01/05/2022 09:05 GMT+7

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ đến 7 năm, vì sao?

DƯƠNG LIỄU
DƯƠNG LIỄU

TTO - Nguyên nhân Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 (tại tỉnh Hà Nam) chậm tiến độ 7 năm, theo đại diện ban quản lý dự án, do lần đầu thực hiện dự án nên thiếu kinh nghiệm, chưa lường hết được các phát sinh khi triển khai.

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ đến 7 năm, vì sao? - Ảnh 1.

Sau khi khánh thành khoa khám bệnh Bệnh viện Việt Đức vào tháng 3-2019, bệnh viện vẫn chưa tiếp đón bệnh nhân - Ảnh: NAM TRẦN

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 do Ban quản lý dự án y tế trọng điểm - Bộ Y tế làm chủ đầu tư. Hai bệnh viện khánh thành khu khám bệnh vào tháng 10-2018, nhưng đến nay đều đóng cửa và không biết đến khi nào mới đi vào hoạt động. 

Dự án chậm tiến độ vì "thiếu kinh nghiệm"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện ban quản lý dự án cho biết nguyên nhân dẫn đến hai dự án chậm tiến độ là do đơn vị lần đầu thực hiện dự án, thiếu kinh nghiệm, chưa lường hết được các phát sinh trong quá trình triển khai.

"Hai bệnh viện được thiết kế theo nguyên mẫu của bệnh viện nước ngoài và dự án cũng thuê công ty nước ngoài thiết kế thi công.

Tuy nhiên trong quá trình xây dựng có nhiều điều chỉnh, thay đổi nhiều hạng mục theo ý kiến của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức như thay đổi hệ thống điều hòa, hệ thống nước nóng, số lượng điều hòa, thang máy, khu vực nội trú cho y bác sĩ… nên thời gian thực hiện bị vượt quá", vị này nói.

Tính toán không thể hoàn thành theo tiến độ được giao, năm 2019, Bộ Y tế xin tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện dự án. Tiến độ dự án đã được điều chỉnh thời gian thực hiện đến ngày 31-12-2020.

Đại diện ban quản lý dự án thông tin: "Đến năm 2020, hai dự án đã hoàn thành hơn 90%, về cơ bản đã hoàn thành. Chỉ còn một số hạng mục như cổng phụ, phân chia các phòng theo thiết kế... Tuy nhiên do đã hết thời gian thực hiện dự án nên đơn vị không thể thực hiện các thủ tục bàn giao. 

Bộ Y tế đã báo cáo Chính phủ để xin gia hạn thời gian thực hiện dự án, hoàn thiện các hạng mục còn lại. Sau đó sẽ tiến hành bàn giao cho các bệnh viện để đưa vào hoạt động".

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ đến 7 năm, vì sao? - Ảnh 2.

Lễ khánh thành khu khám bệnh dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 tháng 10-2019 - Ảnh: Bệnh viện Bạch Mai cung cấp

Khai trương phòng khám nhưng "đóng cửa" bệnh viện

Về việc khai trương phòng khám của hai bệnh viện nhưng lại "đóng cửa", vị này cho biết: "Việc khai trương phòng khám với mục tiêu là hoàn thành hạng mục nào sẽ bàn giao hạng mục đó để đưa vào sử dụng.

Cụ thể, Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã khai trương phòng khám và đưa vào hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên đến tháng 3-2020 dừng hoạt động vì dịch COVID-19. Sau đó, Bộ Y tế quyết định thành lập Trung tâm điều trị COVID-19, Trung tâm Hồi sức tích cực quốc gia tại đây. 

Do dịch bệnh diễn biến phức tạp, Bệnh viện Bạch Mai đã dồn toàn lực để chống dịch. Đến nay, dịch ổn định, Ban cán sự Đảng Bộ Y tế, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn đã đồng chỉ đạo quyết liệt để phòng khám hoạt động trở lại sớm nhất có thể.

Đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cơ sở 2, mục đích lúc đầu chỉ đưa vào hoạt động phòng khám, tuy nhiên do đặc thù phòng khám gắn liền khu vực phòng mổ, khu điều trị. Vì vậy sau khi khai trương phòng khám của Bệnh viện Việt Đức, bệnh viện chưa thể đưa vào hoạt động hạng mục này.

Về phần ban quản lý dự án, chúng tôi chỉ liên quan đến hạ tầng và đã đáp ứng để bàn giao. Còn việc phòng khám hoạt động được cần rà soát lại tổng thể về nhân lực, trang thiết bị, cơ chế tài chính, bảo hiểm y tế... do bệnh viện phụ trách. Hiện nay các nội dung này đang gấp rút hoàn thành để đưa phòng khám vào hoạt động trong thời gian sớm nhất".

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, lãnh đạo hai bệnh viện thông tin, hiện đang chờ ban quản lý dự án hoàn tất và bàn giao dự án mới có thể tính toán để đưa bệnh viện vào hoạt động.

Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 chậm tiến độ đến 7 năm, vì sao? - Ảnh 3.

Một số hạng mục đang xây dựng tại Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 còn dang dở - Ảnh: NAM TrẦN

Tháng 1-2014, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án "Đầu tư xây dựng mới 5 bệnh viện, viện tuyến trung ương và tuyến cuối đặt tại TP.HCM", trong đó có 2 dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

Ngày 1-12-2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư mới cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai tại Hà Nam, quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.990 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2014-2017.

Ngày 1-12-2014, Bộ Y tế phê duyệt dự án đầu tư xây dựng mới cơ sở 2 của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tại Hà Nam, quy mô bệnh viện 1.000 giường, tổng mức đầu tư 4.968 tỉ đồng, thời gian thực hiện 2014-2017.

Mục tiêu xây dựng bệnh viện là bệnh viện tuyến trung ương đạt tiêu chuẩn: hiện đại, đồng bộ, cơ chế quản lý điều hành tiên tiến, có trình độ khám chữa bệnh ngang tầm với các nước tiên tiến trong khu vực; cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh chất lượng cao; chuyển giao công nghệ khám chữa bệnh và tham gia đào tạo nguồn nhân lực; góp phần giảm quá tải cho các bệnh viện tuyến trung ương và giảm tình trạng người dân phải ra nước ngoài khám chữa bệnh.

Cảnh hoang vắng hai cơ sở bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức ngàn tỉ khánh thành rồi… đóng cửa Cảnh hoang vắng hai cơ sở bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức ngàn tỉ khánh thành rồi… đóng cửa

TTO - Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2 tại thành phố Phủ Lý, Hà Nam đã khánh thành khu khám bệnh vào tháng 10-2018. Thế nhưng đến nay, cả hai bệnh viện đều đóng cửa và không biết đến khi nào mới đi vào hoạt động.

DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp