05/07/2023 12:52 GMT+7

Bệnh viện được đấu thầu thuốc, thiết bị: không còn cảnh 'dao mổ rạch ba lần không qua da'

Bộ Y tế vừa ban hành thông tư 14 về trình tự, thủ tục xây dựng giá gói thầu mua hàng hóa, vật tư, trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập theo hướng "cởi trói" cho các bệnh viện.

Thông tư 14 cho phép các bệnh viện được mua thiết bị giá cao nhất thay vì giá thấp nhất. Trong ảnh: máy chụp hiện đại tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Thông tư 14 cho phép các bệnh viện được mua thiết bị giá cao nhất thay vì giá thấp nhất. Trong ảnh: máy chụp hiện đại tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM cơ sở 2 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Bộ Y tế cho phép các bệnh viện được đấu thầu thuốc, mua thiết bị, vật tư chào giá cao nhất, phù hợp với khả năng tài chính và yêu cầu chuyên môn. 

Bệnh viện không nhất thiết phải mua mặt hàng giá thấp dẫn đến "dao mổ rạch ba lần không qua da" như từng xảy ra ở Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM). 

Tuy nhiên phản ứng từ các bệnh viện cho thấy có điều vừa mừng vừa lo.

Thông tư đã gỡ vướng được cho bệnh viện có thể trang bị thiết bị y tế phù hợp, không chỉ căn cứ vào giá. Điều này hạn chế tình trạng phải mua thiết bị y tế giá rẻ mà chất lượng không đảm bảo cho khám, chữa bệnh.

Ông Nguyễn Bá Việt (giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh)

Chỉ còn lo khan hàng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bá Việt, giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh, cho hay sau thời gian dài vừa làm vừa chờ thông tư hướng dẫn nghị quyết 30, nay các bệnh viện đã có thể mua sắm trang thiết bị y tế theo quy định mới là thông tư 14.

"Chúng tôi đã rất mong mỏi thông tư này. Thông tư đã cụ thể hóa, gỡ vướng được cho bệnh viện có thể trang bị thiết bị y tế phù hợp, phục vụ chuyên môn tốt hơn chứ không chỉ căn cứ vào giá. Điều này hạn chế tình trạng phải mua thiết bị y tế giá rẻ mà chất lượng không đảm bảo cho khám, chữa bệnh", ông Việt cho hay.

Có thể thấy các kiến nghị trước đây mà lãnh đạo các bệnh viện nêu đã được tiếp thu và điều chỉnh khi lần lượt bỏ quy định "ba báo giá", đồng thời cho phép lựa chọn giá cao nhất, tránh chuyện mua giá thấp nhất mà hậu quả là đúng kiểu "tiền nào của nấy".

Bác sĩ Phạm Thanh Việt, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Chợ Rẫy, cho hay đến nay việc bảo đảm thuốc điều trị cũng như các trang thiết bị y tế cơ bản được đáp ứng.

Một lãnh đạo bệnh viện tại Hà Nội cũng bày tỏ vui mừng khi đã có thông tư hướng dẫn cụ thể về mua sắm trang thiết bị y tế. Tuy nhiên vị này cũng nhận định sẽ còn khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh thiếu nguồn cung.

Ngoài thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu thì vấn đề rất khó khăn hiện nay là thiếu nguồn cung. Có những hạng mục mời thầu nhiều lần mới có nhà thầu tham gia, hay trúng thầu cũng chỉ cung ứng nhỏ giọt, cầm chừng.

Đơn vị nhập khẩu cũng khó khăn về nguồn hàng tại các nước nên nguồn cung gián đoạn, không có hàng hoặc phải chờ hàng rất lâu.

"Đây là nguyên nhân khách quan mà các bệnh viện khó có thể giải quyết được", vị này nhận định.

Thông tư hướng dẫn đối với trường hợp trên thị trường Việt Nam chỉ có một hoặc hai nhà cung cấp (để bảo đảm tính tương thích về công nghệ, bản quyền; cần triển khai ngay) thì chủ đầu tư được phép gửi trực tiếp yêu cầu báo giá đến nhà cung cấp.

Tuy nhiên, cũng không loại trừ trường hợp gửi trực tiếp yêu cầu báo giá vẫn không nhận được hồi đáp.

"Như vậy thông tư gỡ vướng nhưng không chắc chắn sẽ đảm bảo đủ trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh. Bên cạnh đó, thông tư vừa được ban hành vì vậy bệnh viện cần có thời gian để áp dụng. Phải làm mới biết được còn vướng ở đâu nữa không", vị này chia sẻ thêm.

Trang thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện Ung bướu (TP Thủ Đức, TP. HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Trang thiết bị y tế hiện đại tại Bệnh viện Ung bướu (TP Thủ Đức, TP. HCM) - Ảnh: DUYÊN PHAN

Quan trọng là biết đánh giá đâu là hàng chất lượng khi đấu thầu thuốc, thiết bị

Một đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy thừa nhận xưa nay điểm nghẽn lớn nhất của việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế nằm ở quy định phải mua giá thấp nhất. Và với việc Bộ Y tế ban hành thông tư 14 cho phép "lựa chọn giá cao nhất", vị này nói đây là điểm lợi rất lớn, giúp giải tỏa nhiều vướng mắc của bệnh viện.

"Tuy nhiên khi thực hiện cũng phải so sánh cấu hình tương thích và yêu cầu kỹ thuật, bởi cấu hình khác nhau cũng không thể lựa chọn giá cao nhất được mà phải lựa chọn thiết bị phù hợp nhất. Tức dù gỡ vướng nhưng trong quá trình thực hiện cũng đòi hỏi sự ràng buộc bằng hai phương pháp chọn xây dựng giá và cấu hình trang thiết bị", vị này chia sẻ.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phan Văn Báu, giám đốc Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM), cho biết trước đây nghị quyết 30 chỉ tháo gỡ khó khăn trong mua sắm trang thiết bị y tế; còn sửa chữa, bảo trì trang thiết bị y tế vẫn phải áp dụng theo thông tư 58/2016 và sau đó là thông tư 68/2022 của Bộ Tài chính.

"Xác định giá gói thầu phải phụ thuộc vào tối thiểu ba bảng báo giá, trong khi một số trường hợp thiết bị y tế đang sử dụng chỉ độc quyền do hãng sản xuất hoặc nhà phân phối độc quyền mới có thể đủ năng lực can thiệp vào thiết bị đó", ông Báu phân tích.

Với thông tư 14, ông Báu cho rằng đã giải quyết được khó khăn, vướng mắc kể trên. Thông tư quy định chủ đầu tư tự quyết định lựa chọn giá hoặc thành lập hội đồng nhằm quyết định việc lựa chọn giá phù hợp yêu cầu chuyên môn và bảo đảm đủ kinh phí.

Đặc biệt quy định ưu tiên chọn giá gói thầu theo phương pháp 1 (tức xây dựng giá gói thầu theo báo giá của nhà cung cấp), nếu không thành công mới chọn phương pháp 2, 3.

Quy định này đồng thời cho phép chủ đầu tư được chọn báo giá cao hơn nếu thực hiện đồng thời hai phương pháp trở lên.

"Các quy định mới đã giải quyết được khó khăn trong việc xây dựng giá gói thầu so với trước đây do quy định rõ ưu tiên phương pháp xây dựng giá gói thầu; nhiều trường hợp do yêu cầu chuyên môn, chất lượng sản phẩm, chủ đầu tư có thể lựa chọn báo giá có giá chào cao hơn.

Nếu chọn phương pháp dựa vào kết quả thẩm định giá, doanh nghiệp thẩm định giá có sai sót trong việc tập hợp dữ liệu khi ban hành chứng thư thẩm định giá, chủ đầu tư không phải chịu trách nhiệm.

Ngoài ra, nhiều trường hợp hàng hóa đặc thù chỉ có một hoặc hai nhà cung cấp, hãng sản xuất độc quyền; chủ đầu tư có thể liên hệ trực tiếp", ông Báu khẳng định.

Bên trong phòng chụp cắt lớp vi tính, khu điều trị Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Bên trong phòng chụp cắt lớp vi tính, khu điều trị Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) - Ảnh: NAM TRẦN

Giá cao có đi đôi với chất lượng?

Thực tế từng có kiến nghị cho phép các bệnh viện được quyền lựa chọn nhà sản xuất có thương hiệu trong mua sắm thiết bị y tế, "thương hiệu lớn mới có máy tốt" phục vụ điều trị các bệnh lý chuyên sâu. Và khi thông tư 14 quy định cho phép "lựa chọn giá gói thầu cao nhất" thì xuất hiện băn khoăn rằng liệu giá gói thầu cao có đi đôi với chất lượng.

"Quy định được phép lựa chọn giá cao nhất cũng gây ra một số lo ngại về hiện tượng đội giá gói thầu, chọn giá cao hay giá thấp vẫn là một điều đắn đo, bởi hiện nay thực tế ngành y tế vẫn chưa quản lý được giá về trang thiết bị y tế. Trong khi quy định tại nghị định 07 mới chỉ yêu cầu doanh nghiệp kê khai, niêm yết giá. Do vậy giá cao chưa hẳn tương đồng về chất lượng", một chuyên gia về thiết bị y tế nói.

Về lo ngại vấn đề lạm dụng để chọn đơn vị trúng thầu có giá cao hơn, ông Nguyễn Bá Việt cho rằng thông tư đã hướng dẫn cụ thể việc xây dựng gói thầu, xác định đơn vị trúng thầu.

"Thông tư quy định trước khi xây dựng giá gói thầu, bệnh viện lựa chọn hoặc thành lập hội đồng để lựa chọn danh mục, yêu cầu về tính năng và yêu cầu kỹ thuật cơ bản trên cơ sở yêu cầu về chuyên môn. Sau đó, căn cứ trên cơ sở đó mới chọn đơn vị thẩm định giá theo quy định.

Như vậy bệnh viện sẽ đặt ra tiêu chuẩn lựa chọn trước, sau đó mới chọn đơn vị thẩm định giá. Đơn vị nào đáp ứng phù hợp với các yêu cầu chuyên môn, giá cả phù hợp với thị trường sẽ được lựa chọn. Tuy nhiên việc này cũng đòi hỏi các bệnh viện cần tính toán, rà soát kỹ càng", ông Việt nói.

Người bệnh chờ tại phòng siêu âm của Bệnh viện Bạch Mai  (ảnh chụp chiều 4-7) - Ảnh: L.ANH

Người bệnh chờ tại phòng siêu âm của Bệnh viện Bạch Mai (ảnh chụp chiều 4-7) - Ảnh: L.ANH

Sẽ tránh được mua xông mũi rẻ tiền, dao mổ cùn

Trao đổi với Tuổi Trẻ, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ tỏ ra hào hứng trước những quy định cơ quan chức năng mới ban hành, đặc biệt là bộ ba quy định mua sắm thuốc hiếm; giá dịch vụ theo yêu cầu và mua sắm, đấu thầu trang thiết bị y tế.

Ông Cơ nói thông tư 13 về giá dịch vụ theo yêu cầu và thông tư 14 về đấu thầu mua sắm vật tư là hướng dẫn những quy định có trong nghị quyết 30.

Dù không thể kỳ vọng có thêm hướng dẫn là giải quyết được hết các vướng mắc của bệnh viện công trong một sớm một chiều, nhưng ông nhận thấy các quy định mới có thể gỡ vướng trong tình trạng khẩn cấp hiện nay.

Từ đó tránh được tình trạng bệnh viện phải mua thiết bị rẻ nhất rồi gây khó cho cả bác sĩ lẫn bệnh nhân như mua xông mũi rẻ tiền, khi dùng thì bệnh nhân chảy máu vì quá cứng (xảy ra tại Bệnh viện Bạch Mai) hay mua dao mổ cùn mà Chợ Rẫy gặp.

Quy định này cũng gỡ được vướng mắc về sửa chữa, thay thế khi thiết bị hỏng hóc, trước đòi hỏi kể cả sửa chữa nhỏ cũng phải có ba báo giá, trong khi nhiều máy móc hiện nay là "máy đóng", chỉ có thiết bị do hãng sản xuất ban đầu mới dùng thay thế được, không lấy đâu ra ba báo giá, nhiều máy móc đã phải đắp chiếu vì quy định này nhưng nay đã gỡ được vướng mắc này.

Ông Cơ chia sẻ các bệnh viện rất hy vọng sẽ sớm quay lại đà phát triển. Với Bệnh viện Bạch Mai, ông Cơ cho hay sau khi có hướng dẫn mới, chiều 4-7 ông đã ký danh mục thiết bị chuẩn bị mua sắm nhiều thiết bị, vật tư phục vụ người bệnh.

Bên cạnh đó việc có giá khám chữa bệnh theo yêu cầu cũng sẽ tạo thêm nguồn thu cho bệnh viện để có thể đãi ngộ cán bộ y tế ở mức thu nhập hợp lý hơn, giữ chân y bác sĩ.

Về lo ngại khi được "cởi trói", liệu có tình trạng lợi dụng cơ chế hay không, ông Cơ chia sẻ việc mua sắm trước đây bị vướng do thực hiện theo quy định 5868 của Bộ Tài chính xây dựng hướng dẫn mua sắm nói chung, nhưng mua thiết bị, vật tư y tế hay thuốc chữa bệnh là có đặc thù, như chuyện máy đóng đã nói trên, hay thuốc độc quyền...

Quy định mới này là giải quyết tình trạng cấp bách thì có hiệu lực thực hiện trong thời gian ngắn trước khi Luật Khám chữa bệnh mới có hiệu lực. "Bên cạnh đó trong hướng dẫn cũng đã có những quy định để chống tham nhũng để xử lý những phát sinh", ông Cơ nói.

LAN ANH

Yên tâm hơn với kho thuốc hiếm tại các vùng miền

Tôi là bác sĩ chuyên khoa hồi sức tích cực và nhiều năm rồi đã gặp tình trạng thiếu thuốc hiếm, hiện nay bệnh viện chúng tôi cũng đang thiếu một số thuốc giải độc, thuốc chuyên khoa tim mạch loại chuyên sâu, nhu cầu sử dụng rất ít nhưng nếu có bệnh nhân có chỉ định thì lại cần dùng.

Trường hợp các bệnh nhân ngộ độc botulinum thời gian qua cần dùng những lọ thuốc rất hiếm, có khi 10 năm không gặp ca nào, nhưng năm nay lại trên chục ca và có bệnh nhân tử vong.

Vì đặc thù nhu cầu sử dụng rất ít nên không có nhà cung cấp, với quy định mới trong đó có việc thành lập các kho thuốc hiếm tại các vùng miền, tôi cho rằng người bệnh sẽ yên tâm hơn, trong đó có cả những người bệnh của bệnh viện chúng tôi.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Đào Xuân Cơ

Gỡ vướng, nhưng đấu thầu thuốc và vật tư y tế cho bệnh viện vẫn chậmGỡ vướng, nhưng đấu thầu thuốc và vật tư y tế cho bệnh viện vẫn chậm

Lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) cho hay sau khi có văn bản gỡ vướng cho đấu thầu, mua sắm trang thiết bị vật tư y tế, bệnh viện đã thực hiện, tuy nhiên thực tế việc đấu thầu còn chậm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp