29/12/2017 13:11 GMT+7

Bệnh viêm họng mùa lạnh

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Tiết trời chuyển sang lạnh, bệnh về đường hô hấp cũng tăng lên, trong đó dễ gặp nhất là bệnh viêm họng.

Bệnh viêm họng mùa lạnh - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: treatsimply.com

Bệnh có nhiều nguyên nhân, thường là do virus (chiếm 60 - 80%); vi khuẩn (thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu - tan huyết nhóm A); do nấm, dị ứng, tiếp xúc với các yếu tố vật lý, hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn.

Các loại viêm họng

Viêm họng cấp tính: Đây là thể viêm họng điển hình, rất hay gặp trong mùa lạnh. Thông thường lúc đầu là do virus tấn công niêm mạc họng, nhân lên ở đó và phá hủy tế bào niêm mạc họng, sau đó bị bội nhiễm vi khuẩn, vi nấm. Viêm họng cấp gặp ở mọi lứa tuổi, triệu chứng rất rầm rộ, tùy vào từng nguyên nhân gây bệnh: cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người; sốt, môi khô, lưỡi bẩn; cảm giác khô rát họng, nuốt đau nhói lên tai; ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm; có thể kèm theo khàn tiếng.

Viêm họng mạn tính: Gặp chủ yếu ở người trưởng thành, nam bị nhiều hơn nữ. Đây là tình trạng viêm họng kéo dài, thể hiện dưới 3 hình thức chính là xuất tiết, quá phát và teo. Thể điển hình là viêm họng mạn tính tỏa lan, viêm họng mạn tính khu trú gồm có viêm VA mạn tính và viêm Amiđan mạn tính. Các triệu chứng của bệnh viêm họng mạn thường không có gì đặc biệt. Điển hình nhất là viêm họng mạn tính tỏa lan với cảm giác thường gặp nhất là khô họng, cay họng, ngứa và vướng họng. Những cảm giác này thể hiện rất rõ vào buổi sáng lúc mới thức dậy. Bệnh nhân cố ho khạc, đằng hắng để làm long đờm; nuốt có cảm giác vướng và đau; ho húng hắng; giọng nói thay đổi: tiếng đục, đầy. Những bệnh nhân uống rượu, hút thuốc lá, hoặc nói nhiều thì các triệu chứng trên lại tăng thêm.

Điều trị bệnh viêm họng

Khi mới thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh viêm họng, người bệnh cần tới cơ sở y tế chuyên khoa tai-mũi-họng để khám và có biện pháp điều trị thích hợp nhất. Mỗi loại viêm họng đều có những nguyên nhân khác nhau với những tổn thương khác nhau nên bác sĩ sẽ đưa ra cách xử trí hợp lý nhất như có dùng kháng sinh hay không dùng, nếu phải dùng thì sử dụng nhóm kháng sinh nào đem lại hiệu quả cao cho bản thân người bệnh, tránh tình trạng lạm dụng thuốc. Tốt nhất là không nên tự điều trị vì không phải tất cả các bệnh nhân bị viêm họng đều có thể dùng kháng sinh.

Điều trị thường kết hợp với sát khuẩn vùng họng bằng nước muối sinh lý ngậm họng, súc họng với dung dịch kiềm loãng. Có thể áp dụng một số cách sau:

- Pha muối biển với nước lọc ấm, thử độ mặn như khi nấu canh, dùng để súc họng mỗi giờ một lần có tác dụng sát khuẩn và giảm đau rát họng rất tốt.

- Pha loãng nước ép củ cải với nước theo tỉ lệ 1:1 để làm nước súc họng hằng ngày, có tác dụng giảm đau, khàn tiếng.

- Lá chua me đất 50g, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai với muối rồi nuốt từ từ.

- Lá rau bạc hà 2 - 3 lá, rửa sạch rồi nhai dập, ngậm nuốt nước từ từ vài lần trong ngày.

- Lá húng chanh 30g, rửa sạch bằng nước đun sôi để nguội, thêm vài hạt muối, nhai dập và nuốt nước dần.

- Lá rẻ quạt 1 lá, muối 2g. Rửa sạch lá, nhai dập, ngậm với vài hạt muối, khi nào nóng họng thì nhả ra, ngày ngậm 1 - 2 lần, có thể nuốt nước.

Dinh dưỡng khi bị bệnh viêm họng

Một chế độ ăn uống phòng và chữa bệnh viêm họng nên bao gồm các loại thực phẩm làm dịu và giúp chữa lành các tổn thương vùng họng. Kiêng các loại thực phẩm gây kích ứng họng hoặc khó nuốt.

Thực phẩm nên dùng

Mật ong là thực phẩm làm dịu viêm và đau họng. Mật ong cũng có tính chất kháng khuẩn, giúp chữa lành viêm họng. Nên trộn nước chanh với một thìa mật ong, ngậm trong miệng và nuốt từ từ để làm dịu cổ họng.

Khi bị viêm họng, nên ăn các loại thực phẩm mềm và dễ nuốt như chuối, táo, sữa chua và sữa trứng, ngũ cốc nấu chín, súp và nước canh.

Trong các loại thực phẩm, súp gà hoặc canh gà được coi là một phương thuốc hiệu quả trị bệnh viêm họng, làm giảm các triệu chứng cảm lạnh và cảm cúm. Các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Y tế Nebraska, Ấn Độ đã đưa súp gà vào thử nghiệm và họ phát hiện ra súp gà hoặc canh gà có thể làm giảm các triệu chứng cảm lạnh, cúm và viêm họng. Các thành phần trong món súp gà hoặc canh gà có tác dụng chống viêm nhẹ và hơi nước từ một bát súp gà giúp làm giảm sưng nề và hạn chế thời gian virus tiếp xúc với màng nhầy niêm mạc họng. Hơn nữa, trong súp gà hoặc canh gà còn có nhiều thành phần giàu chất dinh dưỡng như cà rốt, hành tây, cần tây, củ cải, khoai lang và tỏi, tất cả đều có thể có khả năng chữa bệnh viêm họng.

Thực phẩm cần tránh

Khi bị viêm họng, nên loại trừ những loại thực phẩm cứng, giòn hoặc gây kích thích cổ họng. Thực phẩm cần tránh gồm có bánh mì nướng, bánh quy giòn, ngũ cốc khô, các loại hạt, rau sống, thức ăn chiên hoặc nướng như gà rán, gà nướng. Tránh ăn vặt và dùng nước ngọt có đường vì có thể làm giảm khả năng miễn dịch.

Chú ý: Thực phẩm quá nóng có thể gây kích ứng cổ họng đang sưng, đau. Nên để đồ ăn nguội bớt trước khi ăn để tránh làm tổn thương cổ họng đang bị viêm.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp