Hai chân bệnh nhi T.B.L. bị phỏng do vô tình đạp ấm nước sôi - Ảnh: XUÂN MAI
Chiều 17-1, ThS.BS Diệp Quế Trinh (khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình Bệnh viện Nhi Đồng 1) cho biết trong vòng 1 tuần, bệnh viện tiếp nhận gần chục trường hợp trẻ em bị phỏng, tăng 20% so với ngày thường.
Theo đó, nguyên nhân chủ yếu là do sự bất cẩn, chủ quan của bậc phụ huynh.
Cách đây 2 ngày, bệnh nhân C.M.Đ. (1 tuổi, ngụ tỉnh Bình Định) nhập viện bị phỏng nước sôi cấp độ 2-3, với diện tích phỏng lên đến 23%. Hiện bệnh nhân Đ. đang được theo dõi điều trị.
Tương tự, bệnh nhân T.B.L. (3 tuổi, ngụ tỉnh Long An) cũng bị phỏng nước sôi, cấp độ 2-3, diện tích phỏng là 7%.
Theo lời kể của cha bé L., khi mẹ bé L. đặt ấm nước nóng cạnh lu nước để chuẩn bị pha nước ấm cho bé L. tắm thì vô tình bé đạp trúng và nước nóng đổ trực tiếp lên chân.
Trong một trường khác, bệnh nhân H.T.H.Y. (10 tuổi, ngụ tỉnh Quảng Trị) chẩn đoán phỏng lửa gas, cấp độ 2-3, với diện tích phỏng lên đến 72%. Ngoài ra, bé Y. còn bị suy hô hấp, có phỏng hô hấp đi kèm, hiện chưa can thiệp phẫu thuật.
Thương tâm nhất là trường hợp một bệnh nhi (28 tháng tuổi, ngụ tỉnh Long An) đã tử vong sau một ngày điều trị tích cực tại bệnh viện, với diện tích phỏng lúc nhập viện lên tới hơn 95% diện tích cơ thể.
"Trước đó, trong lúc bệnh nhi cùng các bạn gom rác đốt để vui chơi thì cạnh bên có chai đựng xăng rồi bình xăng phát nổ. Bệnh nhi bị phỏng rất nặng, các bé còn lại phỏng nhẹ" - BS Trinh thuật lại lời khai từ gia đình.
Trước tình hình diễn biến của các ca phỏng tăng mạnh, nhất là thời điểm gần Tết Nguyên đán, BS Trinh cảnh báo các bậc cha mẹ nên quan tâm trẻ nhiều hơn, tránh để xảy ra các trường hợp tai nạn đáng tiếc.
Ở các vùng quê có tổ chức nấu bánh chưng, bánh tét thì phải quan sát và để trẻ tránh xa nơi nấu bánh. Sau khi đun nấu xong phải triệt để dập tắt bếp và than lửa để tránh cho trẻ bị phỏng sâu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận