PGS.TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cho biết Bệnh viện Hùng Vương vẫn tiếp nhận bệnh nhân nước ngoài đến điều trị và luôn nhận câu hỏi: "Bệnh viện đã đạt chứng nhận tiêu chuẩn quốc tế nào chưa?".
Vì vậy, việc bệnh viện đạt chứng nhận chất lượng bệnh viện quốc tế ACHSI là điều kiện thuận lợi, giúp bệnh viện nói riêng và TP.HCM nói chung đẩy mạnh du lịch y tế, thu hút người bệnh nước ngoài.
Trước nỗi lo của nhiều người bệnh khi bệnh viện công đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế, liệu những bệnh viện này có tăng giá, PGS Diễm Tuyết khẳng định: "Chúng tôi đặt mục tiêu cung cấp đến người bệnh các dịch vụ y tế quốc tế với chi phí phù hợp với thu nhập của người Việt Nam, không vì đạt chứng nhận quốc tế mà tăng giá".
Theo PGS Diễm Tuyết, một số kỹ thuật cao như hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện có nhiều người nước ngoài đến bệnh viện điều trị hơn những khu vực khác.
Hiện nay, chi phí điều trị hỗ trợ sinh sản ở Bệnh viện Hùng Vương chỉ bằng 1/4 so với chi chí hỗ trợ sinh sản trong khu vực.
Ví dụ, hiện nay chi phí hỗ trợ sinh sản tại Bệnh viện Hùng Vương khoảng 50-70 triệu đồng. Trong khi đó ở Singapore, chi phí này khoảng 12.000 đô la Sing (gần 230 triệu đồng - PV).
Tại Việt Nam, hiện mới có duy nhất Bệnh viện Hùng Vương TP.HCM là bệnh viện công lập đạt tiêu chuẩn quốc tế. Số bệnh viện tư nhân đạt chất lượng quốc tế nhiều hơn các bệnh viện công. Ông Nguyễn Trọng Khoa - cục phó Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - đã thông tin như vậy tại hội nghị mới diễn ra tại TP.HCM.
Theo PGS Diễm Tuyết, ACHSI là tổ chức cung cấp các chứng nhận chất lượng bệnh viện lâu đời nhất, lớn nhất và ưu việt nhất của Úc.
Việc bệnh viện đạt được chứng nhận ACHSI có nghĩa là bệnh viện đã tuân thủ, duy trì các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về dịch vụ y tế, giúp đảm bảo sự an toàn và hài lòng của người bệnh.
Các bệnh viện công đang gặp nhiều thách thức
Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, các bệnh viện công đang gặp nhiều thách thức như bị quá tải, khó khăn trong tự chủ tài chính, mua sắm, đấu thầu.
Một số những khó khăn khác phải kể đến như sự chuyển dịch nhân lực y tế chất lượng cao ở các bệnh viện công chuyển sang bệnh viện tư làm việc, thiếu nhân lực chất lượng cao về chuyên môn, về quản lý, hạ tầng thấp kém...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận