếu thuốc phenobarbital điều trị tay chân miệng.
Bên lề buổi họp mặt các y, bác sĩ, viên chức ngành y tế và lực lượng vũ trang tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19 vào sáng 5-10, ông Hưng cho biết bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại TP.HCM đang vào mùa. So với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng và sốt xuất huyết thấp hơn rất nhiều. Tuy nhiên tính theo từng tháng, số ca mắc các bệnh này có sự gia tăng.
Hiện hai bệnh này chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vì vậy việc điều trị hiện nay chủ yếu là điều trị triệu chứng.
Về việc các bệnh viện TP.HCM phản ánh thiếu thuốc phenobarbital điều trị tay chân miệng, ông Hưng cho hay các bác sĩ hoàn toàn có thể thay thể bằng thuốc khác, có tác dụng tương đương theo phác đồ điều trị tay chân miệng của Bộ Y tế.
"Phenobarbital là thuốc các bác sĩ thường dùng trong điều trị bệnh tay chân miệng nhưng thực ra trong phác đồ điều trị bệnh này gồm phenobarbital hoặc thuốc khác. Điều này không có nghĩa là khi không có phenobarbital thì không điều trị được. Bác sĩ tại các bệnh viện hoàn toàn có thể thay thế bằng những thuốc khác, có tác dụng tương đương theo phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng" - ông Hưng nói.
Ông Hưng cho biết thêm Sở Y tế đã báo cáo Bộ Y tế về tình trạng này. Trong buổi họp giao ban sáng cùng ngày, sở nhận được thông tin từ Bộ Y tế là thuốc phenobarbital từ nguồn cung cấp nước ngoài đã đứt hàng, các nhà sản xuất cũng ngưng sản xuất.
Hiện Bộ Y tế chỉ đạo các nhà thuốc tìm nguồn hàng để nhập về, đồng thời khuyến cáo các bệnh viện xây dựng phác đồ điều trị dùng thuốc khác thay thế cho phenobarbital.
Để phòng bệnh tay chân miệng, ngành y tế khuyến cáo phụ huynh cần cho trẻ ăn chín uống sôi, ở sạch, giữ bàn tay sạch, chơi đồ chơi sạch và thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất. Cho trẻ nghỉ học khi mắc bệnh để hạn chế lây cho trẻ khác.
Khi trẻ có một trong các dấu hiệu như sốt cao liên tục, giật mình, chới với khi ngủ hoặc thức, run tay chân, đi đứng loạng choạng không vững, nôn ói liên tục, da xanh tái, thở mệt... phải đưa trẻ nhập viện ngay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận