24/07/2015 12:54 GMT+7

Bệnh viện công đến tận nhà: Cần có quy định cụ thể

L.ANH - THÙY DƯƠNG - D.NGỌC HÀ ghi
L.ANH - THÙY DƯƠNG - D.NGỌC HÀ ghi

TT - Việc triển khai khám bệnh tại nhà đã đáp ứng yêu cầu của nhiều bệnh nhân, nhất là người già yếu, bệnh nặng... Tuy nhiên, nhiều bệnh viện (BV) còn băn khoăn trong việc triển khai vì thiếu quy định cụ thể.

Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - khoa nội nhiễm Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - khám bệnh tại nhà một bệnh nhân ở quận Tân Phú  Ảnh: Hữu Khoa
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Khánh - khoa nội nhiễm Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM - khám bệnh tại nhà một bệnh nhân ở quận Tân Phú - Ảnh: Hữu Khoa

* Bác sĩ VÕ ĐỨC CHIẾN  (giám đốc BV Nguyễn Tri Phương, TP.HCM):

Xây dựng đề án nhưng vẫn băn khoăn

BV Nguyễn Tri Phương rất tâm đắc mô hình khám bệnh tại nhà và đang xây dựng đề án thực hiện. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn băn khoăn là không biết khi triển khai mô hình này bảo hiểm y tế (BHYT) có thanh toán cho bệnh nhân hay không vì đây là mô hình khám bệnh dịch vụ. Nếu được BHYT thanh toán, các BV thực hiện tốt mô hình này sẽ góp phần giảm quá tải cho BV và trong nhiều trường hợp BHYT sẽ không phải thanh toán chi phí nằm viện cho bệnh nhân.

* TS.BS ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH (phó giám đốc BV Ung bướu TP.HCM):

Cần có hành lang pháp lý

Mô hình khám bệnh tại nhà đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện, còn tại nước ta mới có một số BV áp dụng để phục vụ bệnh nhân. Nếu các BV triển khai khám bệnh tại nhà tốt cho bệnh nhân sẽ giảm bớt được những trường hợp bệnh nhân nặng, phải nằm trong môi trường BV. Bên cạnh việc đào tạo, tập huấn cho các bác sĩ ở BV quận, huyện để có thể cùng tham gia khám bệnh tại nhà, sắp tới BV Ung bướu sẽ tổ chức cho nhiều bác sĩ của BV, trong nhiều khoa tham gia êkip khám bệnh tại nhà, nhất là các bác sĩ trẻ, có tâm huyết.

Việc khám, chăm sóc người bệnh tại nhà là một nhu cầu có thật trong xã hội. Do vậy, Bộ Y tế nên tạo một hành lang pháp lý cụ thể cho mô hình khám, chăm sóc người bệnh tại nhà. Trong đó, chỉ rõ trách nhiệm quyền hạn của nhân viên y tế của BV khi đến khám bệnh tại nhà cho bệnh nhân như được làm những gì, đồng thời cũng chỉ rõ quyền lợi của người bệnh khi được khám, chăm sóc tại nhà.

* Ông TRẦN NGỌC LƯƠNG (giám đốc BV Nội tiết T.Ư):

Chỉ nên thực hiện ở một số dịch vụ

Cách đây ba năm, BV chúng tôi cũng đã có dự định triển khai một số dịch vụ tại nhà cho bệnh nhân. Nếu triển khai dịch vụ tại nhà, và đặc trưng của BV chúng tôi là bệnh nội tiết, chuyển hóa cần làm nhiều xét nghiệm, sẽ lợi hơn cho bệnh nhân rất nhiều, họ đỡ phải đến BV chờ đợi. Tuy nhiên, có hai vấn đề chúng tôi băn khoăn là giá dịch vụ sẽ thu như thế nào và BHYT có chi trả phí khám, xét nghiệm tại nhà hay không? Thứ hai là khám tại nhà liệu có nguy cơ không phát hiện tình trạng bệnh tiến triển, bệnh lý đang nặng lên mà để mất cơ hội vàng trong điều trị cho bệnh nhân?

Tôi nghĩ rằng chỉ nên triển khai các dịch vụ tại nhà cho bệnh nhân đặc thù: người già, người có bệnh lý không di chuyển được... và BHYT nên chi trả phí cho những bệnh nhân này theo mức phù hợp. Ngoài ra, chỉ nên triển khai các dịch vụ như khám thông thường, lấy mẫu xét nghiệm... Trường hợp bệnh nhân có bệnh lý nặng lên cần sớm tư vấn cho bệnh nhân đến BV. Không nên triển khai đại trà dịch vụ xét nghiệm tại nhà, khám tại nhà, chăm sóc tại nhà vì dù phí thu được của từng bệnh nhân có cao vẫn ảnh hưởng đến công việc của nhân viên y tế tại BV vì số lượng cán bộ của chúng tôi không nhiều.

* Ông NGUYỄN TRỌNG KHOA (phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế):

Nên có đề án trình cấp có thẩm quyền

Tại khu vực Hà Nội, trong nhóm BV công hiện có BV Phụ sản T.Ư có tổ chức dịch vụ chăm sóc tại nhà bệnh nhân. Trước khi triển khai đề án này, BV có đề án trình Bộ Y tế và được Bộ Y tế chấp thuận cho triển khai. Với các BV khác nếu muốn triển khai dịch vụ này cũng nên có đề án, nếu trực thuộc bộ thì trình bộ xem xét, nếu thuộc sở thì trình sở xem xét trước khi triển khai.

Triển khai dịch vụ tại nhà trước hết có lợi cho bệnh nhân, làm dịch vụ của BV đa dạng hơn và bệnh nhân có quyền lựa chọn loại hình dịch vụ phù hợp với họ. Vấn đề là BV có đủ sức hay không? BV Phụ sản T.Ư làm rất tốt dịch vụ chăm sóc tại nhà, tuy nhiên theo tôi chỉ nên làm các dịch vụ như thay băng, lấy mẫu xét nghiệm, chăm sóc mẹ và bé sau sinh... Tức là những dịch vụ đơn giản, ít nguy cơ biến chứng.

* Luật sư HUỲNH VĂN NÔNG (Đoàn luật sư TP.HCM):

Nên có quy định cụ thể

Theo tôi, cơ quan chức năng cần sớm ban hành quy định cụ thể để mô hình khám bệnh tại nhà phát triển theo đúng như mục đích tốt đẹp của nó. Trước hết, phải có BV chủ trì việc khám này. Bệnh nhân phải là người đã từng khám bệnh tại BV, có phương án điều trị rõ ràng do hội đồng chuyên môn của BV thông qua, những người già, người bị ung thư giai đoạn cuối... Bác sĩ, nhân viên y tế đến nhà khám do chính BV cử đi. Sau khi thăm khám về, bác sĩ phải cập nhật tình trạng bệnh nhân vô bệnh án... BV phải chịu trách nhiệm về việc thăm khám tại nhà của các bác sĩ do chính BV cử đi.

Quy định cũng nêu rõ giới hạn trách nhiệm của BV, quyền và nghĩa vụ của bác sĩ và nhân viên y tế khi đến thăm khám tại nhà cho bệnh nhân. Tôi nghĩ Nhà nước cũng cần ban hành khung chi phí cho loại hình này.

* Bác sĩ LƯU THỊ THANH HUYỀN (phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):

Ngành y tế cho phép, sẽ thanh toán BHYT

Hiện nay mô hình khám bệnh tại nhà chưa có hành lang pháp lý nên Bảo hiểm xã hội TP cũng chưa biết dựa vào đâu để thanh toán cho người bệnh. Nếu như ngành y tế cho phép BV làm với giá thanh toán như thế nào thì BHYT sẽ thanh toán như vậy. Hiện nay BHYT mới thống nhất với một số BV chỉ thanh toán cho một số trường hợp không đến BV được, khó khăn trong đi lại như bệnh liệt giường, bệnh nặng… nhưng bệnh đã được điều trị ổn định.

L.ANH - THÙY DƯƠNG - D.NGỌC HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp