17/01/2020 07:29 GMT+7

Bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc đang phát tán

LAN ANH - D. KIM THOA
LAN ANH - D. KIM THOA

TTO - Bệnh viêm phổi lạ (chứng viêm phổi do chủng coronavirus mới) đang có dấu hiệu phát tán ra khu vực châu Á. Ngày 16-1, đã có thêm Nhật Bản xác nhận có ca mắc bệnh.

Bệnh viêm phổi lạ từ Trung Quốc đang phát tán - Ảnh 1.

Chợ hải sản đầu mối ở thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc - nơi phát sinh dịch viêm phổi do chủng coronavirus mới gây ra - Ảnh: KYODO

Đây là quốc gia thứ 3 có bệnh nhân mắc bệnh, sau Trung Quốc và Thái Lan.

Từ Trung Quốc đến Thái Lan, Nhật Bản

Theo thống kê từ Bộ Y tế Việt Nam, bệnh nhân viêm phổi lạ đầu tiên được ghi nhận hôm 12-12-2019 tại chợ hải sản thuộc thành phố Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc. Số ca bệnh tăng dần, đỉnh điểm là đến cuối tháng 12-2019, sang tháng 1-2020, nhà chức trách Trung Quốc đã đóng cửa chợ, khi số ca mắc tăng lên và hầu hết bệnh nhân là chủ các quầy hàng tại chợ. Dù vậy, số ca mắc vẫn tiếp tục tăng đến 5-1 vừa qua.

Tính tới trưa 16-1, mới ghi nhận 2 trường hợp nhiễm chủng coronavirus mới bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Theo hãng tin Kyodo, ca bệnh đầu tiên ghi nhận ở Nhật là một công dân Trung Quốc đã tới Vũ Hán. Đây là một thanh niên độ tuổi 30 sống tại tỉnh Kanagawa, phía nam thủ đô Tokyo. 

Anh này bị sốt cao ngày 3-1 khi đang ở Vũ Hán. Sau đó 3 ngày, anh từ Vũ Hán về lại Nhật và tới ngày 10-1 thì nhập viện. Ngày 15-1 người bệnh này đã hồi phục sức khỏe và xuất viện.

Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Nhật, thông tin đáng chú ý trong ca bệnh duy nhất ghi nhận ở đây là người bệnh đã không hề tới khu chợ hải sản đầu mối ở Vũ Hán, nơi phát dịch đầu tiên. Do đó, khả năng lớn nhất là người này đã có tiếp xúc gần với người nhiễm bệnh viêm phổi trong thời gian ở Vũ Hán. Thông tin này tiếp tục làm dấy lên những lo ngại về khả năng lây nhiễm từ người sang người của chủng coronavirus mới.

Trước Nhật Bản 1 ngày, Thái Lan cũng thông báo xác nhận trường hợp đầu tiên bị viêm phổi có nguyên nhân từ chủng coronavirus mới tại Vũ Hán. Người nhiễm bệnh cũng là một khách du lịch Trung Quốc từ Vũ Hán tới Thái Lan. Người này đã được điều trị cách ly.

Phòng bệnh thế nào?

Tuy các biểu hiện lâm sàng không nặng nề như SARS, cúm A/H5N1 và tỉ lệ tử vong chưa phải là cao (đến nay có một bệnh nhân tử vong), có những dấu hiệu cho thấy không thể chủ quan với căn bệnh này: có chùm ca bệnh, có dấu hiệu cho thấy có thể lây từ người sang người, các ca bệnh cho đến nay đều xuất phát từ Vũ Hán trong khi đây lại là đầu mối giao thương lớn.

Đặc biệt, hiện chưa rõ nguồn gốc của bệnh: Từ động vật hay từ đâu? Loài động vật nào? Trong 20 năm qua, các bệnh mới phát sinh trên người đều có nguồn gốc từ động vật và đều rất nguy hiểm, như cúm gia cầm H5N1, SARS, MERS- CoV...

Phát biểu tại phiên họp ngày 15-1 của Bộ Y tế, các chuyên gia cho biết có 2 yếu tố khiến họ nhận định chưa bùng phát dịch, do chưa có bằng chứng rõ nét lây từ người sang người và các dấu hiệu lâm sàng của bệnh không quá nặng nề. Trường hợp tử vong đầu tiên ngoài mắc chứng viêm phổi lạ còn có bệnh cảnh nền làm biểu hiện bệnh nặng thêm.

Tuy nhiên, ông Phan Trọng Lân, viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho hay do mùa tết lưu lượng giao thương đi lại, du lịch rất lớn, thành phố Vũ Hán là đầu mối giao thông. Một chuyên gia khác cũng nhận định việc giám sát thông qua máy đo thân nhiệt và các biện pháp khác cũng chỉ ngăn chặn được 60% nguy cơ, 40% còn lại là "khoảng trống" đáng lo ngại.

Chính vì vậy, đã có 3 kịch bản đối phó với viêm phổi lạ được đặt ra, nhất là khi đã có những bệnh nhân đầu tiên đến Việt Nam từ Vũ Hán được đưa vào diện phải giám sát. Dù sắp đến dịp nghỉ tết, nhưng chống dịch thì không nghỉ.

Cục Y tế dự phòng Bộ Y tế khuyến cáo để phòng bệnh viêm phổi lạ và các bệnh lây qua đường hô hấp, cần hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính, trường hợp cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc (khoảng cách tối thiểu là 2m), hạn chế tiếp xúc gần với các trang trại nuôi động vật hoặc động vật hoang dã.

Cục cũng yêu cầu những người trở về từ thành phố Vũ Hán hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm phổi tại Vũ Hán, hoặc có sốt, ho, khó thở cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và tư vấn sức khỏe.

Phòng ngừa lây bệnh khi tới Vũ Hán

Hiện các chuyên gia virút học vẫn đang nghiên cứu chuỗi trình tự gen của chủng coronavirus này (do các nhà nghiên cứu Trung Quốc chia sẻ), song nhiều câu hỏi vẫn chưa có lời giải. Tới nay các nhà nghiên cứu vẫn chưa loại trừ khả năng chủng virút mới có thể lây nhiễm từ người sang người.

Theo đài CNN (Mỹ), ngày 15-1, Cơ quan Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ đã phát cảnh báo cấp độ 1, mức cảnh báo thấp nhất trong 3 cấp cảnh báo y tế khi đi lại tới công dân, khuyến cáo họ nên "nắm rõ và thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây bệnh" khi tới Vũ Hán (Trung Quốc).

Bệnh viêm phổi lạ có dễ nhận biết, xét nghiệm mất bao lâu? Bệnh viêm phổi lạ có dễ nhận biết, xét nghiệm mất bao lâu?

TTO - Ca bệnh viêm phổi lạ mới nhất vừa được ghi nhận tại Nhật Bản cho thấy nguy cơ lây lan rộng của bệnh này khi đã có 3 nước có người mắc bệnh. Làm sao phân biệt bệnh viêm phổi lạ, nếu xét nghiệm mất bao lâu?

LAN ANH - D. KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp