Ngày 19-12-2020, sân bay cấp cứu trực thăng trên nóc tòa nhà Viện CTCH chính thức đi vào hoạt động - Ảnh: DUYÊN PHAN
Dấu ấn 2020
Ngày 11-12-2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì lễ khánh thành Viện Chấn thương chỉnh hình (Viện CTCH) thuộc Bệnh viện Quân y 175 - bệnh viện hiện đại hàng đầu khu vực cả về quy mô và trình độ với 500 giường bệnh và sân đỗ trực thăng; một trong năm bệnh viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM thuộc Đề án 125.
Ngày 26-5-2020 là 45 năm ngày truyền thống Bệnh viện Quân y 175. Trải qua một chặng đường đầy những khó khăn, gian khổ, thử thách nhưng rất đáng tự hào, những đồng đội cũ trở về cùng ngồi lại, nhắc lại, sống lại những kỷ niệm về những tháng năm không thể nào quên cùng những chiến công thầm lặng...
Hào hùng lắm những bộ đồ chiến trận từ Campuchia, Trường Sa, Nam Sudan, những người lính bảo vệ và giương cao lá cờ Tổ quốc ở mọi nơi mình được giao nhiệm vụ.
Ngày 29-12-2020, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, trao tặng Bệnh viện Quân y 175 danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai.
Khi tấm huân chương vinh quang được Chủ tịch Quốc hội gắn lên lá quân kỳ quyết thắng của đơn vị, niềm xúc động trào dâng trong lòng từng người có mặt, và như một lẽ tự nhiên, tất cả đều ý thức được trách nhiệm của mình trên hành trình cùng Bệnh viện Quân y 175 vươn xa.
Với những sự kiện kể trên, một năm qua của Bệnh viện Quân y 175 là một năm không thể nào quên. Dường như những dấu ấn đó đã đánh bật mọi khó khăn của thời COVID và tạo đà cho những phát triển mới.
Những mảnh ghép đã dần hiện lên
Bệnh viện Quân y 175 nằm trong khuôn viên có diện tích 21ha, giữa các con đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn và Phạm Ngũ Lão. Mảnh đất rất đẹp tạo ra ưu thế tự nhiên "địa lợi", và phải nói rằng giữ toàn vẹn mảnh đất đó để xây dựng cơ đồ như ngày nay là một chiến công của nhiều thế hệ. Vì nếu không, có thể nó đã bị chia năm xẻ bảy như từng thấy ở nhiều nơi khác.
Tôi đã rất nhiều lần đứng mê mẩn trước sa bàn của bệnh viện. Đẹp đến mức khó tin. Hoàn chỉnh đến mức không ngờ.
Phía trước mặt là một công viên rộng 30m, dài hơn cây số. Phía dưới công viên là bãi để xe 4 tầng. Ngay sau công viên là hai công trình chủ lực: Viện CTCH - 500 giường và bệnh viện đa khoa 1.000 giường (với đầy đủ các trung tâm, viện chuyên ngành, các cơ sở cận lâm sàng...).
Trên tầng 4 của công trình này xây dựng thêm khu công viên trên không (SkyPark), nơi bệnh nhân có thể uống cà phê, tản bộ hay tập phục hồi. Phía đầu đường Phạm Ngũ Lão sẽ có hai khu nhà cho Viện Dưỡng lão. Viện Ung bướu và y học hạt nhân được mở rộng gấp đôi, lên tới quy mô 300 - 500 giường, Viện Sản - nhi sẽ được xây dựng...
Một tòa nhà 9 tầng dành cho Viện Phục hồi chức năng, khu khách sạn cho chuyên gia nước ngoài, khu lưu trú cho người nhà bệnh nhân. Có thể nói, tất cả những gì ta đã từng thấy, đã từng nghe về các bệnh viện quốc tế thì đều đã có mặt trong dự án này.
Tôi cũng đã từng lo lắng, thậm chí nghi ngờ, không hiểu mình có kịp chứng kiến khi hoàn thành dự án này không? Thế nhưng, như một sự thần kỳ, những mảnh ghép cứ thế dần dần hiện hình, từng bước nhưng nhanh chóng và chắc chắn.
Giáo sư Josten - giám đốc Liên hiệp Bệnh viện tại Đại học Tổng hợp Leipzig, CHLB Đức - nhiều lần thán phục: "Một tốc độ xây dựng mà ở Đức chúng tôi cũng không thể nào tin nổi". Đến cuối năm 2021 này thôi, bệnh viện đa khoa 1.000 giường rồi sẽ khánh thành. Và có lẽ tôi sẽ không chỉ được chứng kiến mà còn được làm việc, góp sức mình trong cơ ngơi mong ước ấy.
Nhưng câu hỏi đặt ra: Cơ ngơi mới sẽ vận hành thế nào?
Quần thể y tế đa năng
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ thị "xây dựng Bệnh viện Quân y 175 trở thành một quần thể y tế đa năng, xứng tầm khu vực, chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân".
Là bệnh viện tuyến cuối của quân đội ở phía Nam, Bệnh viện Quân y 175 vẫn là cơ quan chuyên môn cao nhất của cả một địa bàn rộng lớn, vừa điều trị vừa nghiên cứu vừa đào tạo và sẽ phát triển theo định hướng viện - trường.
Là những người chiến sĩ, Bệnh viện Quân y 175 sẽ tiếp tục có mặt ở tuyến đầu, đảm nhận nhiệm vụ đầu sóng ngọn gió. Đó là những nhiệm vụ đảm bảo y tế biển đảo, tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc... (Bệnh viện Dã chiến cấp 2 số 3 đã hoàn tất giai đoạn huấn luyện tiền triển khai, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ ở phái bộ Nam Xuđăng vào đầu tháng 3 năm 2021).
Chương trình cấp cứu là một trong những nét đặc thù trong hoạt động của của bệnh viện. Cấp cứu bằng trực thăng, thủy phi cơ đã được triển khai từ nhiều năm nay, chủ yếu vận chuyển bệnh nhân vượt quá khả năng điều trị của các bệnh xá trên đảo Trường Sa về đất liền.
Ngày 19-12-2020, sân bay cấp cứu trực thăng trên nóc tòa nhà Viện CTCH chính thức đi vào hoạt động. Khi bệnh viện đa khoa 1.000 giường hoàn thành cũng sẽ tiếp tục vận hành sân bay cấp cứu trực thăng thứ hai với tính đa năng, hiện đại, đỗ đáp được nhiều loại trực thăng, từ các loại thông thường đến trực thăng vũ trang.
Với bước tiến quan trọng đó, Bệnh viện Quân y 175 sẽ mở rộng dịch vụ cấp cứu sang lĩnh vực dân sự, góp phần vào quá trình vận chuyển tạng cũng như sẵn sàng đáp ứng cả những tình huống thảm họa.
Quần thể y tế đa năng được xây dựng sẽ có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho bộ đội và nhân dân ngày càng có chất lượng cao hơn. Ngoài những trung tâm, những viện chuyên ngành đã có, trong quần thể y tế tổ chức thêm những đơn vị mới, như Viện Phục hồi chức năng, Trung tâm Y học Việt - Đức, khoa y học thể thao, phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ...
Không chỉ chữa trị tất cả các loại bệnh, bệnh viện sẽ tổ chức chăm sóc sức khỏe cho mọi bệnh nhân ở tất cả các lứa tuổi, trong tất cả các giai đoạn, các trạng thái diễn tiến của bệnh: chăm sóc bệnh nhân nội trú (trong bệnh viện), chăm sóc bệnh nhân ngoại trú (đã về nhà), và chăm sóc bệnh nhân cả khi đã hòa nhập trong cộng đồng (về lao động và về sinh hoạt).
Bệnh viện cũng sẽ phấn đấu để mỗi bệnh nhân có một chương trình chăm sóc riêng biệt (cá thể hóa), qua đó mỗi người hiểu biết về sức khỏe của mình, tự lo cho sức khỏe của mình, biết chịu trách nhiệm về sức khỏe của mình.
Những con người mới
Suy cho cùng, điều quan trọng nhất vẫn nằm ở yếu tố con người. Trong những năm gần đây, Bệnh viện Quân y 175 tập trung rất nhiều nỗ lực trong đào tạo cán bộ, đặc biệt là đào tạo ở nước ngoài, thông qua việc tổ chức hợp tác chặt chẽ và rộng khắp với các viện, các trường, các cơ quan ở Hoa Kỳ, CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Singapore…
Chỉ riêng lĩnh vực phục hồi chức năng, trong năm 2018 - 2019 đã có 10 giảng viên Đức sang giảng dạy 3 tháng ở Việt Nam, và có tới 7 bác sĩ, kỹ thuật viên Việt Nam sang thực tập tại Đức, mỗi người 3 tháng. Từ đó, phục hồi chức năng trở thành một lĩnh vực có sức hấp dẫn lớn cả với bệnh nhân cũng như đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế.
Nguyễn Thị Mai Linh được đào tạo cơ bản ở Australia về khoa học sức khỏe, 3 năm về vật lý trị liệu và phục hồi chức năng, tiếp theo là 2 năm học thạc sĩ về Chiropractics (nghề nắn chỉnh cột sống bằng tay, rất phát triển trên thế giới thời gian gần đây).
Sau đó Linh sang làm ở Singapore 8 tháng, thực hành trên bệnh nhân khoảng 20 - 40 ca/ngày, đa phần là bệnh nhân vẹo cột sống nhỏ hơn 10 độ. Chặng nối tiếp là làm việc ở Australia, cũng chừng 2 năm.
Sau 8 năm đằng đẵng ấy, Mai Linh quyết định về Việt Nam, tham gia đội hình khoa phục hồi chức năng ở Bệnh viện Quân y 175. Chị ngạc nhiên vì tầm nhìn, quyết tâm, tổ chức, trang bị, nhân lực của bệnh viện và tin tưởng mình sẽ cống hiến và trưởng thành ở ngay tại quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận