Cầu thang thoát hiểm tại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP.HCM nhỏ hẹp, xuống cấp chỉ đủ một người đi. Không gian chật chội, bệnh viện buộc phải đặt các thùng rác ngay hành lang khiến nhiều bệnh nhân, người thân lo ngại nhiễm khuẩn
Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online sáng 2-11, tại cổng cấp cứu Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình (TP.HCM), bệnh nhân và người nhà chen chúc trong không gian chật chội. Cổng cấp cứu cũng là nơi bệnh nhân vào khám vì bệnh viện không có cổng khám bệnh riêng.
Bệnh viện cũng chỉ có một con đường di chuyển "độc đạo" để di chuyển khám bệnh, chụp X-quang, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu… và thậm chí để di chuyển rác thải nên thường gặp tình trạng "kẹt xe" tại đây.
Còn tại khu vực chờ khám bệnh, các quầy thuốc, thu viện phí... bệnh nhân và người nhà ngồi, đứng chật kín. Nhiều người còn ngồi bệt dưới nền nhà, bậc tam chấp mệt mỏi chờ đợi.
Bệnh viện đã tận dụng tất cả không gian trống để chứa những thiết bị y tế hư hỏng như hành lang, thậm chí ngay cầu thang... Tại khu điều trị nội trú, bệnh nhân nằm chật kín. Bệnh viện còn phải kê thêm nhiều giường xếp dọc hành lang để đáp ứng số lượng người điều trị nội trú tăng cao.
Không những thế, bệnh viện còn không có chỗ để xe. Bãi xe của bệnh viện phục vụ cho bệnh nhân đến khám nhưng quá nhỏ, bệnh nhân đến thường gặp bảng ghi “hết chỗ để xe” và phải tự tìm chỗ để xe bên ngoài. Bệnh viện cũng không có chỗ để xe nhân viên y tế, nên phải thuê nhà dân bên ngoài và xin bên phần đất của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
Trở lại Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình sau 3 năm vì chồng bị hoại tử xương cần phải phẫu thuật, bà Dương Thị Sa (47 tuổi, ngụ tỉnh Lâm Đồng) lắc đầu ngao ngán khi bệnh viện càng ngày càng xuống cấp nghiêm trọng. Bà và nhiều thân nhân khác phải ngồi bệt dưới sàn hay đứng dọc hành lang vì trong phòng bệnh rất chật chội.
"Tôi đứng, ngồi chờ ở đây (hành lang - PV) mà cũng là nơi bệnh viện để các thùng rác. Tôi mong bệnh viện được xây dựng mới, chứ cứ như vầy bệnh nhân, người nhà, nhân viên y tế rất khổ sở", bà Sa nói.
Đại diện Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình cho hay, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khám ngoại trú khoảng 1.500 - 2.000 bệnh nhân, trong đó bệnh nhân nội trú khoảng 600 - 700 người (trong khi chỉ tiêu giường bệnh của bệnh viện là 500 giường).
Bên cạnh đó, mỗi bệnh nhân nội hoặc ngoại trú có ít nhất một người đi theo, cộng với khoảng 900 nhân viên, chưa kể các sinh viên, bác sĩ đi học. Như vậy, mỗi ngày bệnh viện tiếp khoảng 5.000 người trong một bệnh viện xuống cấp và quá tải.
"Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình giống như một cái áo chật chội nên khu vực nào cũng quá tải, nhưng quá tải trầm trọng là ở khu khám bệnh, khu vực chụp X-quang, khu vực nội trú (khoa chi dưới và khoa chi trên) và khu phòng mổ", vị này chia sẻ.
Đại diện bệnh viện cho biết thêm, trong hơn 10 năm chờ đợi dự án bệnh viện mới được triển khai, dù bệnh viện chật chội, cũ nhưng quyết tâm luôn giữ sạch sẽ.
Để khắc phục, bệnh viện đã sửa chữa cuốn chiếu tất cả các khoa lâm sàng, phòng khám, phòng hành chánh của các khoa. Khi sửa chữa, bệnh viện đã gộp các phòng nhỏ thành phòng lớn để tăng diện tích sử dụng
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không có cổng vào khám bệnh riêng, cổng cấp cứu cũng là cổng để bệnh nhân vào khám bệnh
Đông đúc, việc di chuyển những bệnh nhân nằm băng ca, hay còn ngồi xe lăn vô cùng khó khăn
Không có kho lưu trữ, bệnh viện đã đưa những trang thiết bị y tế để ngoài trời - khoảng khuôn viên trống giữa các phòng bệnh
Tận dụng khoảng trống tại cầu thang để chứa những chiếc giường xếp
Bên trong phòng bệnh cũng chật chội, vách tường loang lổ
Bệnh viện chật chội chỉ có một con đường di chuyển "độc đạo" để di chuyển khám bệnh, chụp X-quang, chuyển bệnh nhân đi mổ cấp cứu… và thậm chí để di chuyển rác thải
Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình không có khuôn viên để xe cho nhân viên y tế, nên phải xin phần đất của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới. Đồng thời bệnh viện phải thuê nhà dân bên ngoài để đáp ứng đủ số lượng xe của nhân viên y tế
Gần 55 năm xây dựng, đến nay cơ sở hạ tầng kết cấu công trình đã xuống cấp. Đầu tiên Bang Hẹ xây dựng bệnh viện chỉ 100 giường bệnh, đến nay bệnh viện có khoảng 600 giường (bao gồm các giường nằm ngoài hành lang các khoa phòng).
Bệnh viện mong chờ dự án tại khu 6A - khu chức năng số 6 - khu đô thị Nam thành phố, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh hoàn thành đưa vào hoạt động để giải quyết tình trạng đang quá tải hiện nay.
Nhưng đến nay, đã 12 năm kể từ ngày Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư dự án theo văn bản số 543/TTg-KTN ngày 2-4-2010, dự án vẫn chưa thực hiện xong giai đoạn chuẩn bị đầu tư và Sở Y tế cũng đã trình UBND TP xin hủy dự án này..
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận